xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Inrasara - Người thơ trầm tưởng

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Môi trầm, mắt sáng, vầng trán rộng thênh thang và mái tóc lơ phơ, Inrasara mọc vào đời, mọc vào thi ca như cách của loài xương rồng kiêu hãnh đơm hoa trên sỏi đá quê hương anh - miền đất Panduranga (Phan Rang - Ninh Thuận) đầy trầm tích

Ngụ ngôn về đứa con của đất của anh như một nét tự phác thảo bóng dáng mình vào đời, để không lẫn với trùng trùng mặt người khác:

Tôi, đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp

Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao

Đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét

Và của đôi mắt chàm mất ngủ xanh xao

(Đứa con của đất)

. Tiểu sử

Sinh năm  1957 tại Chakleng (Mỹ nghiệp - Ninh Phước - Ninh Thuận)

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Hiện sống và viết tại TPHCM

Tác phẩm:

- Tháp nắng (thơ và trường ca), NXB Thanh Niên, 1996.

- Sinh nhật cây xương rồng (thơ) NXB Văn hóa Dân tộc, 1997.

- Hành hương em (thơ),  NXB Trẻ, 1999.

- Lễ tẩy trần tháng tư (thơ), NXB Hội Nhà văn, 2002.

- Văn học Chăm 1 - Khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, 1994.

- Văn học Dân gian Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc - ĐH Tổng hợp TPHCM, 1995.

- Văn học Chăm 2 - Trường ca, NXB Văn hóa Dân tộc, 1996.

- Các vấn đề văn hóa - xã hội Chăm (tiểu luận), NXB Văn hóa Dân tộc, 2000.

- Từ điển Chăm - Việt (viết chung), NXB Khoa học Xã hội, 1995.

- Từ điển Việt - Chăm (viết chung), NXB Khoa học Xã hội, 1996.

Hiện là chủ bút Tagalau - tuyển tập sáng tác, nghiên cứu phê bình nghệ thuật Chăm, Hội Văn học Nghệ thuật thiểu số Việt Nam.

Làm kẻ canh đêm.- Thằng Klu (con trai Chăm) ấy ngày nào còn đứng thấp hơn cái chạc ba nơi chuồng bò đã thuộc nằm lòng mấy trăm câu trường ca Ariya, tập ngâm ngợi Glang Anak, Pauk Chatwai... Hình như rằng không phải cứ muốn là có, mà cái dòng sữa thiêng liêng son sẻ ấy đã tuôn trào vào lòng nó một cách vô can, không cưỡng lại được. Đi ra khỏi Chakleng (làng Mỹ Nghiệp), bứt khỏi sự ràng rịt của những hàng giậu guộc gầy, sự vướng vít của những khung dệt thổ cẩm ọp ẹp và những ánh mắt u huyền của chiêm nữ... Đi. Như là ở lại. Nhưng vẫn phải đi. Về phía rừng phố.

Ương ngạnh bỏ ngang xương đại học và thất thểu về làng, thế giới một lần sụp đổ, chàng trai Chăm ấy sống vật vờ như một cái bóng trong những ngõ làng giữa ngổn ngang những giá sách Đông, Tây như cách tự tạo cho mình một vỏ ốc, giú mình, nương náu trong đó, chờ những bùng vỡ khác hơn ở mùa sau. Để rồi sau cơn chấn động đầu đời kia, một thế giới mới được thai nghén, vỡ vạc. Mười lăm năm dài như  mười lăm thế kỷ sống, lặn vào những góc khuất của tâm thức Champa. Anh cùng người bạn thân - họa sĩ Đàng Năng Thọ đi vào các làng Chăm gõ cửa từng nhà sưu tầm,  nghiên cứu từng mẩu chuyện, từng dòng thơ dân gian của dân tộc mình với ý thức, sự kiêu hãnh và niềm say mê khoa học của tuổi trẻ. Chàng trai ấy đã ngồi vào bàn làm nghiên cứu trong khi những bài thơ phác thảo đang ngày càng dày lên trong ngăn cặp mà vẫn chưa đủ sức mạnh vượt qua tự ti  để bước ra phía dòng đời cuồn cuộn. Và hơn một lần, anh trầm mình vào vẻ u uyên của tháp, để thao thức, hoài nghi, đồng lõa với đêm dài và tự nguyện làm kẻ canh đêm.

Con người thi sĩ.- Cái tên Inrasara đã được giới nghiên cứu biết đến sau một loạt công trình giá trị như: Từ vựng học tiếng Chăm (1985), Văn học Chăm tập 1 - Khái luận, giải thưởng CHCPI, Sorbonne (1994), Văn học dân gian Chăm, Từ điển Chăm - Việt (viết chung,  năm 1995), Từ điển Việt - Chăm (viết chung, 1996), Văn học Chăm tập 2 đoạt giải thưởng Hội đồng Dân tộc, Quốc hội khóa 9 và hàng chục bài nghiên cứu các vấn đề văn hóa xã hội Chăm in trên các tạp chí chuyên ngành... Một con người làm nghiên cứu đã được định hình với đầy đủ bản lĩnh, nhiệt huyết và uy tín học thuật. Và lúc ấy, đã đến khi con người thứ hai trong anh cũng đòi quyền ra đời và sở hữu thế giới của nó: Con người thi sĩ! Tập thơ và trường ca Tháp nắng (1997) vừa xuất hiện đã gây được tiếng vang. Giải thưởng Hội Nhà văn như một công nhận mang tính chất danh nghĩa, cái đáng nói là tập thơ ấy đã thắp lên linh hồn của một nền văn học ngủ quên lâu trong đêm dài phù khuất.

Người con Chăm.- Hình ảnh tháp Chàm đi vào thơ Inrasara với đầy đủ trạng thái: tháp nắng, tháp lạnh, tháp nghiêng, tháp đợi... mà mỗi trạng thái là một biểu tượng đẹp về quê hương vừa linh thánh lại vừa gần gũi. Nhịp vỗ Ginăng, Baranưng, tiếng kèn Saranai và thanh âm, sắc màu lễ hội cũng ùa vào thơ anh đôi khi như ký ức đồng vọng, đôi khi là thực tại tha thiết gọi mời. Và dòng sông Lu như sợi chỉ xanh trằn trọc vắt qua làng dệt kia cứ thao thiết tắm gội ngữ ngôn anh, dạy anh cách vươn nhìn và giở ra những vòm trời mới của sáng tạo khi xuôi về biển cả cuộc đời. Thơ anh nặng chất triết luận, thứ triết luận từ nghiệm sinh (Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em) và đang hướng đến những hoài nghi, đối thoại và biện giải cuộc sống trong tập thơ mới nhất: Lễ tẩy trần tháng tư (2002).

Vẫn những hình ảnh cũ được hồi cố, vẫn là sự cựa quậy, dằn vặt ngữ ngôn, Inrasara  đang tập làm một đứa trẻ tạc mặt mình vào sông để nhờ sông cuốn trôi những dư ảnh về nơi bể rộng.

Và có lẽ, với Inrasara, thơ đã mang một ý nghĩa khác khi anh viết trong Lễ tẩy trần tháng tư: “Làm thơ/tôi cãi nhau với bóng của mình!”. Và thật thế. Với Sara, cảm xúc và kỹ thuật thơ ca luôn đến sau lý trí. Nói như nhà thơ Nông Quốc Chấn, thơ  Inrasara vẫn thể hiện tâm hồn thi sĩ mạnh hơn tư duy nhà lý luận!

Thật không đơn giản chút nào, khi đó là giọng nói của người con Chăm luôn đứng phía dân tộc mình mà cất lời thời đại!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo