xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hỏi chuyện nhà văn quân đội Chu Lai: Cuộc đời ngắn lắm!

Yên Ba thực hiện

“Trong cuộc sống thời bình, đôi khi mìn nằm ngay trong lồng ngực và khi nó nổ thì không có chỗ nào để ẩn náu cả”. Suy nghĩ: Tôi vẫn quan niệm rằng đề tài chiến tranh hay kinh tế không quan trọng lắm, mà có đi tới tận cùng tính cách nhân vật được không mới là điều nên quan tâm.

Chuyện lạ trong làng xuất bản: Trong khi đa số các sách văn học đều dừng ở con số 1.000 bản - một con số “cô đơn” khủng khiếp - thì Cuộc đời dài lắm, cuốn tiểu thuyết  mới nhất dày như cục gạch của nhà văn Chu Lai được “nhà” quân đội cho ra 6.000 bản và đang tấp tểnh muốn in thêm! Cuộc trò chuyện với nhà văn quân đội đang ăn khách này bắt đầu từ tác phẩm mới này của anh, nhưng không chỉ dừng lại ở đó:

img Phóng viên: Thưa anh Chu Lai! Vì sao lại triết lý đến thế: Cuộc đời dài lắm?

- Nhà văn Chu Lai: Có lẽ vì tôi cảm thấy già rồi, mệt rồi! Cứ như đó là cuốn sách cuối cùng của mình vậy. Bao nhiêu trải nghiệm, chắt chiu của cuộc đời, tôi như dồn cả vào đấy. Đầu đề sách là vậy, nhưng toàn bộ cuốn sách lại dựa trên một cái tứ khác: Cuộc đời ngắn lắm! Nó dựa trên một cái tứ rất cũ, rất cổ: Đời người như bóng câu qua cửa sổ. Ngay cả tiếng thở dài cuối sách của nhân vật cũng là “Cuộc đời dài lắm nhưng cuộc đời cũng chóng vánh làm sao!”. Khi có tuổi rồi, tôi mới nghiệm ra một điều cũng đã rất cũ: Con người lổm ngổm trên khắp cái hành tinh này tất tả trong cuộc mưu sinh, để rồi cuối cùng lại trở về với cái vô thường mà thôi.

img Từ Nắng đồng bằng, anh đã khá nổi tiếng với các tác phẩm về chiến tranh. Vậy nhưng vài năm trở lại đây có một Chu Lai với những cuốn tiểu thuyết viết về thời hậu chiến, về làm ăn kinh tế... Phải chăng đề tài chiến tranh không còn cuốn hút được anh nữa?

- Đúng là kể từ khi bắt đầu viết, tôi luôn viết về chiến tranh. Nhưng mỗi nhà văn phải luôn tự mở trận đánh với chính mình! Sau cuốn tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng viết về thời hậu chiến, một vài nhà phê bình bảo rằng có bao nhiêu vốn sống về trận mạc, tôi cho hết vào đó rồi, chẳng còn gì nữa. Nên tôi viết Phố! Rồi dần dà, tôi chuyển sang một trong những đề tài hóc hiểm nhất trong văn học là chuyện làm ăn kinh tế. Hình như tiểu thuyết Mỹ hiện đại hấp dẫn cũng vì họ hay kể chuyện làm ăn kinh tế, những đòn “chơi nhau” trong thương trường khốc liệt lắm, ly kỳ lắm. Cuốn Ba lần và một lần là một sự tập dượt trên địa hạt mới mẻ này, còn Cuộc đời dài lắm là cuốn mà tôi dày công chăm chút trong hai năm qua, gửi gắm vào đó nhiều ý tứ của mình.

img Liệu anh có phiêu lưu quá không khi cho những người lính đã trải qua trận mạc lang thang trong cái mê hồn trận mới mẻ này?

- Nhân vật của tôi là những người lính đã biết đánh thắng kẻ thù thì họ cũng phải biết làm một cái gì đó khác nữa chứ! Họ đã có một thứ tri thức ghê gớm là tri thức quân sự thì cũng có thể tham chiến trong cuộc chiến thời bình. Nhưng có một điều là những người lính khi ra trận đánh giặc đâu có ai lại nghĩ đến việc chuẩn bị cho hậu chiến. Nghĩa vụ của họ phải là phải sống và đánh thắng. Họ vẫn còn giữ lại cái tư duy “đạn thẳng” và như vậy, khi họ vấp váp trên thương trường cũng là chuyện dễ hiểu.

img Có những nhân vật của anh trong trận mạc thì sống sót như trong  Nắng đồng bằng, vậy mà ở những tác phẩm viết về thời bình như Ba lần và một lần, Cuộc đời dài lắm thì họ lại chết! Anh có bi kịch hóa cuộc sống không đấy?

- Có thể là trong chiến tranh, họ đã sống sót bởi vì mìn ở khắp xung quanh nhưng họ biết cách tránh né; còn trong cuộc sống thời bình, đôi khi mìn nằm ngay trong lồng ngực và khi nó nổ thì không có chỗ nào để ẩn náu cả. Tôi cũng không lý giải được tại sao những nhân vật tôi càng yêu bao nhiêu thì họ lại càng hay chết bấy nhiêu! Phải chăng đó là hội chứng chiến tranh, hoặc cũng có thể là “cuộc chiến” thời bình cũng dữ dội không kém gì so với trước kia chăng?

img Có ý kiến cho rằng hiện nay, các nhà văn quân đội đang bí đề tài... Anh thấy thế nào?

- Như tôi đã nói là đề tài không phải là điều quan trọng số một. Vấn đề  là triển khai đề tài như thế nào trên trang giấy, qua những con chữ, những hình tượng nhân vật cụ thể. Chiến tranh là một siêu đề tài, nhưng nếu không đào sâu, không mở rộng đường biên thì cũng sẽ đến một lúc, người đọc thờ ơ với những gì mà mình viết ra. Mà để làm được điều đó thì đòi hỏi người viết phải có những cảm xúc khác, những tư duy khác và cả những tri thức khác nữa. Phải rất cẩn thận khi viết về chiến tranh, bởi đó là một con dao rất sắc...

img Vậy hiện nay các nhà văn quân đội bạn bè anh đang viết gì?

- Một số người vẫn tiếp tục đi vào đề tài trận mạc, muốn nâng tầm lên mức sử thi. Một số khác đi vào những mảnh đời thường. Lê Lựu viết về nông thôn, về tầng lớp tiểu thị dân, tội phạm... như Sóng ở đáy sông, Hai nhà; Trung Trung Đỉnh viết về đời sống đô thị như Ngõ lỗ thủng, Ngược chiều cái chết; Trần Đăng Khoa viết tạp văn...

img Còn Chu Lai?

- Sau Cuộc đời dài lắm, ngoài việc vẫn tiếp tục phải làm phim, làm kịch, tôi đang ấp ủ một tiểu thuyết bộ ba, trải dài trên khoảng thời gian từ 1945 - 1975, thậm chí đến cả hôm nay. Tên sách có rồi, là Khúc bi tráng cuối cùng, đề cương có rồi, cả cảm xúc cũng có rồi. Chỉ còn chờ mình tĩnh tâm là “chơi” tiếp. Nhưng cũng còn phải phụ thuộc vào sức khỏe và lòng can đảm của mình nữa. Tôi bắt đầu cảm thấy cuộc đời ngắn lắm rồi!

img Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo