icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hoa nhung tuyết

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN

Quảng trường Stephanplatz đầu năm mới ở thủ đô Vienna chật kín người, pháo hoa bắn đì đùng sáng lóe nền trời đêm đen thẫm. Nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, nhưng dòng người cuồn cuộn ở trung tâm thành phố và mùi khói ngai ngái từ pháo hoa làm không gian ấm áp hẳn.

Daniel kéo tay tôi:

- Nghe kìa, bài Hoa nhung tuyết.

Tiếng nhạc dìu dặt làm tôi xúc động đến nghẹt thở, bài hát về hoa nhung tuyết (edelweiss) trắng như tơ mọc trên những triền núi xứ Alps băng giá.

Edelweiss, edelweiss,

every morning you greet me.

Small and white, clean and bright,

you look happy to meet me.

Blossom of snow may you bloom and grow,

bloom and grow forever.

Edelweiss, edelweiss,

bless my homeland forever.

Tạm dịch:

Hoa nhung tuyết, hoa nhung tuyết ơi

Sáng nào bạn cũng chào tôi

Nhỏ bé và trắng muốt

Trong ngời và rạng rỡ

Trông bạn thật vui khi thấy tôi

Bông hoa của băng tuyết, chúc bạn cứ nở và lớn lên

Nở và lớn lên hoài bất tuyệt

Hoa nhung tuyết, hoa nhung tuyết ơi

Hãy làm cho quê hương tôi hạnh phúc muôn đời.

Cũng như nhiều người, tôi cứ tưởng Edelweiss là bài dân ca Áo nhưng thật ra đó là ca khúc của Rodgers và Hammerstein, viết để bày tỏ lòng yêu nước của người Áo và thái độ chống đối Đệ tam Quốc xã (The Third Reich) trong chiến tranh thế giới thứ hai. Tôi may mắn được thấy hoa nhung tuyết nở tươi tắn như những ngôi sao cánh trắng tinh khôi trên những triền núi chập chùng xứ Alps quanh năm tuyết phủ ở Áo. Hoa nhung tuyết còn nở trên những đồng xu euro khi Áo đổi từ tiền schilling sang đồng tiền chung châu Âu, và Edelweiss còn là tên một nhãn hiệu bia Áo nữa.

Tôi được nghe bài hát du dương và tha thiết như thơ này lần đầu tiên trong phim The sound of music, và nhiều lần nữa trong những lần đi hát karaoke với bạn bè ở Việt Nam. Nhưng chỉ lúc này, trong cái giá buốt cuối năm ở thành Vienna - cái nôi âm nhạc thế giới - bài hát này mới ngân lên trong tôi những âm hưởng dịu dàng và êm đềm làm ngực tôi nghẹn lại.

Tôi được nghe Hoa nhung tuyết lần nữa ở sân bay quốc tế Vienna trong chuyến bay đầu tiên của năm mới lúc 6 giờ sáng từ Áo về London, khi bên ngoài sân bay trời mới tờ mờ sáng, ẩn hiện những chiếc máy bay lớn nằm chờ trên đường băng rộng. Sân bay vắng lặng, tôi ngồi trong phòng chờ ăn những chiếc bánh profiterole tròn nhỏ, bên trong có lớp kem mềm và phủ trên mặt xốt sô-cô-la đun chảy, chợt nghe bài hát năm mới ấy vang lên dìu dặt. Xa đất nước nhỏ bé xứ Alps này, tôi không nhớ Mozart, Beethoven, Strauss... bằng khúc ca giản dị về loài hoa cũng giản dị nở lúp xúp trên những ngọn đồi cao.

Alastair đón tôi ở sân bay London, cặp mắt ngái ngủ do “dư âm” buổi tiệc cuối năm đêm hôm trước. Rồi vừa lôi vali tôi đi, anh vừa hát nho nhỏ cho tôi nghe bài Auld Lang Syne:

Should old acquaintance be forgot,

and never brought to mind?

Should old acquaintance be forgot,

and auld lang syne?

For auld lang syne, my dear,

for auld lang syne,

we’ll take a cup o’kindness yet,

for auld lang syne.

Tôi hỏi:

- Không hát Happy New Year à?

- Happy New Year là bài nào?

- Trời đất, bài hát của ABBA, nổi tiếng lắm mà!

Anh chàng ngạc nhiên:

- Ta mới nghe lần đầu tiên luôn đó.

Sau này, tôi hỏi rất nhiều người Anh khác nhưng không ai biết bài hát cứ vang lên rộn rã ở Việt Nam mỗi độ năm mới này. Ngay cả ở Thụy Điển, quê hương ban nhạc ABBA, bài này cũng... không phổ biến bằng Việt Nam nữa, quả lạ lùng!

Tôi hỏi tiếp:

- Vậy chứ ở đây năm mới hay hát bài gì?

- Bài Auld Lang Syne, mới hát cho Uyên nghe đó. Hồi tối ở London dân tình tụ tập trước tháp đồng hồ Big Ben đông quá trời, rồi lúc chuông điểm nửa đêm, cả đám đông quen lạ gì cũng quàng tay lại hát bài này. Hôm qua bắn pháo hoa với chiếu laser màu trên vòng London Eye đẹp mê hồn, rồi còn bông kim tuyến (confetti), rượu sâm banh... Ai biểu Uyên “phiêu bạt” ở Áo chi, nếu không hôm qua đi chung, vui lắm!

Tôi tính nói: “Hôm qua ở Áo cũng vui” nhưng lại thôi vì thấy mặt mũi Alastair hớn hở như thể chỉ có tối giao thừa ở nước mình mới là số một.

Auld Lang Syne là bài hát bắt nguồn từ tiếng địa phương Scotland - có nghĩa là những ngày tươi đẹp đã qua - được Robert Burns viết vào những năm 1700 nhưng chỉ được phổ biến rộng rãi sau khi ông qua đời. Và vì Scotland cũng thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh (United Kingdom- UK) nên bài hát này trở thành một phần không thể thiếu ở những nước thuộc UK. Cho đến nay, nó đã được không biết bao nhiêu ca sĩ và ban nhạc hát trong những album của mình, trong đó phải kể đến Billy Joel, Jimmy Hendrix, Bruce Springsteen, Boney M, James Taylor, Beach Boys, v.v... Cách đây vài năm, dân Anh hết sức thích thú khi nữ hoàng lên tivi hát bài này tặng nước Anh vào dịp năm mới.

Bài hát nói về tình yêu và tình bạn trong quá khứ, câu hát We take a cup o’ kindness yet, for Auld Lang Syne được hát lên khi mọi người cùng nâng những cốc bia to “vật vã” đặc trưng Ăng lê uống mừng năm cũ qua, năm mới tới. Ở Việt Nam, âm điệu của bài này được hát khá ngộ nghĩnh “tò te cây me đánh đu...”.

Xe chúng tôi chạy qua những cánh đồng bạt ngàn. Virgin Radio- vốn chuyên về nhạc Alternative Rock- tự nhiên chuyển sang bài Auld Lang Syne, quả là “duyên nợ”. Chúng tôi hát vang lên theo, khi bên ngoài cửa xe mưa phùn nước Anh bay lất phất làm ướt những bãi cỏ xanh còn đọng đầy sương muối như ngăn đá tủ lạnh bị đông tuyết.

Một năm mới nữa lại đến, làm tôi nhớ hoa nhung tuyết và những ngày tươi đẹp đã qua...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo