Mấy ngày này, nghệ sĩ Hồng Nga đang rất tất bật chuẩn bị cho live show Nửa thế kỷ con tằm nhả tơ (tối 17-1 tại Nhà hát Hòa Bình) mà bà nói nửa đùa nửa thật là live show cuối cùng của sự nghiệp vì “bây giờ không làm, mai kia còn sức đâu mà làm”. Bà cho biết live show này nhằm 2 mục đích: Trước hết, cảm ơn tổ nghiệp đã cho một con bé gánh nước mướn ngày xưa trở thành nghệ sĩ mà tới nay vẫn còn cất tiếng ca, cảm ơn khán giả đã thương yêu, cùng vui buồn với Hồng Nga suốt mấy mươi năm có lẻ; thứ hai, bà muốn dành toàn bộ doanh thu (sau khi trừ chi phí) cho việc từ thiện, giúp đỡ những người cơ nhỡ, những đồng nghiệp già yếu, neo đơn…, coi như làm trọn nghĩa với tổ nghiệp, với đời. Và còn một lý do riêng tư khác nữa, là kỷ niệm ngày Hồng Nga bước vào hàng “thất thập” với tròn 55 tuổi nghề.
Những vai diễn để đời
Hồng Nga được xem là nghệ sĩ có khả năng hóa thân vào nhiều dạng vai, từ bi, hài, đến lẳng, độc…, bản thân bà ngoài đời là một người vui tính, sôi nổi nhưng những vai bà sắm luôn lấy được nước mắt của khán giả lại là những vai phụ nữ có số phận đắng cay hoặc người mẹ khổ đau. Có lẽ cuộc đời bà ít nhiều đã ảnh hưởng đến vai diễn.
Nghệ sĩ Hồng Nga xuất thân trong một gia đình nghèo gốc Bắc, cha mẹ dắt díu vào Nam làm nghề cạo mủ cao su ở đồn điền. Năm lên ba, bà mồ côi cha, sau đó theo mẹ và cha dượng về sống ở Sài Gòn. Ngày ngày đi gánh nước mướn phụ mẹ nuôi em, nghe qua cái radio cũ của nhà hàng xóm, cô bé Kim Nga (tên thật của Hồng Nga) mê mẩn đến thuộc làu bài vọng cổ Cô gái bán đèn hoa giấy (soạn giả: Quy Sắc) do nghệ sĩ Thanh Hương và Út Trà Ôn ca. Được ông thợ hớt tóc hàng xóm tốt bụng giỏi đờn dạy ca, rồi được nhạc sĩ Tám Đen ở cầu Dừa (quận 4, Sài Gòn) đưa về nuôi, Hồng Nga khởi nghiệp ca hát của mình ở quán Lệ Liễu dưới chân cầu Thị Nghè với những bài ca của Viễn Châu như Con gái của mẹ, Lan và Điệp… Đến khi bạn của cha nuôi là nhạc sĩ Văn Vĩ lập gánh hát, Hồng Nga được đưa về đóng vai quận chúa. Đó chính là vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp ca diễn của bà. Năm ấy, Hồng Nga vừa bước vào tuổi 15.
Đã có hàng trăm nhân vật đi qua trong 55 năm đời nghề của bà song cho đến bây giờ, Hồng Nga vẫn xúc động mỗi khi nhớ lại vai bà giáo Lan, vợ hai của ông Cò (Út Trà Ôn) trong vở Tuyệt tình ca, vai diễn đã đưa tên tuổi Hồng Nga nổi lên trong giới kịch trường, đồng thời lại như một điềm báo cho vận mệnh phía trước của đời mình. Cô đào Hồng Nga khi đó mới 18 tuổi, đang mang thai đứa con đầu lòng, không hiểu sao soạn giả Hoa Phượng lại viết riêng cho cô đào trẻ này vai một người đàn bà tuổi đã hơi “cứng” và chịu nhiều tủi nhục. Tuồng viết xong, ông bầu Xuân nóng ruột giục soạn giả Hoa Phượng đưa lên sàn tập nhưng ông thầy tuồng cương quyết chờ Hồng Nga vì đây là vai ông “đo ni đóng giày” cho cô. Vậy nên, khi con gái chưa tới 20 ngày tuổi, Hồng Nga đã phải ra sân khấu và vai diễn đã thành công không ngờ, khán giả đến kín rạp suốt cả tháng trời cùng với sự mến mộ đặc biệt vừa dấy lên dành cho một tên tuổi mới.
Một vai diễn cũng được xem là để đời của nghệ sĩ Hồng Nga nhưng ở một dạng nhân vật khác hẳn, đó là vai cố mẫu, mẹ chồng của thái hậu (Bạch Tuyết đóng) trong vở Thái hậu Dương Vân Nga (Nhà hát Trần Hữu Trang). Đạo diễn Lưu Chi Lăng khi ấy mặc dù đã “thuộc” các diễn viên của mình từ lúc trên sàn tập song cứ mỗi lần “cố mẫu” Hồng Nga cất giọng ca ngoài sân khấu thì trong cánh gà, ông… nhắm mắt để nghe. Vai ác mà Hồng Nga khiến khán giả ghét phải kể đến vai bà mẹ chồng của Thanh Ngân trong vở cải lương Duyên kiếp (tác giả: Hoàng Song Việt). Bà đánh con dâu dữ dằn đến độ khán giả giận quá gọi Hồng Nga là “con đĩ già gian ác”. Nhớ lại, nghệ sĩ Hồng Nga cười nói rằng: “Nghe người ta “chửi” mà mình mừng”.
Trăm ngàn cay đắng
“Sau bức màn nhung là trăm ngàn cay đắng”, “Tôi đã khóc cho mình trong nhân vật”, nghệ sĩ Hồng Nga thường tâm sự như vậy khi nói về cuộc sống bên ngoài sân khấu của mình. Bà yêu sớm, có đến 5 người con nhưng chỉ một mình bà vừa làm mẹ vừa làm cha. Những người đàn ông đến rồi đi, “vô tư” để lại cho cuộc đời bà không chỉ những sinh linh bé bỏng cần được nuôi dạy thành người mà còn khiến bà bị tổn thương nặng nề trong tình cảm. Bao nhiêu tiền bươn bả đi hát, bà đổ hết vào nuôi con, mãi đến khi tuổi sắp chạm mức nửa đời người, mới có được một ngôi nhà riêng. Khoảng 5-6 năm trước, khi lên thăm nhà Hồng Nga ở Lái Thiêu, biết bà đêm đêm một mình chạy xe máy quãng đường dài hàng mấy chục cây số để đi hát, NSND Viễn Châu đã viết tặng bà bài Kiếp cầm ca (sẽ được hát trong live show sắp tới) với những lời lẽ đầy ngậm ngùi: “Cuộc đời phiêu linh gạo chợ nước sông, ăn quán ngủ đình. Có lắm khi tôi phải chan cơm bằng nước mắt nhưng vẫn cắn răng nuốt vào để theo đuổi nghiệp cầm ca. Bạn trên sân khấu với tôi ngày nay kẻ mất người còn. Những vở diễn ngày xưa một thời vang bóng nhưng bạn diễn thì đâu mất rồi, những người nghệ sĩ tài danh…”.
Nhớ lại live show 48 năm Nụ cười và nước mắt” diễn ra tại sân khấu Trống Đồng 8 năm trước, người diễn và người xem đều phải đội mưa suốt 3 đêm, nghệ sĩ Hồng Nga tin rằng chương trình lần này ở Nhà hát Hòa Bình sẽ ấm cúng hơn nhiều bởi những tiết mục bà đem đến cho khán giả đều là tiếng nói chân tình từ trái tim. Bà sẽ lần lượt hợp diễn cùng những diễn viên thế hệ đàn em như một cách trao gửi, mong họ bước tiếp con đường mà bà và thế hệ đi trước để lại.
Trong chương trình, tiểu phẩm cải lương Ánh sáng cuộc đời (tác giả: Hoàng Song Việt, Hồng Nga hợp diễn với Trường Giang và Hồ Ngọc Trinh) là câu chuyện cảm động về tình mẹ mà chính bà được nghe kể khi qua Mỹ biểu diễn. Một người mẹ đơn thân khi thấy con gái mới sinh thiếu mất một mắt, đã nhờ bác sĩ lấy con mắt của mình cho con. Bà cần mẫn làm nghề quét rác nuôi con vào đại học và âm thầm chịu đựng căn bệnh ung thư. Nhưng cô con gái lại mặc cảm, xấu hổ không muốn cho ai biết mẹ mình là người chột mắt. Chỉ đến khi người mẹ mất, cô con gái mới hiểu được tấm lòng của mẹ thì đã muộn. Qua tiểu phẩm này, bà muốn nhắn nhủ: “Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc”. Kể lại câu chuyện, đôi mắt nghệ sĩ Hồng Nga chợt rưng rưng. Bà không thôi nghĩ về các con mình. Bà mừng vì tất cả đã lớn một cách “bình yên” và đều có cuộc sống riêng. Nhưng cho đến lúc đứng ở ngưỡng cửa “cổ lai hy”, bà vẫn như cứ đang đợi, đang mong được hưởng chút tình ấm áp của các con dành cho người mẹ tội nghiệp. Bà xót xa, tự “đấm ngực”, có lẽ do khi các con còn nhỏ, bà đã vì mưu sinh, chạy đôn chạy đáo kiếm tiền nuôi gia đình nên không có nhiều thời gian để gần gũi, dạy bảo các con mình.
Nhìn lại “nửa thế kỷ con tằm nhả tơ”, nghệ sĩ Hồng Nga cười trong nước mắt, rằng đã dệt chiếc áo sự nghiệp bằng sự trải nghiệm, cứ một lần đau khổ là một lần bước lên một nấc thang mới trong nghề. Nếu như trước đây không có ngày vui, bây giờ, cuộc sống của bà đã thanh thản hơn. Và mặc dù đang phải “sống chung” với những căn bệnh “khi người ta không còn trẻ” như cao huyết áp, mỡ trong máu, thấp khớp… song nghệ sĩ Hồng Nga vẫn ngày ngày rong ruổi bằng chiếc xe máy cũ kỹ Chaly, lai rai đi hát, thỉnh thoảng bay sô sang Mỹ với bà con Việt kiều. “Khi nào khán giả còn thương, tôi còn hát” - bà mạnh miệng bởi rất tin vào làn hơi còn khá dày ở giọng ca “vượt thời gian” của mình.
Mai Vàng - Giải thưởng hiếm hoi trong đời
Nghệ sĩ Hồng Nga nhớ lại giải thưởng hiếm hoi nhưng quý giá trong sự nghiệp của mình: “Tôi đã vinh dự một lần nhận được Giải Mai Vàng vào năm 2008 với vai bà Tám trong vở cải lương Bến phà kỷ niệm (tác giả: Hoàng Song Việt). Đây là vai “ruột” của tôi, vai một người mẹ đau khổ. Khán giả thương và bầu cho tôi vì họ biết tôi đã gửi một phần đời cay đắng của mình vào trong bà Tám. Nhớ lúc lên nhận giải, tôi rất mừng và cảm động vì mình đã được khán giả công nhận’’. Với chị, nếu xét về mặt nghề nghiệp, tình cảm của công chúng lớn hơn những cái chuẩn danh hiệu mà ai đó đã đặt ra một cách cứng nhắc. Nghệ sĩ cống hiến công sức cho nghệ thuật để mong đón nhận những tình cảm của công chúng chứ không phải danh hiệu.
Bình luận (0)