Nhưng có điều lạ là chẳng mấy người trong số đó thiết tha với việc tìm hiểu lịch sử đất nước mình.
Trước hết, nguyên nhân chắc chắn đến từ phương pháp giáo dục từ chương, đầy định kiến khiến môn học này trở nên khô khan, khoa giáo, thiếu sức sống.
Bản thân người viết những dòng này, dù rất thích tìm hiểu về sử Việt nhưng tôi chẳng có ký ức gì về môn lịch sử suốt thời phổ thông, trừ năm học lớp 12. Năm ấy, chúng tôi được đoán chắc sẽ thi tốt nghiệp môn lịch sử và may thay, giáo viên chủ nhiệm lớp là người dạy môn này. Cô là “huyền thoại” dạy môn sử của trường tôi với khả năng khảo bài “đa nhiệm”. Cô thường khảo bài cùng lúc ba cách: bốn người viết câu trả lời lên bảng, hai người trả bài miệng, những người còn lại làm bài kiểm tra giấy. Vậy nên, 45 phút học sử với cô, có khi tôi được trả bài ba lần ở các cách thức khác nhau và chỉ cần không thuộc bất cứ câu nào trong đề cương, tôi sẽ có dịp học ngoài giờ với cô, đến khi nào thuộc bài.
Năm đó, nghe đâu cả lớp tôi đều trên 6 điểm môn sử, ai cũng thật lòng biết ơn cô. Nhưng đó vẫn là cách dạy truyền thống, học sinh buộc phải thuộc sử vì cô giáo chứ không phải sự hấp dẫn từ nội tại môn học này.
Tôi từng có dịp tham quan Bảo tàng sáp Singapore (trên đảo Sentosa), nơi giới thiệu sự hình thành và phát triển của đảo quốc đa sắc tộc này. Đó cũng là lần đầu tôi bước vào một bảo tàng lịch sử mà lại không hề có cảm giác nặng nề không khí lịch sử hay chính trị, cũng không có những lời diễn thuyết hấp dẫn, thuyết phục. Tôi ngạc nhiên với bốn bức chân dung biết nói (đại diện cho 4 sắc tộc chính ở Singapore là Trung Quốc, Malaysia, Anh và Ấn Độ) thay nhau kể lại lịch sử hình thành nên đảo quốc của họ. Tôi ngỡ ngàng ngắm nhìn những tiểu cảnh sinh động với những bức tượng sáp có hình dáng và thần thái như người thật, tái hiện văn hóa, cuộc sống và nét sinh hoạt của các sắc tộc Singapore từ xưa đến nay. Nghe nói 1-2 năm một lần, họ lại dùng tiền bán vé tham quan trùng tu và thay đổi các tiểu cảnh để tránh sự nhàm chán.
Rời khỏi Bảo tàng sáp Singapore, tôi gần như đã hiểu phần nào về lịch sử và văn hóa nước này, một cách tự nhiên và thoải mái, không gượng ép.
Trở lại Sài Gòn, tôi tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh 3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 4 năm. Vẫn như thế, cách kể về lịch sử của bảo tàng gần như không thay đổi, chủ yếu phụ thuộc vào hiện vật, ảnh chụp và chữ viết. Với tôi, những gì đọng lại sau mỗi lần đến 2 nơi này chỉ là cảm giác… mỏi chân và những dòng chú thích nhớ rồi quên ngay.
Như vậy, không gian cộng hưởng cho những bài học giáo khoa, truyền tải kiến thức lịch sử một cách trực quan, sống động và ấn tượng ở ta cũng hạn chế. Nguy hiểm hơn, chính ở những không gian ấy, lịch sử cũng được “truyền đạt” với đầy sự định kiến, áp đặt, không sáng tạo đã dẫn đến khiên cưỡng, thiếu sức sống, thiếu tôn trọng người tiếp nhận.
Xã hội ta có những chuyện cứ báo động hết năm này qua năm khác mà không có hồi kết, trong đó có việc dạy và học lịch sử. Chuyện cũ nói mãi. Đừng trách những người trẻ nâng niu những giá trị hoài niệm nhưng lại mất đi sự tha thiết hiểu biết dành cho lịch sử khi mà từ những trang sách giáo khoa cho đến không gian chức năng tái hiện, truyền trao các giá trị tri thức lịch sử lại có chung một vấn đề: Thiếu sức sống lẫn tinh thần khoa học khách quan!
Bình luận (0)