Sát đến giờ diễn, nhạc sĩ Vũ Đình Ân vẫn tỏ ra tất bật. Trao đổi với chúng tôi về buổi diễn, ông thổ lộ: “Vẫn lo dù tập cả năm nay rồi”.
. Phóng viên: Ông có thể cho biết đôi nét về chương trình Hợp xướng Truyện Kiều?
- Nhạc sĩ Vũ Đình Ân: Dựa trên tác phẩm bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du, Hợp xướng Truyện Kiều gồm 3 chương: Mối tình đầu, nói đến gia thế và tài sắc của nàng Kiều và Kim Trọng; Hồng nhan bạc phận với các trích đoạn nàng Kiều bán mình chuộc cha, sau đó, cuộc đời cô gian truân tưởng chừng bất tận khi gặp Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, Từ Hải rồi Hồ Tôn Hiến,... và cuối cùng là chương Tình chị duyên em, nói đến việc nàng Kiều xe duyên cho Thúy Vân, em mình, với chàng Kim Trọng. Thật ra, chương trình Hợp xướng Truyện Kiều đã một lần ra mắt khán giả yêu nhạc vào năm 2001 tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận. Tuy nhiên, năm đó chương trình được chơi trên nền nhạc giao hưởng. Điều đó khiến cho Truyện Kiều có vẻ Tây và hiện đại hơn. Chính vì vậy, tôi quyết định ra mắt chương trình Hợp xướng Truyện Kiều lần thứ 2. Lần này, Truyện Kiều sẽ được chơi trên nền nhạc dân tộc. Có khoảng 100 diễn viên của hai ban hợp xướng Suối Việt và Thạch Đà. Lĩnh xướng và đệm đàn dân tộc là NSƯT Nhất Sinh và ban nhạc Mặt Trời Mới.
. Có sự khác nhau nào giữa hai chương trình hợp xướng của năm 2001 và 2008?
- Như tôi đã nói, tác phẩm thể hiện trên hai nền nhạc khác nhau chắc chắn sẽ khác nhau. Tôi không nói chương trình Hợp xướng Truyện Kiều 2001 chơi trên nền nhạc giao hưởng dở hơn hay chương trình Hợp xướng Truyện Kiều 2008 chơi trên nền nhạc dân tộc hay hơn. Nhưng, theo quan điểm cá nhân, tôi vẫn thích nghe tiếng đàn tranh, sáo, bầu,... Tôi thích chương trình của năm nay hơn vì nó dễ dàng tạo cảm xúc cho tôi.
. Trong thời buổi khó khăn, một chương trình ca nhạc của ngôi sao còn khó kiếm tài trợ nói chi một chương trình hàn lâm như hợp xướng?
- Tôi có tìm được tài trợ cho chương trình của mình đâu. Tôi tự bỏ tiền túi ra làm đấy chứ. 300 triệu đồng không phải là số tiền lớn nhưng với tôi nó không nhỏ. Chương trình lần này lại không bán vé. Nói điều đó để thấy rằng tôi thực sự tâm huyết với hợp xướng nên cứ làm. Hơn 100 diễn viên tham gia đều là học trò của tôi. Và quan trọng hơn, họ có cùng tâm huyết như tôi. Thế nên, họ đến tham dự với tinh thần vui là chính thôi.
. Nhưng không phải cứ bày tiệc là có người đến dự?
- Tôi biết chứ. Nên ngoài ý nghĩa thỏa mãn niềm đam mê của chính mình, chương trình còn mang tâm huyết quảng bá rộng rãi hơn thể loại hợp xướng với khán giả. Bàn tiệc của tôi khó ăn nhưng là những món lạ, tôi tin chắc chắn sẽ có người muốn thưởng thức để xem hương vị của nó thế nào.
. Nhưng liệu ông có đủ tiền để tiếp tục theo đuổi việc giới thiệu món lạ hợp xướng này đến với khán giả không?
- Chắc chắn tôi không có nhiều tiền như vậy. Lần này, tôi làm chương trình miễn phí nhưng năm tới, khi tôi tổ chức chương trình Hợp xướng Lục Vân Tiên, chắc chắn tôi sẽ bán vé. Bán bao nhiêu cũng được nhưng phải bán vé để có thể biết được hợp xướng đã được khán giả yêu nhạc VN đón nhận nó như thế nào.
. Vậy chắc hẳn ông đã biết cách để thu hút khán giả đến với chương trình hợp xướng?
- Tựu trung thì sự lo lắng của mọi người cũng nằm ở chỗ hợp xướng khó nuốt hay quá hàn lâm mà thôi. Nó không hợp thời và cũng chẳng có những gương mặt thần tượng. Thế nên, tôi chọn những tác phẩm văn học bất hủ như Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm để viết hợp xướng. Dù không biết tí gì về nhạc thì những tác phẩm văn học bất hủ này cũng đã có giá trị riêng, đủ sức kéo khán giả đến rạp.
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân có hơn 30 tác phẩm hợp xướng. Ca khúc Sài Gòn TPHCM và tác phẩm Acapella Thằng Bờm từng đoạt giải của Hội Nhạc sĩ VN. Ông từng cho ra mắt 2 album hợp xướng Đất nước hôm nay và Bài ca VN. Từ năm 1999, nhạc sĩ Vũ Đình Ân đã nung nấu ý tưởng đưa Truyện Kiều vào thể loại hợp xướng. Ông viết liên tục trong 2 năm mới hoàn thành tác phẩm này. GS-NS Ca Lê Thuần từng nhận xét: “Thể loại hợp xướng thường thiên về sự hoành tráng và sử dụng kỹ thuật opera với dàn nhạc giao hưởng. Vì vậy, muốn thể hiện âm sắc tình cảm, tự sự như Truyện Kiều là việc rất khó nhưng nhạc sĩ Vũ Đình Ân đã làm được”. |
Bình luận (0)