icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Hò kéo pháo" - tấm giấy thông hành đưa tôi vào âm nhạc

Theo L.Đ

Nhà của nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn ở 14 số Hàng Thùng (Hà Nội). Vẫn cái cầu thang gỗ ọp ẹp, vẫn căn gác nhỏ, chỉ có chủ nhân là gầy xọp đi sau một đợt điều trị viêm phổi dài ngày trong bệnh viện. Bác sĩ cấm không cho ông nói chuyện lâu. Cứ nói được mấy câu, ông lại phải đưa tay lên chặn trên ngực để bớt đau.

Nhưng khi câu chuyện đề cập đến "Hò kéo pháo" (HKP) thì ông hào hứng hẳn lên. HKP - một trong những tác phẩm gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên, cũng chính là ca khúc thành công đầu tiên của anh bộ đội Hoàng Vân lúc đó vừa 24 tuổi.

Ông kể "... Trước Tết năm 1954, tôi (lúc đó là một đại đội trưởng thuộc Phòng Chính trị Đại đoàn 312) nhận được lệnh hành quân lên "Trần Đình." Từ  Phú Thọ, đi ròng rã hơn 10 ngày, lên đến nơi mới biết Trần Đình là Điện Biên. Nhiệm vụ của tôi là đi đón một số nghệ sĩ lớn tuổi hơn như Đỗ Nhuận, Trần Ngọc Xương, cũng tham gia vào chiến dịch. Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác lúc đó đang ở Sư 308, cũng đã có một số bài được biết đến như: "Mây núi rừng thiêng", "Chính khí ca", "Sẽ về thủ đô"... Còn tôi lúc đó thì hoàn toàn là dân ngoại đạo. Âm nhạc chỉ tự học ở nhà lúc bé. vào bộ đội mới tập tọng làm một số bài "tự biên tự diễn" với anh em trong đơn vị cho vui. Tất nhiên, tôi đâu dám coi mình là nhạc sĩ".

* Vậy thì khi viết HKP ông có đặt ra mục đích gì?

- Nhạc sĩ Hoàng Vân: Chẳng có mục đích gì cả, tôi chỉ coi như một bài bích báo thôi. Hàng ngày hành quân ở Điện Biên, nhìn những đoàn người kéo pháo, những bộ tời quay, trục, dây dợ, những bắp chân trần ấn xuống bùn đất... Đêm về không ngủ được. Thế là viết. Hình như cũng chỉ một vài đêm là xong.

* Thế ai là người đầu tiên phổ biến bài hát?

- Những người nghe đầu tiên là anh em trong đơn vị. Rồi rất nhanh, nó được phổ biến khắp nơi. Quân ta lúc đó tập trung ở Điện Biên dày đặc lắm, đánh "tập đoàn cứ điểm" cơ mà. Mà quân đội lúc đó lại rất thiếu bài hát, chỉ có mấy bài hành khúc của Văn Cao, Phạm Duy. Bài này ra lại hợp cảnh, hợp người nên ai cũng thích. Đến cuối chiến dịch thì HKP đã được nhiều người biết đến rồi. Có một lần tôi vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi đến đại bản doanh ở Mường Phăng để động viên một anh lính viết nhạc.

* "Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi...". Ba cái tiếng "hò dô ta" ấy chắc hẳn là tiếng hô của chính bộ đội ta khi kéo pháo?

- Làm gì có! Kéo pháo phải bí mật, phải cắn răng lại chứ đâu có dám hô gì. Tôi chỉ thấy người Việt Nam mình khi cùng kéo một vật nặng, bao giờ cũng "hò dô ta", nên cứ tự nhiên đưa vào, thế thôi. Còn âm điệu ở đây là tôi vận dụng thang âm dân ca Thái rề - son - la - đố. Như ở bài "Inh lả ơi"... 

* Trong bao nhiêu năm qua, chắc hẳn đã hàng trăm, hàng nghìn lần nghe HKP, lần nào ông thấy xúc động nhất?

- Nhiều lắm. Như lần Đại hội diễn Toàn quân năm 1954 tại HN. Trước đó chưa bao giờ ca khúc được trình diễn hoành tráng như thế, với dàn đồng ca 30 người của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, có kèm cả múa minh hoạ. Hay năm 1994, nghe giữa Paris, chỉ có Quang Thọ và Lê Dung hát, minh hoạ cho bài phát biểu của tôi. Một thời gian dài hát HKP thành công có Thanh Phúc - một giọng nam cao trời cho. Thanh Phúc hát cho bộ đội nghe, không micro, chỉ có 1-2 nhạc cụ đệm, với sự phụ hoạ của chị Kim Ngọc - người cùng Sư 312 với tôi. Kim Ngọc hát rất tình cảm.

Đối với bản thân tôi, cho đến bây giờ và lúc nào nghe HKP vẫn xúc động. Không hẳn vì bài hát của mình hay, mà cái chính là nó gợi mình nhớ đến những sự hy sinh gian khổ thời đó. Anh tưởng tượng, một khẩu pháo, một khối thép lớn như thế, đang kéo thì đại bác địch bắn từ trong đồn ra. Chỉ cần một mảnh đạn bằng bàn tay văng ra, làm đứt dây kéo; khẩu pháo lao sầm sầm xuống vực. 50 - 60 con người cùng ùa vào, làm sao để kìm cỗ pháo lại. Tô Vĩnh Diện chỉ là một trường hợp điển hình, trên đường kéo pháo còn không ít những tấm gương hy sinh như thế, không thể ghi nhận hết. Hoặc đang đi qua đồi gianh. Máy bay sà tới ném bom napal, tất cả đều bốc cháy... "Dù lửa nóng trong bom đạn bốc cháy quanh ta rồi/Bám chắc tay không rời/Gà rừng gáy trên nương rồi/Dấn bước ta đi lên nào/Kéo pháo ta sang qua đèo/Trước khi trời hửng sáng...". Những chữ đó đều không phải là hư cấu, tôi chỉ ghi lại thực tế...

* Vâng, một điều thấy rất rõ là những nghệ sĩ thời các ông tắm mình trong thực tế đời sống, nên những sáng tác của các ông mới được quần chúng đón nhận và có sức sống lâu bền đến vậy. Và thực tế, sự gắn bó với đời sống hình như lại chính là cái mà âm nhạc thời nay đang thiếu nhất. Ông có nghĩ vậy?...

- Tôi đã từng được nghe nhiều nhà nghiên cứu - cả trong lẫn ngoài nước - nói rằng HKP - cũng như nhiều ca khúc khác thời chống Pháp - phản ánh "hiện thực mới của một nền âm nhạc mới, từ nội dung đến ngôn ngữ âm nhạc". Tôi thì chẳng nghĩ cao xa được như thế. Cuộc đời tôi là cuộc đời một người lính. Cái gì tôi chứng kiến thì tôi viết ra thôi. Tất cả các sáng tác sau này của tôi cũng đều được viết như vậy. Tôi viết bài "Ngày mai em vừa tròn hai mươi tuổi" năm 1965 ở Lào Cai. Lúc đi lên bằng tàu hoả, lúc trở về bom đã phá mất đường tàu, phải đi bộ. Bài "Quảng Bình quê ta ơi" có được sau gần một năm trời sống trong đó, ngày ngày đạp xe đi các huyện ghi dân ca.

Không có máy ghi âm, chỉ mấy mẩu bút chì ghi trên những mảnh giấy thô nháp. Đi nhiều, ở lâu để âm hưởng những điệu hò, điệu dân ca nó ngấm vào người mình. Thời chúng tôi, có đi mới viết được. Người không đi mà viết còn bị coi là có vấn đề... Đúng là nhiều nhạc sĩ ngày nay xem nhẹ chuyện đi thực tế, nhiều ca khúc ngày nay chưa gắn với thực tế. Nhưng tôi nghĩ mỗi thời một khác. Dòng nhạc giải trí, nhạc trẻ, pop-rock, nó có cái kiểu riêng của nó. Phải thông cảm, miễn đừng dở là được.

* Hơi tò mò một chút: Ngoài những niềm vui về tinh thần, một ca khúc nổi tiếng như HKP chắc là mang lại cho nhạc sĩ Hoàng Vân nhiều tiền bạc?

- (sau một lát im lặng). Cách đây mấy hôm, cũng có người hỏi tôi câu này nhưng tôi không trả lời. (Rồi ông chỉ tay lên mặt cái bàn nước, nơi bày một khẩu pháo nhỏ để trong hộp kính). Đấy, hôm qua anh em bên pháo binh dến thăm, tặng khẩu pháo và một cái phong bì. Đưa phong bì cũng là cái kiểu bây giờ mới có. Hồi HKP được Giải thưởng toàn quân, được chiếc xe đạp Đi-a-măng. Nhưng đó là giải thưởng, chứ nói chung là không có chuyện tiền nong, nhuận bút gì. Cái được lớn lao hơn là tình cảm.

* Gần đây, có một hiện tượng là nhiều khán thính giả, trong đó có rất nhiều thanh niên, tỏ ra thích hát, thích nghe, thích quay lại với những bài hát truyền thống, với dòng "nhạc đỏ". Ông lý giải hiện tượng này như thế nào?

- Việc này có thể bắt đầu từ con em một số gia đình cách mạng, hay quân nhân, họ thích nghe lại những gì cha chú đã từng hát. Nhưng nhìn nhận sâu hơn, đây là một quá trình từ tự phát đến tự giác. Tôi sang Mỹ, sang Pháp, thấy những bài hát thời lập quốc của họ, cách đây mấy trăm năm, vẫn là những đỉnh cao vòi vọi, vẫn được nghe, được hát. ở ta cũng sẽ như vậy. Bản thân việc hưởng thụ âm nhạc nó có tính tái hiện những chu kỳ về thị hiếu, về khuynh hướng thẩm mỹ. Những giá trị đích thực sẽ không bao giờ bị đào thải.

Nhìn lại cả cuộc đời mình, nhạc sĩ Hoàng Vân tâm sự rằng ông chỉ trăn trở về những bản giao hưởng mà ông đã viết nhưng chưa đến được với công chúng. Do sự chậm trễ của thời gian, những thời điểm thuận lợi đã qua, bây giờ muốn dựng rất khó. Như hợp xướng 4 chương "Điện Biên Phủ", viết xong từ những năm 90. Năm nay nhân 50 năm Điện Biên mới được Bộ Văn hoá Thông tin in. Còn để dựng được thì chưa biết đến bao giờ. Chỉ mong sau này đến thế hệ những cháu như cháu Phi (nhạc trưởng Lê Phi Phi - con trai nhạc sĩ Hoàng Vân - hiên đang làm việc tại Macedonia - NV) sẽ làm tiếp những gì còn dang dở.

* Câu hỏi cuối cùng, nếu để đánh giá, ông thấy HKP có một vị trí như thế nào trong sự nghiệp nhạc sĩ của Hoàng Vân?

- Tự đánh giá về mình là rất khó. Tôi chỉ nghe một số nhà nghiên cứu, sau khi nghe rất nhiều bài của tôi, nghiên cứu về tôi, họ nói: Thành công đầu tiên thường là tuyên ngôn sáng tác của chính tác giả đó. Trong trường hợp mình, tôi thấy HKP đúng là như vậy. Trước HKP tôi chỉ là một anh bộ đội. Nhưng khi còn đang hò reo nhảy múa trên nóc hầm Đờ Cát thì nhận được điện báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi về cho đi học nhạc. Tôi đi bộ về Đại Từ (Thái Nguyên), rồi qua Bằng Tường, Trung Quốc học nhạc 6 năm. Tôi trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp. Có thể coi HKP là tấm giấy thông hành đưa tôi vào âm nhạc.

Xin cảm ơn ông.

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên đầy đủ là Lê Hoàng Vân. Sinh năm 1930, quê quán phủ Phụng Tiên, huyện Thọ Xuân, phường Thọ Nam, Hà Nội. Tháng 12.1946 đi bộ đội, làm liên lạc viên. Trong chiến dịch Điện Biên là đại đội trưởng thuộc Đại đoàn 312. Năm 1954 đi học nhạc ở  Học viện âm nhạc Trung ương Bắc Kinh, tốt nghiệp năm 1961. Năm 1964 chuyển ngành về làm nhạc trưởng ở Đài Phát thanh Tiếng nói VN. Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ VN các khoá 2,3,4. Tham gia giảng dạy ở Nhạc viện HN từ 1961 tới 2000. Huân chương Chiến công Hạng Ba, Huân chương Chiến thắng Hạng Ba, Huân chương Độc lập Hạng Ba. Năm 2000 được Giải thưởng Hồ Chí Minh với các tác phẩm: "Hò kéo pháo", "Quảng Bình quê ta ơi", "Hà Nội - Huế - Sài Gòn", "Hai chị em", "Tôi là người thợ lò", và bản giao hưởng vũ kịch "Chị Sứ". 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo