K-pop (âm nhạc đại chúng Hàn Quốc) ồ ạt tấn công thị trường Việt Nam với hàng loạt chương trình biểu diễn và vô số dự án hợp tác khai thác showbiz Việt đang diễn ra, nhất là khi K-pop bị thất bại ở nhiều thị trường truyền thống và bị cấm cửa ở thị trường Trung Quốc mới đây.
Thị trường tiềm năng
Sau khi diễn ra ngày 26-3 tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), chương trình “MBC Music K-Plus Concert” (Đại nhạc hội K-pop) - có các nghệ sĩ EXID, Se7en, APink, Seventeen, Hallo, Laboum, I.C.E, B.I.G, MASC, NC.A, Bom-I... trình diễn - sẽ đến TP HCM vào tháng 11 tới. Đây chỉ là một trong số rất nhiều chương trình biểu diễn của K-pop trong thời gian tới tại Việt Nam. Ước tính, mỗi năm có khoảng 15 tên tuổi lớn của K-pop đến Việt Nam biểu diễn thông qua các chương trình âm nhạc, fan meeting (nghệ sĩ gặp gỡ giao lưu với người hâm mộ), sự kiện quảng cáo, giao lưu văn hóa… Hiện không chỉ có nhà đầu tư Việt mang sao Hàn về Việt Nam để kiếm lợi nhuận mà các nhà đầu tư Hàn cũng đến Việt Nam nhiều hơn để kinh doanh nghệ thuật. “MBC Music K-Plus Concert” là ví dụ.
Việt Nam đang được xem là “điểm đến” lý tưởng của sao Hàn vì sự cuồng nhiệt của người hâm mộ. Dù đã nhiều lần đến Việt Nam biểu diễn, thậm chí Jae-joong cũng đã tổ chức buổi fan meeting riêng tại TP HCM nhưng đơn vị quản lý của anh vẫn quyết định làm live show hoành tráng, quy mô ngang ngửa với đêm diễn của họ tại Hàn Quốc, Trung Quốc. T-ara đã thực hiện một buổi diễn thăm dò tại Hà Nội chỉ sau 2 lần ghé thăm nơi này qua chương trình K-pop concert và game show thực tế vì thấy sự phấn khích của khán giả nơi đây dành cho họ.
Tuy nhiên, có một thực tế là sao Hàn tấn công vào thị trường ca nhạc Việt khi họ không còn được chào đón ở nhiều nước khác. Họ bị tẩy chay ở thị trường Nhật vì vấp phải lòng tự tôn dân tộc của người hâm mộ xứ hoa anh đào sau những xung đột chính trị giữa 2 nước. Việc sao Hàn ồ ạt đến Thái Lan, Malaysia, Singapore biểu diễn hay fan meeting mỗi tháng 10 buổi diễn khiến người hâm mộ những nơi này phát ngán. Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã quyết định cấm mọi hoạt động liên quan đến ngành giải trí Hàn Quốc tại nước này khiến K-pop xuất khẩu rơi vào tình cảnh lao đao bởi Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Toàn bộ các MV (phim ca nhạc), chương trình âm nhạc, các thể loại băng đĩa… của sao Hàn sẽ không được phép chiếu hoặc bày bán tại Trung Quốc. Tất cả quảng cáo của Trung Quốc do nghệ sĩ Hàn đóng cũng bị “dọn dẹp” sạch sẽ. Đồng thời, toàn bộ quảng cáo của các sản phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc cũng như các thể loại phim, sản phẩm ca nhạc Trung Quốc có sự xuất hiện của sao Hàn dù chỉ là một đoạn ngắn cũng không được lên sóng. Tờ South China Morning Post đưa tin: “lệnh cấm này khiến cho cổ phiếu của các công ty giải trí lớn tại Hàn Quốc như YG Entertainment, SM Entertainment và JYP Entertainment lần lượt giảm 6,6%, 8% và 3%”. Để giảm phần nào tổn thất, các công ty giải trí Hàn lần lượt tấn công sang những thị trường tiềm năng khác, trong đó có Việt Nam.
Hết thời cuồng si
Để khai thác tiềm năng thị trường giải trí Việt Nam có hiệu quả hơn, nhà đầu tư Hàn Quốc đang thúc đẩy mạnh quá trình quảng bá sản phẩm của họ bằng hình thức hợp tác với sao Việt. Hàng loạt dự án quảng bá sản phẩm, chủ yếu là các ứng dụng giải trí, đều thuê sao Việt làm đại diện với mức thù lao cao ngất ngưởng. Những chuyến đi thăm xứ Hàn của ca sĩ Việt để thực hiện các MV được phía Hàn đài thọ liên tục diễn ra. Không chỉ vậy, các công ty giải trí Hàn còn lập kế hoạch hợp tác với sao Việt bằng cách thực hiện một sản phẩm âm nhạc kết hợp sao Việt với “gà chiến” của họ. Ngôi sao nhạc rap của Hàn Quốc, Basik, chuẩn bị đến Việt Nam để tiếp tục hợp tác với Noo Phước Thịnh trong một sản phẩm âm nhạc mới sau thành công của sản phẩm song ca trước đó của 2 ngôi sao này tại chương trình Liên hoan Ca khúc châu Á 2016.
Thực tế, cơn sốt cuồng sao Hàn của khán giả Việt đã qua rồi. Khán đài của đêm diễn “MBC Music K-Plus Concert” tại Việt Nam đã không đông khán giả như mong đợi. Thậm chí, trước ngày chương trình diễn ra, làn sóng tẩy chay xuất hiện rầm rộ trên các diễn đàn mạng. Vì lý do đó, ban tổ chức quyết định hủy các sự kiện phụ liên quan đến quá trình quảng bá làn sóng Hàn với khán giả Việt. Trước đó, nhiều chương trình của sao Hàn không được khán giả nhiều nước chào đón như: Chương trình Singapore MBC Korean Music Wave 2013 (dự kiến có sự tham gia của Taetiseo, EXO, 2PM, FT Island, IU, 4Minutes…) phải hủy vào phút chót vì bị khán giả Singapore tẩy chay…; Korean Music Wave 2014 tại Thái Lan (với sự xuất hiện của TVXQ, SNSD, EXO, Shinee, Apink, 2NE1…) cũng bị trì hoãn vô thời hạn sau nhiều lần hứa hẹn. Gần đây nhất, tour concert của Lee Min-ho tại Singapore đã bị hủy vì tình trạng vé ế ẩm, chỉ bán được 2% số ghế do khán giả không còn mặn mà với ngôi sao này.
Có cơ hội tiếp cận nhiều, khán giả bắt đầu nhận ra chất lượng thực sự của âm nhạc xứ Hàn không xuất sắc như mình nghĩ. Truyền thông xứ Hàn cũng thừa nhận K-pop đang xuống cấp trầm trọng vì thiếu sáng tạo và những xì-căng-đan ồn ào đi kèm. Hơn thế, K-pop đang dần mờ nhạt và không còn là đại diện cho xu hướng âm nhạc thịnh hành mà nhiều lớp nghệ sĩ trẻ của Việt Nam cố công theo đuổi như trước đây.
Lôi kéo công chúng bằng giải thưởng
Hàng loạt giải thưởng từ quy mô lớn đến nhỏ của Hàn Quốc đều dành cho sao Việt một vị trí ưu tiên. Đây là hình thức lôi kéo sự chú ý của khán giả. Vì vậy có những giải thưởng tìm đủ mọi cách để trao cho nghệ sĩ Việt Nam. Thậm chí, khi sao Việt khước từ nhận giải thì phía đơn vị tổ chức Hàn Quốc vẫn cố gắng lôi kéo sự chú ý của khán giả Việt bằng cách tìm cho ra người nhận giải, kể cả đó chỉ là một cái tên chủ yếu xuất hiện trên mạng xã hội.
Bình luận (0)