xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hơn nửa thế kỷ bài tân cổ giao duyên: Loại hình sáng tạo độc đáo

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Thể loại tân cổ giao duyên đã thành công ngoài mong đợi, những bản tân cổ giao duyên được sáng tác ngày ấy đến nay vẫn làm say đắm người mộ điệu

Thập niên 1960-1970 là thời kỳ hưng thịnh nhất của bài tân cổ giao duyên, hàng loạt soạn giả bắt đầu chuyển hướng sáng tác cho loại hình độc đáo này. Các hãng băng đĩa, nhà xuất bản tranh nhau ghi âm, xuất bản bài tân cổ giao duyên và đều mang về doanh thu cao. Nghệ sĩ sân khấu có thêm đất diễn khi khán giả ngày càng thích nghe những bài tân cổ giao duyên.

Gây “sốt” ngay từ bản thu đầu tiên

Nhớ lại thời hưng thịnh của bài tân cổ giao duyên, NSND Lệ Thủy kể: “Giống như ngày nay các diễn viên sân khấu kịch bị hút vào phim truyền hình vậy. Hồi đó, khi bài tân cổ giao duyên thịnh hành, nghệ sĩ chúng tôi được các hãng băng đĩa mời thu âm liên tục. Ban ngày đi thu, tối mới lên sàn diễn hát tuồng. Hễ đi diễn tỉnh thì ban ngày phải xin bầu quay về Sài Gòn thu, chiều quay lại đoàn để diễn”.

NSƯT Ngọc Hương nhớ lại: “Chúng tôi còn có thêm thị phần biểu diễn là các đại nhạc hội tổ chức vào cuối tuần hoặc sáng thứ bảy, chủ nhật nhờ bài tân cổ giao duyên. Hồi đó, người tiên phong mời nghệ sĩ cải lương tham gia đại nhạc hội và hát tân cổ giao duyên là ông bầu Duy Ngọc. Ban ngày, chúng tôi không còn nhốt mình trong các rạp chiếu phim để chờ tối đến đi diễn mà đã có thêm một nơi hái ra tiền, đó là phòng thu của các hãng Hồng Hoa, Asia, Hoành Sơn, hãng đĩa Việt Nam… và rất nhiều chương trình của đài phát thanh, đài truyền hình mời thu âm, quay hình bài tân cổ giao duyên”.

 

NSND Bạch Tuyết và NSƯT Minh Vương đã từng thể hiện nhiều bài tân cổ giao duyên được khán giả yêu thích
NSND Bạch Tuyết và NSƯT Minh Vương đã từng thể hiện nhiều bài tân cổ giao duyên được khán giả yêu thích

 

Hàng loạt bài tân cổ giao duyên được thể hiện qua các giọng ca nổi tiếng do các hãng đĩa phát hành, rất được khán thính giả yêu thích, như: Chàng là ai? ( Lệ Thủy ca), Mưa trên phố Huế (Lệ Thủy, Minh Phụng), Trăng sáng vườn chè (Lệ Thủy, Minh Cảnh), Hòn vọng phu (Út Bạch Lan), Con gái của mẹ (Lệ Thủy, Phượng Liên), Tà áo cưới  (Bạch Tuyết, Thành Được), Đoạn cuối tình yêu (Mỹ Châu, Minh Cảnh), Kỷ niệm thời con gái (Minh Vương, Bích Hạnh), Mười thương (Thanh Kim Huệ, Minh Cảnh), Mất nhau rồi  (Lệ Thủy, Tấn Tài), Chiều (Thanh Sang, Phượng Liên), Vườn dâu lá mới (Thanh Tuấn, Lệ Thủy)…

“Tội đồ” Bảy Bá

NSND Lệ Thủy kể thêm: “Sau khi đưa cho hãng đĩa Hồng Hoa thu âm và phát hành đĩa tân cổ giao duyên với giọng ca của tôi, lập tức báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ lên tiếng đả kích chú Bảy Viễn Châu kịch liệt. Thời đó có một vài nhà báo xúc phạm, gọi chú Bảy là “tội đồ” làm hư bài vọng cổ đang được xem là quốc túy, quốc hồn của dân tộc, kêu gọi dân chúng tẩy chay. Lúc đó, tôi mới 14 tuổi nên cũng lo sợ vì mình là người được chú Bảy tín nhiệm mời thu âm. Gặp chú Bảy, tôi bày tỏ sự băn khoăn. Chú chỉ cười và nói: “Thời gian viết báo phản biện, tao để viết thêm mấy bài tân cổ giao duyên cho bay hát còn có lý hơn”. Và rồi tôi được các hãng đĩa mời ký hợp đồng thu âm tân cổ giao duyên liên tục. Hãng này trả 200.000 đồng/bài thì hãng khác tăng giá 400.000 đồng/bài. Có hãng còn cho mình cổ phần nếu chịu ký độc quyền”.

NSƯT Minh Vương hồi tưởng: “Năm 1964, khi tôi đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ, lúc đó phong trào chống đối bác Bảy và một số soạn giả viết tân cổ giao duyên đã lắng xuống. Tuy nhiên, soạn giả Viễn Châu vẫn không tự mãn. Ông cho biết đã bình tĩnh đọc tất cả các bài báo, lắng nghe hết các ý kiến khen chê, suy ngẫm để rồi quyết định vẫn tiếp tục sáng tác tân cổ giao duyên để làm phong phú thêm cho bài bản vọng cổ, giúp công chúng có thêm món ăn tinh thần”. NSƯT Minh Vương cho biết thêm các soạn giả như: Loan Thảo, Yên Lang, Thế Châu, Mộc Linh, Thu An, Thiếu Linh, Kiên Giang, Quy Sắc, Hoàng Khâm, Yên Ba… cũng bắt đầu sáng tác tân cổ giao duyên. “Trong số các soạn giả mặn mà với thể loại độc đáo này phải kể đến Loan Thảo. Với bài tân cổ giao duyên Rước tình về với quê hương, tôi và Thanh Kim Huệ đã ký không biết bao nhiêu hợp đồng tái bản của hãng đĩa Việt Nam” - NSƯT Minh Vương nói.

Quả thật không sai, cho đến hôm nay, hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu Liên vẫn là nơi cung cấp hàng ngàn bài tân cổ giao duyên của thế hệ nghệ sĩ được xem là danh ca và những bài tân cổ giao duyên của các soạn giả hàng đầu trong làng giải trí Sài Gòn thời đó.

Ca sĩ Lan Ngọc kể lại: “Sau thành công ngoài mong đợi của đĩa tân cổ giao duyên Cô hàng chè tươi và Chàng là ai?, soạn giả Viễn Châu hưng phấn, tiếp tục chọn những bản nhạc có giai điệu êm ái, nhẹ nhàng của các tác giả Nguyễn Hữu Thiết, Nguyễn Văn Đông, Trần Thiện Thanh… để viết lời vọng cổ. Ban đầu, một số nhạc sĩ bị lôi kéo chống lại xu hướng này, cấm các soạn giả viết lời vọng cổ vào nhạc của mình. Thế rồi, vì thị hiếu của số đông công chúng nên họ phải theo luồng gió mới đó”. 

 

Xuất bản cả sách hướng dẫn ca

NSƯT Hồng Vân nói soạn giả - NSND Viễn Châu không chỉ là một trong những người có công đầu về sự hình thành và phát triển loại hình  tân cổ giao duyên mà còn là người nghiên cứu và phổ biến ký âm để các nghệ sĩ cổ nhạc hát được phần tân nhạc một cách dễ dàng. Chị cho biết Sài Gòn thời ấy đã xuất bản sách bài ca tân cổ mẫu với tựa đề Hướng dẫn ca và kỹ thuật sáng tác bài tân cổ giao duyên do NXB Đồng Nai thời đó ấn hành. Một số nhạc sĩ đương thời như Nguyễn Văn Đông, Châu Kỳ, Minh Kỳ đã hợp soạn cùng nhiều soạn giả cải lương để in và phát hành nhiều bộ sách ký xướng âm hướng dẫn giới trẻ ca tân cổ giao duyên.

 

Kỳ tới: Ngày càng tạp nham

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo