"Miền Trung đất bồi phù sa. Người miền Trung gian khổ từ nhiều đời qua,... Mùa đông mây lững lờ trôi. Trời miền Trung mưa lắm bạn tình ơi...” (Mưa chiều miền Trung - Hồng Xương Long). Những lời ca chân chất, thiết tha này qua tiếng hát ca sĩ Cẩm Ly càng gây xúc động cho người nghe, nhất là trong thời gian qua khi thiên tai bão lũ đổ ập lên mảnh đất miền Trung.
Mới có tác phẩm xuất hiện trong vài năm gần đây ở mảng ca khúc mang âm hưởng dân ca nhưng tên Hồng Xương Long ít nhiều đã tạo được ấn tượng cho khán giả yêu nhạc qua giọng hát của các ca sĩ Đan Trường, Cẩm Ly. Những ca khúc của anh như: Chim trắng mồ côi, Lỡ hẹn, Em gái quê, Lỡ duyên, Miền Trung yêu dấu,... và mới đây nhất là Mưa chiều miền Trung vừa ngọt ngào vừa sâu lắng. Điều thu hút đặc biệt trong ca khúc của Hồng Xương Long là những lời ca mộc mạc, chân chất nhưng không kém phần lãng mạn nên thơ.
Bị đuổi khỏi nhà vì mê nhạc
Ngay từ 10 tuổi, cậu bé Hồng Xương Long đã mê đàn. Thế nhưng, nhà nghèo lại đông anh em (9 người), Hồng Xương Long đành giấu nhẹm niềm đam mê của mình trong lòng. Bởi “có nói ra thì cũng chẳng có điều kiện mà đi học. Người nhà tôi còn nói rằng thằng ni sao kỳ lạ. Mi khùng mất rồi, nghèo mạt thế, cơm còn chẳng có ăn còn bày đặt đèo bòng nghệ thuật”. Đi theo anh trai làm thợ hồ được ba bữa nửa tháng, Long lại trốn theo lũ bạn nhà giàu tập ca hát, viết lách thơ thẩn rồi nghêu ngao hát theo bản năng. Khổ nỗi, tụi bạn nhà giàu còn có cha mẹ nuôi nên lêu lổng cả ngày chẳng sao. Còn Long nhà nghèo quá không làm cũng có nghĩa là phải nhịn đói. Đã vậy, các anh dạy dỗ mãi chẳng chịu nghe nên “tôi bị đuổi đi miết. Các anh tôi tin rằng, một thằng suốt ngày ôm đàn như tôi thế nào cũng có ngày chết đói. Lúc ấy, thế nào tôi cũng phải mò về, bỏ đàn ôm bay (dụng cụ xây nhà của thợ xây)”.
Ra khỏi nhà, Long trở thành nhạc công nay đây mai đó trên các sân khấu ca nhạc ở miền Trung. Nhưng “lúc ấy đói ghê lắm. Tôi chưa bao giờ thoát khỏi cái nghèo cả. Khi còn ở nhà hay ra ngoài cũng vậy, thường xuyên ngủ đói. Chẳng hiểu sao, tôi cứ mê nhạc như một thằng khùng”.
Còn quá nhiều việc chưa làm
Niềm say mê của anh rồi cũng được gia đình chấp nhận. Họ để mặc anh sống với niềm đam mê của mình. Chính vì vậy, cách đây 16 năm, anh quyết định khăn gói vào TPHCM để tìm cơ hội lập nghiệp. Ban ngày đi làm phụ hồ, phụ bán nước mía, tối đến anh đến lớp học nhạc lý. Cứ như thế trong suốt hai năm, không gắng gượng nổi với cuộc sống chốn thị thành, anh lại khăn gói trở về miền Trung. Lúc này anh ý thức được rằng, niềm đam mê chẳng thể ăn được mà sống, ngược lại mình phải có cái ăn để nuôi sống niềm đam mê.
Chính vì vậy, anh tiếp tục công việc phụ hồ, dành dụm ít vốn và mở tiệm uốn tóc. Cuộc sống lây lất bữa đói bữa no qua ngày nhưng ít nhất anh đã có ít tiền để theo học nhạc lý và tập tành sáng tác. Khi một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh của anh ra đời, một nhạc sĩ đàn anh cho rằng tác phẩm của anh chẳng có giá trị gì cả. Là dân tay ngang, lại bập bẹ tập viết chưa vững, anh tin những lời nhận xét này là chân thành. Và anh lại dày công hơn cho những tác phẩm sau. Phần lớn thời gian của anh dành để ngồi đồng, lang thang khắp nơi để tìm ý nhạc. Thế rồi, tác phẩm thứ 2, thứ 3 lần lượt ra đời. Nhưng thay vì nhận được lời động viên, an ủi, anh chỉ nhận được những cái lắc đầu lạnh lùng của đồng nghiệp, bạn bè và cả người thân.
“Con đau, không tiền mua thuốc mà tôi cứ theo đuổi một việc làm không tưởng. Tương lai mịt mù trước mặt mà tôi cứ mải mê với âm nhạc nên từ chỗ thương xót, người thân xa lánh tôi. Hàng xóm cũng cười nhạo. Buồn, nản, thất vọng rồi tuyệt vọng, anh nhớ lại: “Có lúc tôi muốn chết đi nhưng nghĩ lại còn quá nhiều việc chưa làm. Chính vì vậy, tôi bắt đầu lại từ đầu: tiếp tục sáng tác”.
Những thành công bước đầu
Năm 2000, anh đưa cả gia đình vào TPHCM và bắt đầu viết. “Đúng là tổ đãi người có tấm lòng. Ca khúc đầu tiên của tôi Từ giã mùa đông được ca sĩ Mỹ Tâm đón nhận ngay lần cô nghe thử đầu tiên. Từ lúc đó, tôi luôn tin tưởng là cuộc đời tôi đã bắt đầu nở hoa. Dù ca khúc bán độc quyền chỉ có 500.000 đồng nhưng ít nhất, tôi đã có tiền lo chi phí chữa bệnh cho con”. Dẫu không trực tiếp cày ruộng, cấy lúa nhưng anh viết ca khúc như xẻ thịt mình ra. Đó chính là lý do vì sao dù còn khá trẻ nhưng ca khúc của Hồng Xương Long lại cảm nhận cuộc đời sâu sắc đến vậy.
Đến nay, nhạc sĩ Hồng Xương Long đã bước đầu gặt hái được ít nhiều thành công trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhất là ở dòng nhạc mang âm hưởng dân ca. Tuy nhiên, điều mà anh canh cánh bên lòng là làm sao có thể sáng tác được nhiều hơn nữa những ca khúc về mảnh đất miền Trung, vốn nghèo khó nhưng nghĩa tình, nơi đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ của anh: "Chỉ cần đặt chân đến miền Trung, trong đầu tôi lại nảy ra không biết bao nhiêu ý tưởng để sáng tác”.
Bình luận (0)