Nếu làm được ca sĩ bằng giọng hát trời cho là chính thì làm vũ công phải bằng khổ luyện. Chịu đựng được khổ luyện chỉ có những người thật sự đam mê. Đó là một thực tế mà không ít người chưa thể nhận ra khi chưa bước chân vào.
Kiên nhẫn cực độ
Không giống như ca hát, nhảy đòi hỏi học viên phải kiên nhẫn cực độ. “Nếu không thực sự thích, bạn sẽ dễ nản lắm vì chỉ với một động tác dễ, bạn cũng phải dành rất nhiều thời gian để tập luyện mới có thể nhuần nhuyễn và động tác mới đẹp được” - biên đạo John Huy Trần cho biết. Trong khi đó, động cơ tạo nên những phong trào đam mê nhảy múa hiện nay chính là những chương trình biểu diễn đỉnh cao. Khán giả cứ ngỡ một bài nhảy thực tế cũng không quá phức tạp. Bằng chứng là không ít ca sĩ vẫn có thể nhảy mà chẳng mất thời gian tập luyện. Họ vẫn trình diễn đẹp mắt trên sân khấu và nhìn cách ngôi sao vung tay, múa chân, nhiều người cũng nghĩ không khó để mình có thể biến ước mơ thành hiện thực.
Những buổi diễn của Dance Center với John Huy Trần, những tiết mục thi tài trong chương trình So you think you can dance, Vũ điệu xanh, Dancing with the star, những buổi tập luyện của Alexandre Tú hay của các nhóm vũ công có tiếng ở Việt Nam như Tấn Lộc với Arabesque, Hoàng Thông, Bước Nhảy, MTE...để lại ấn tượng đối với công chúng. Nhưng để có được những tiết mục biểu diễn ấn tượng đó, họ đã dành không ít thời gian công sức đầu tư cho nhảy múa, thậm chí cả đời.
Là một trong những người coi nhảy múa là “cuộc sống” của mình, Natasha - cô giáo của Trường Soul Dance Academy - từ chối thẳng những yêu cầu của học viên chỉ học một bài nhảy để biểu diễn. Cô Natasha bảo: “Năng khiếu ở múa là việc bạn sẽ thẩm thấu một điệu nhảy nào đó thành công hoặc luôn có những ý tưởng đầy sáng tạo cho giai điệu âm nhạc nào đó. Không có chuyện bạn chỉ đứng một chỗ, nhìn ai đó nhảy rồi có thể bắt chước nguyên xi. Bạn có thể học dance sport trong một vài tháng nhưng với các thể loại nhảy khác, bạn phải hiểu nhảy là gì trước khi biến kiến thức đó thành vũ điệu. Tôi không song hành với những người chỉ thích học một bài nhảy thay vì phải luyện tập những thứ thuộc về nền tảng trước”.
Nền tảng là đam mê
“Một vũ công giỏi không phải vì kỹ thuật chuyên môn của họ mà vì niềm đam mê họ dành cho bộ môn nghệ thuật này” - quan điểm của Martha Graham, biên đạo múa người Mỹ - được coi là một trong những nhà tiên phong của múa đương đại, cũng chính là tinh thần mà những vũ công đích thực theo đuổi. Nhưng điều này lại vô tình trở thành rào cản khó vượt của những người đang hăm hở đến với nghệ thuật nhảy múa hiện nay, thậm chí tạo nên trào lưu. Bà Nguyễn Phước Hồng Hạnh, quản lý trung tâm dạy nhảy Dance Center, bảo: “Học viên đến trung tâm hầu hết chỉ muốn tiếp cận, biết thêm những gì họ đang thấy và yêu thích trên các sân khấu trình diễn là chủ yếu. Hầu hết, không ai nghĩ đến việc học nhảy để làm gì sau đó? Việc đầu tư của họ cho nhảy múa có phù hợp hay không?”.
“Những vũ công chuyên nghiệp là những người có tính kỷ luật, khả năng tập trung và tinh thần cầu tiến, đây cũng chính là những yếu tố giúp họ thành công cả trong học vấn và sự nghiệp nghệ thuật” - Alexander Tú
nhận định.
Nhưng có lẽ mong muốn của Alexander Tú cần rất nhiều thời gian nữa mới có thể thành hiện thực. Bởi cho đến nay, nghệ sĩ trình diễn vẫn chỉ xem nhảy múa là yếu tố phụ trong phần biểu diễn của họ, trong khi đó, vũ công cũng khó có thể kiếm sống được với nghề của mình. Ngoại trừ một số người có khả năng biên đạo cho các tiết mục múa minh họa của ca sĩ hay diễn viên còn có thêm thù lao biên đạo, những vũ công bình thường phụ thuộc hoàn toàn lịch diễn của ca sĩ, diễn viên mà thù lao cho một tiết mục múa minh họa cũng không vượt quá 500.000 đồng/người ở một chương trình. “Một nghề đòi hỏi quá nhiều nhưng không mang lại cuộc sống như mong đợi nên không ít người bước chân vào không bằng niềm đam mê đều thất vọng. Sự hào hứng của công chúng vì vậy chỉ dừng ở bề rộng kiểu vui là chính chứ chưa bao giờ chạm đến chiều sâu, nơi đòi hỏi vũ công phải trả giá bằng mồ hôi và cả nước mắt” - John Huy Trần thổ lộ.
Một cuộc vui bao giờ cũng thu hút rất nhiều người nhưng chỉ những người thực sự đam mê mới đủ kiên trì theo đuổi. Nhảy múa ở Việt Nam chưa đủ hào quang để giữ chân những người thích nó.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-5
Nhảy múa để “giải phóng” cơ thể
D., 13 tuổi, con gái của một ông chủ tập đoàn điện tử nổi tiếng, bước vào tuổi dậy thì thờ ơ, mất tập trung với việc học, trái tính, trái nết. Cha mẹ cô lo lắng và đưa cô bé đến trường nhảy Soul Dance Academy. Các thầy cô giáo ở đây cho biết trái hẳn với biểu hiện thường ngày khi chưa đến trường, D. say sưa theo từng điệu nhảy, từng động tác nhún chân, cong tay, ưỡn người kéo căng cơ như thể niềm đam mê của cô bé được đánh thức.
Mẹ D. thừa nhận từ ngày được học nhảy, D. thay đổi nhiều, không còn nóng nảy hay cộc cằn. Thay vào đó, cô bé cười nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn và cũng dành thời gian để tập trung vào một công việc nào đó tốt hơn. Với bà, điều đó là một thành công trong việc giúp con vượt qua những khó khăn của tuổi dậy thì.
Bình luận (0)