xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hồn vía bài chòi

NGUYỄN NHẬT ÁNH

1. Hồi tôi học lớp bốn, lớp năm, Tết năm nào tôi cũng được bà tôi dẫn đi chơi bài chòi. Ở nhiều nơi, trò chơi bài chòi được tổ chức quy mô như ngày hội, chín cái chòi được dựng trên bãi cỏ rộng với đầy đủ đàn, kèn, sanh, chũm chọe; người hô bài chòi khăn đóng áo dài chỉnh tề, đẹp đẽ. Ở thị trấn Hà Lam thời đó, chỉ có một cái chòi lá đơn sơ được cất ngay giữa chợ. Nhà tôi lúc đó ở cạnh trường Bồ Đề, kế bàu Hà Kiều, đi bộ xuống chợ chừng mươi, mười lăm phút.

Hai bên chòi là dãy ghế giống như ghế xe đò, người chơi ngồi xếp lớp.

Người chơi hầu hết là phụ nữ: lớn tuổi như bà tôi, mẹ tôi; mười sáu, mười bảy như các cô tôi. Đàn ông có lẽ thích chơi bài xì dách, cát tê hay xì phé hơn.

Bài chòi là môn chơi dân dã, có tính chất giải trí. Nó nặng về vui chơi, không có tính sát phạt, vì vậy mà cánh mày râu không thích chăng?

“Rủ nhau đi đánh bài chòi/Để cho con khóc đến lòi rún ra”, câu ca dao hóm hỉnh này rõ ràng hé lộ cho ta thấy giới mê bài chòi là phụ nữ.

Hát bài chòi - sinh hoạt văn hóa dân gian được duy trì thường xuyên ở Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Dương Quang

Hát bài chòi - sinh hoạt văn hóa dân gian được duy trì thường xuyên ở Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Dương Quang

2. Người chơi mua một thẻ bài gồm ba quân bài rồi ngồi vô chỗ của mình, hồi hộp chờ đợi. Đứng chính giữa chòi là người hô bài chòi, gọi là “anh hiệu”. Sau lưng anh là cây cột có treo một ống tre ngay phía trên đầu, vừa tầm tay với. Trong ống là những quân bài tương ứng với quân bài của người chơi.

Khi bắt đầu chơi, anh hiệu quài tay ra sau đầu cầm các thẻ bài trong ống tre xóc mạnh làm vang lên những tiếng lắc cắc vui tai, sau đó rút hú họa một chiếc thẻ, liếc xem nó là quân gì rồi bắt đầu hô.

Bao giờ  anh hiệu cũng dạo đầu bằng những câu giới thiệu theo thông lệ:

Gió Xuân phơ phất nhành tre

Mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi

Anh nhìn xuống chiếc thẻ trong tay lần nữa, cao giọng úp mở:

Bà con cô bác lắng lặng mà nghe

Tui hô cái quân bài, nó ra cái con gì đây...

Cả chòi nín thở theo tiếng hô của anh hiệu. Ngặt nỗi, anh chẳng nói ngay đó là quân bài gì mà vòng vèo uốn éo cả buổi đến sốt ruột. Nhưng đó chính là cái hay, cái hấp dẫn của bài chòi. Ví dụ quân bài là con Tứ Cẳng, thì sau khi lòng vòng, anh tung hứng bằng mấy câu:

Một hai bậu nói rằng không

Dấu chân ai đứng bờ sông hai người

Hai người thì có bốn chân

Đó là con Tứ Cẳng rành rành chẳng sai!!!

Nếu là con Ngũ Trợt, anh sẽ “chốt hạ” một cách hài hước:

Trời mưa làm ướt sân đình

Anh đi cho khéo kẻo trợt ình xuống đây

Bớ con Ngũ Trợt!!!

Có khi người hô bài chòi còn đi xa hơn, ý tứ hò vè đậm chất bông lơn dân dã. Để nói về quân bài Tứ Cẳng, lúc này là:

Tối qua tôi đi ra gò

Thấy anh thương chị bốn cái giò tréo ngoe!

Người chơi có con Tứ Cẳng hay con Ngũ Trợt hớn hở gõ vào thanh tre dưới chỗ ngồi, người giúp việc cho anh hiệu lập tức chạy tới đưa cho người trúng một lá cờ đuôi nheo. Những lần như vậy, bà tôi sung sướng giắt lá cờ lên mái lá ngay trên chỗ ngồi, bỏm bẻm nhai trầu chờ anh hiệu hô tiếp. Người nào trúng cả ba quân bài là “tới”, trống gõ tum tum còn anh hiệu thì múa may reo hò trông rất vui mắt.

3. Hồi chín, mười tuổi, tôi theo bà tôi đi đánh bài chòi chủ yếu là xem anh hiệu làm trò và nghe những câu hô lạ tai của anh chứ không mặn mà lắm chuyện thắng thua mặc dù mỗi lần bà tôi hô “tới” với vẻ mặt rạng rỡ, lòng tôi luôn thấy lâng lâng.

Thường, không lần nào tôi ngồi cạnh bà tôi hết cuộc chơi. Bao giờ cũng có một thằng bạn tinh ranh nào đó đứng bên ngoài thò tay qua vách lá kéo áo tôi rủ tôi ra ngoài đánh “tôm cua bầu cá”,  miền Nam gọi là “bầu cua cá cọp”. (Tôi nhớ trò này chỉ có sáu hình vẽ: con cua, con nai, con tôm, con cá, con gà và trái bầu, không hiểu sao người miền Nam gọi là “bầu cua cá cọp”. Có thể ở nơi nào đó, người ta vẽ con cọp thay cho một con nào đó mà tôi không biết chăng?).

Hồi đó tôi còn quá bé, chưa cảm nhận hết cái thú vị của bài chòi, chỉ mê trò “tôm cua bầu cá”. Vì trò này dễ hiểu với đầu óc non nớt của tôi. Nếu đặt tiền vào “con cua”, khi nhà cái giở nắp lên, trong dĩa hiện ra ba “con cua”, người chơi được chung tiền gấp ba, cảm giác lúc đó thật sướng mê tơi.

Sau này tôi vào Sài Gòn học, vẫn thấy trẻ em miền Nam chơi “tôm cua bầu cá” ba ngày Tết. Thời đó, truyện chưởng Kim Dung đăng tải thường xuyên trên các nhật báo ở Sài Gòn nên con nít hay hát “Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua/ Lắc ba cái ra ba con gà mái”. Tôi không hiểu tại sao bọn trẻ hát “ba con gà mái” vì con gà vẽ trên tờ giấy dùng để chơi “tôm cua bầu cá” rõ ràng là... con gà trống. Có thể vì “cô gái Đồ Long” là phận nữ nhi (hợp với gà mái!?), nhưng cũng có thể từ “gà mái” chỉ để hợp vần với từ “cái” phía trước chứ chẳng phải là cuộc cách mạng gì ghê gớm về mặt hình ảnh!

Nhưng dù “trống” hay “mái”, con gà ngũ sắc trong trò lắc bầu cua của tuổi thơ tôi, lớn lên đi xa tôi vẫn còn gặp lại. Riêng con gà được vẽ cách điệu trong quân bài Ba Gà của trò chơi bài chòi khi lưu lạc tha hương tôi không còn nhìn thấy nữa.

Lên đại học, đọc nhiều sách báo mới biết bài chòi là một trò chơi dân gian đặc sắc của miền Trung. Riêng chuyện đi tìm xuất xứ của tên gọi và hình vẽ trên các quân bài đã tốn biết bao giấy mực của các nhà nghiên cứu uyên thâm.

Gần đây, về lại quê nhà, thấy trong những dịp lễ hội các khu vui chơi có tổ chức đánh bài chòi để thu hút khách du lịch. Tôi cũng cố chen vào chơi nhưng không sao tìm lại được cái náo nức hồn nhiên ngày nào lẽo đẽo nắm tay bà chui vô căn nhà chòi giữa chợ.

Tôi không rõ do tâm cảm tôi bây giờ đã khác xưa hay vì bài chòi là trò chơi dân dã, các quân bài Ba Bụng, Ngũ Rún, Nọc Thượt, Chín Cu... chỉ sống động tếu táo trong tay những người chân quê giải trí lúc nông nhàn, còn khi tổ chức bài bản linh đình mời mọc khách thập phương thì hồn vía nó lang thang chỗ khác?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo