Theo đề cương được trình lên Sở VHTT TPHCM để xét duyệt trong tuần này thì đây là vở đầu tiên mang tên “Sân khấu cải lương quảng trường” có quy mô hoành tráng bậc nhất từ trước tới nay, nhằm tạo một cú đột phá để lôi kéo khán giả trẻ đến với cải lương chất lượng cao, đồng thời tạo sân chơi để các nghệ sĩ cải lương thi thố tài năng, ghi được dấu ấn nghệ thuật trong vai diễn.
Dự án cải lương này đến nay chỉ mới nằm trên giấy, song đây quả là một ý tưởng táo bạo của đạo diễn Hoa Hạ (và chị đang giữ bản quyền). Nếu thực hiện được, vở sẽ có thể được đi vào Guinness VN khi lần đầu tiên một vở cải lương đã huy động toàn bộ sức lực của nhiều bộ môn nghệ thuật bạn, trong đó có cả dòng nhạc cổ điển hàn lâm để nâng cải lương lên một tầm mới, sang trọng và hiện đại. Nghệ sĩ Ưu tú Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, đã giới thiệu dự án này với vẻ vừa hào hứng vừa e dè. Bởi nghệ sĩ cải lương không thiếu, thừa sức đáp ứng yêu cầu cao của vở, song việc huy động một lực lượng đông đảo nghệ sĩ ở nhiều ngành nghệ thuật và nguồn kinh phí là những điều mà chỉ riêng một Nhà hát Trần Hữu Trang thôi sẽ khó làm nổi.
Những năm vừa qua, giữa “cơn sóng dữ” về sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí khác, Nhà hát Trần Hữu Trang đã có những nỗ lực để níu giữ chút ít sân khấu cải lương cho người hâm mộ, bằng 2 chương trình được xem là khá thành công. Đó là chương trình Dấu ấn không phai (ra mắt tháng 9-2003) dành cho những nghệ sĩ tuổi trên 50 và chương trình Thắp sáng niềm tin, quy tụ những nghệ sĩ trẻ tài năng qua Giải thưởng Trần Hữu Trang và các giải thưởng khác của sân khấu cải lương. Trong số 6 vở của chương trình Dấu ấn không phai, vở Tình mẫu tử (Viễn Châu) được coi là hiện tượng khi luôn sốt vé, trong đó, 3 đêm complet không một chỗ trống. Chương trình này đã tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ lớn tuổi có dịp trở lại sàn diễn như nghệ sĩ Ba Xây, Văn Ngà (đều trên 80 tuổi). Chương trình Dấu ấn không phai đã trở thành sân chơi cho gần 100 nghệ sĩ một thời vang bóng. Chương trình hiện nay đang tạm ngưng để bổ sung kịch bản mới.
Sau khi chương trình Dấu ấn không phai được khán giả nồng nhiệt ủng hộ, Nhà hát Trần Hữu Trang tập hợp trên 30 nghệ sĩ trẻ (phần lớn là HCV Trần Hữu Trang) với tên gọi Thắp sáng niềm tin (ra mắt ngày 15-10-2004) nhằm giữ lửa cho đội ngũ kế thừa. Trong số 6 vở của chương trình, Cung đàn nào cho em (tác giả Huỳnh Anh) với các nghệ sĩ Trọng Phúc, Thanh Ngân, Hữu Quốc, Mỹ Hằng,... hiện vẫn được coi là vở ăn khách nhất. Một tín hiệu đáng mừng là qua chương trình này, khán giả đã đến với các nghệ sĩ trẻ ngày một nhiều hơn. Hiện nay, chương trình Thắp sáng niềm tin vẫn sáng đèn tại rạp Hưng Đạo vào mỗi tối chủ nhật hằng tuần với sự náo nức của cả nghệ sĩ lẫn người xem.
6 vở diễn của chương trình Dấu ấn không phai 1- Thần tượng nửa đêm (tác giả Thu An). 2- Tình mẫu tử (Viễn Châu). 3- Giấc mộng đêm xuân (Viễn Châu). 4- Một ngày làm vua (Viễn Châu). 5- Một nửa thiên đường (Nguyễn Thu Phương). 6- Đêm giao thừa (Quốc Khánh). 6 vở diễn của chương trình Thắp sáng niềm tin 1- Cung đàn nào cho em (Huỳnh Anh). 2- Sắc xuân gởi lại (Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Song Việt chuyển thể). 3- Đám cưới đầu xuân (Hoàng Song Việt). 4- Con dâu bác Ba Phi (Hoàng Song Việt). 5- Thanh xà - Bạch xà (Hoàng Song Việt). 6- Bông ô môi (Vĩnh Lộc - Hữu Tài chuyển thể cải lương). |
Bình luận (0)