“Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) chưa có quyết định cho phép Trường Nghệ thuật sân khấu II (NTSK II) tuyển sinh và đào tạo các khóa học này cũng như chưa có văn bản giao chỉ tiêu đào tạo cao đẳng, đại học và phê duyệt chương trình đào tạo đại học ngành đạo diễn sân khấu cho trường”.
Đây là khẳng định của Bộ GD-ĐT tại Công văn số 1813/BGDĐT- GHĐH gửi Bộ VH-TT-DL, ngày 8-4-2010, phúc đáp công văn của Bộ VH-TT-DL về vấn đề văn bằng của một số sinh viên và cán bộ ngành văn hóa đã học tại Trường NTSK II từ năm 1977 đến năm 1989.
Việc xác định này của Bộ GD-ĐT dựa trên báo cáo kết quả làm việc của nhóm công tác, gồm cán bộ của Vụ Giáo dục Đại học thuộc Bộ GD-ĐT và cán bộ của Vụ Đào tạo thuộc Bộ VH-TT-DL với Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, vào ngày 4-8-2009.
Đem con bỏ chợ
Với công văn này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã phủ nhận một thực tế hiển nhiên là kết quả tuyển sinh và đào tạo của Trường NTSK II các khóa đại học, cao đẳng từ năm 1977 đến năm 1989. Suy ra, Trường NTSK II đã tuyển sinh và đào tạo lậu các khóa học này.
Khi báo cáo kết quả làm việc và kết luận như vậy, liệu đoàn công tác của Bộ GD-ĐT và Bộ VH-TT-DL có biết Công văn số 52/VH-DT của Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT-DL) duyệt cho phép Trường NTSK II đào tạo lớp chuyên tu đại học đạo diễn theo chỉ tiêu đào tạo niên học 1981-1982 của Bộ Văn hóa, gồm 12 học sinh đã trúng tuyển.
Công văn này đã khẳng định Trường NTSK II không hề tuyển sinh và đào tạo lậu, ít nhất là khóa đại học chuyên tu đạo diễn sân khấu 4 năm, từ năm 1981 - 1985.
Theo các hiệu trưởng của nhà trường, các khóa đào tạo hệ đại học và cao đẳng của trường, khi trường NTSK II chưa được nâng lên thành trường cao đẳng hay đại học như bây giờ, đều theo chỉ tiêu đào tạo của Bộ Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT) sau này.
Bộ GD-ĐT căn cứ vào một văn bản mắc sai sót, nhầm lẫn về chữ nghĩa (do lỗi đánh máy) của Bộ Văn hóa để xét trình độ của học viên!
Không thể cho các khóa đào tạo này của Trường NTSK II là lậu được khi mỗi khóa tốt nghiệp đều có quyết định công nhận tốt nghiệp của Bộ Văn hóa.
Chẳng hạn, khóa đào tạo 1981-1985 có Quyết định số 151/VH-QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa công nhận tốt nghiệp cho 7 sinh viên (Nguyễn Hồng Nhung, Nguyễn Hữu Diệu Đức, Cao Đình Liên, Lê Hữu Luận, Thiều Kỳ Ngộ, Võ Văn Thênh, Phạm Ngọc Thu).
Điều này cho thấy hoặc Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT-DL và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM hiện nay không còn lưu các văn bản quan trọng có liên quan đến kết quả học tập hợp pháp của sinh viên các khóa này nên vội vàng kết luận như trên hoặc cố tình phủ nhận các văn bản có tính cơ sở và hợp pháp của Bộ Văn hóa đã ban hành thời đó.
Sai một ly đi một dặm
Dù Bộ GD-ĐT phủ nhận tính hợp pháp của các khóa đào tạo đại học đạo diễn sân khấu của Trường NTSK II từ năm 1977 đến năm 1989 nhưng lại chấp nhận cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng cho 7 sinh viên khóa 1981-1985 còn lưu giữ đầy đủ hồ sơ học tập lớp đại học đạo diễn sân khấu tại trường này.
Việc hạ trình độ này của Bộ GD-ĐT đã gặp phản ứng gay gắt của các học viên, đặc biệt là trường hợp nghệ sĩ Hữu Luân (sinh viên Lê Hữu Luận) đã bị bộ này ra quyết định tước bằng thạc sĩ văn hóa và hủy bỏ điểm thi nghiên cứu sinh tiến sĩ vì chỉ có bằng cao đẳng.
Quyết định này của Bộ GD-ĐT dựa trên điều 1 Quyết định 151 của Bộ Văn hóa, có sai sót do lỗi đánh máy, thay vì đánh là công nhận tốt nghiệp 7 học sinh lớp đại học đạo diễn chuyên tu thì nhân viên đánh máy đã đánh nhầm “công nhận tốt nghiệp 7 học sinh lớp cao đẳng đạo diễn chuyên tu”.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT chỉ công nhận tốt nghiệp trình độ cao đẳng cho họ, mặc dù trong điều 2 của quyết định này có ghi: “Những học sinh tốt nghiệp có tên trong điều 1 được hưởng các chế độ do Nhà nước ban hành cho học sinh tốt nghiệp đại học nghệ thuật” và trong quyết định đầu vào của Bộ Văn hóa có ghi là lớp đại học đạo diễn sân khấu chuyên tu (?!).
Ngày 23-1-2003, Bộ VH-TT cũng đã gửi Công văn số 333/VHTT-ĐT đến Bộ GD-ĐT đề nghị “cấp bằng cho các sinh viên còn đủ hồ sơ đã hoàn thành các khóa hệ đại học chuyên tu” tại Trường NTSK II, trong đó có 7 sinh viên bị ghi nhầm là lớp cao đẳng trong quyết định nói trên của Bộ Văn hóa.
Ông Trần Minh Ngọc, nguyên hiệu trưởng Trường NTSK II, còn gửi thư tay cho Bộ GD-ĐT làm rõ vướng mắc về sự khác nhau giữa đầu vào và đầu ra của khóa đào tạo chuyên tu đại học đạo diễn sân khấu (đầu vào tuyển sinh theo Công văn 52 là lớp “đại học đạo diễn chuyên tu” nhưng khi công nhận tốt nghiệp, tại điều 1 của Quyết định 151 lại ghi là “lớp cao đẳng đạo diễn chuyên tu”). Cụ thể, ông Ngọc xác nhận “sai sót là của Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa, bộ này thông qua Vụ Đào tạo đã nhận thiếu sót này”.
Như vậy, tại sao lại phải căn cứ vào một văn bản có sai sót, nhầm lẫn trong chữ nghĩa (do lỗi đánh máy) để xét trình độ của học viên trong khi cái cần căn cứ là thực lực học tập và kết quả thi cử của họ thông qua chương trình đào tạo và bảng điểm các môn học, các kỳ thi? Liệu cách làm này của Bộ GD-ĐT có quá ép những sinh viên này không?
Nếu nhận tấm bằng cao đẳng là đồng nghĩa với việc chấm dứt ước muốn học cao hơn nữa của họ, chưa kể có người phải rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười như trường hợp nghệ sĩ Hữu Luân.
Đạo diễn Hữu Luân (Lê Hữu Luận): Thiếu sâu sát Câu chuyện các học sinh, sinh viên Trường NTSK II hoàn tất việc học tập nhưng sau khi thi tốt nghiệp, ra trường không được cấp bằng đã gây ra nhiều bức xúc cho chúng tôi suốt mấy chục năm qua.
|
Bình luận (0)