Hút hồn khán giả
Trí Đức kể: “Một lần, sau khi tổng dượt chương trình, các ca sĩ, người mẫu, vũ công, ban nhạc... lần lượt về hết. Trong khi chờ đạo diễn, “thần ánh sáng” Ngọc Bảo gọi tôi đến xem một đoạn phim trên YouTube của Ferenc Cakó. “Trí Đức làm được không?” - anh hỏi. Tôi tự tin: “Cái này dễ mà!”. Sau đó khá lâu, có người bên tổ chức sự kiện gọi cho tôi: “Anh diễn tiết mục tranh cát cho sự kiện bên em nhé” - Trí Đức nhớ lại. Đó là khởi đầu của những chuỗi ngày “ăn với cát, ngủ cũng cát” đến nay của anh.
Họa sĩ Trí Đức không thể quên những bức tranh cát trong chương trình ca nhạc Duyên dáng Việt Nam 21 năm 2009 khi chúng trở thành tiết mục ấn tượng. Một mặt bàn bằng kính phủ cát, bên dưới đặt đèn rọi sáng cùng một camera cầm tay loại nhỏ ghi hình được kết nối với màn hình sân khấu… là toàn bộ thiết bị kỹ thuật phục vụ biểu diễn. Bàn tay như múa trên bàn vẽ, những bức tranh thoắt hiện rồi nhanh chóng biến mất, được thay thế bởi những hình ảnh khác. Ấy nhưng, ấn tượng về những bức vẽ ấy lại khắc sâu trong trí nhớ người xem. Đó không hẳn là những bức tranh đẹp nhưng là những câu chuyện kể giản dị, đầy thông điệp.
Trước khi công diễn Duyên dáng Việt Nam 21, áp lực đè lên vai đạo diễn Đinh Anh Dũng. “Dù tiết mục đa dạng, chương trình hoành tráng, ca sĩ ngôi sao, sân khấu lộng lẫy… nhưng vẫn chưa “ăn” với nhau, trong khi báo giới thiệu rồi, vé sắp bán rồi. Mặt đạo diễn cau có như cái lồng đèn xếp. Tôi nêu ý kiến: “Hay kết nối bằng tranh cát đi anh?”. “Chú làm được không?” - đạo diễn e dè. Hôm khai mạc, khán giả vỗ tay rần rần. Tranh cát vẽ đến đâu, người ta vỗ tay đến đó. Cát biến thành hoa, bướm, thành đồng ruộng, chân dung thiếu nữ… “Được đó mày!” - đạo diễn Đinh Anh Dũng tươi như hoa” - họa sĩ Trí Đức nhớ lại.
Sau đó, tranh cát theo Trí Đức ra live show của Trần Quế Sơn ở Tam Kỳ - Quảng Nam, đến chương trình Xuân quê hương 2012 ở Lăng Bác - Hà Nội, hiện diện ở Festival Nha Trang... “Hôm ở Nha Trang, sân khấu ngoài trời gió lồng lộng, hứng chí, tôi biểu diễn màn tung cát. Cát bay lên thật đẹp rồi… biến đâu mất tiêu! Còn bao nhiêu cát, tôi đành dùng bấy nhiêu!” - Trí Đức nhớ lại một “tai nạn nghề nghiệp”.
Trên phông nền khổng lồ của sân khấu festival vốn thường dành cho các hình ảnh slide show và video clip minh họa màn trình diễn của ca sĩ, diễn viên… nhưng hôm đó được thay thế bởi những hình ảnh đặc trưng của đại dương, của phố biển. Những sinh vật biển, con sóng, rặng dừa… hiện lên dưới những thao tác của đôi tay người trình diễn khiến khán giả ồ lên thích thú. “Chương trình vừa kết thúc, khán giả ùa lên sân khấu, chen nhau vẽ thử, có người còn lén bốc một nắm, chắc đem về làm kỷ niệm” - Trí Đức tự hào.
Cảm ơn “ông cát”
Tên tuổi họa sĩ Trí Đức bắt đầu bay xa ra ngoài biên giới Việt Nam. Đầu năm 2012, một người bạn từ Anh tìm đến Trí Đức ngỏ ý muốn có một món quà đặc biệt dành cho Nữ hoàng Elizabeth II nhân dịp bà ghé qua vùng đất người bạn đang sống ở nước Anh. Lập tức, anh bắt tay vào chuẩn bị tiết mục Diamond Jubilee 2012, tái hiện cuộc đời của nữ hoàng. Bức tường 12 m2 được gắn hơn 1.000 hình ảnh của Nữ hoàng Elizabeth II từ thuở niên thiếu cho đến ngày nay. Nhiều bản nhạc từ khánh tiết cho đến nghi lễ của Hoàng gia Anh được chọn lọc và biên tập, ráo riết tập luyện…
Hôm công diễn, ở đoạn kết, toàn hội trường đã đứng dậy khi giai điệu God save the Queen trỗi lên, rồi những tràng pháo tay nồng nhiệt tán thưởng. “Đó là khoảnh khắc tôi không bao giờ quên. Sau buổi biểu diễn, có đôi vợ chồng già cố nán lại sau cùng, ông lão nắm tay tôi run run nói: “Thank you, mister sand!”! Ông nói rằng ông đã khóc khi xem tôi biểu diễn. Tôi cảm thấy thật vinh dự khi mang lại cho khán giả nước Anh niềm cảm xúc chân thật. Tôi đã kể được một câu chuyện thú vị bằng cát” - Trí Đức nói.
Nghiên cứu kịch bản, Trí Đức thấy câu chuyện quá hay, lập tức phương án thiết kế hình thành ngay trong đầu anh. Khi đến gặp ê kíp thực hiện là những người có tên tuổi trong làng sân khấu: tác giả Nguyễn Quang Vinh, NSƯT Hoàng Yến, Trọng Hiếu, Quốc Việt, Kim Khôi, Ngọc Phòng…, Trí Đức nêu phương án vẽ tranh cát làm nền sân khấu, diễn biến thời gian, không gian, đồng thời lột tả diễn biến nội tâm nhân vật. Ê kíp thực hiện đã hoàn toàn nhất trí.
Mọi người lao vào dàn dựng và tập luyện vở kịch. Ai cũng như bị cuốn vào cơn bão cát của Âm Binh, vào thân phận nghiệt ngã của Nhi, vào vòng xoáy thời gian của tác phẩm. Bỗng nhiên, ai đó đề nghị: “Sao không cho ông họa sĩ một vai, diễn trực tiếp ngoài sân khấu?”. Tác giả Nguyễn Quang Vinh lập tức “đẻ” ngay nhân vật “Gốc phi lao già”, một vai chỉ độc thoại.
Khi vở diễn vừa chấm dứt, nhiều người ùa lên sân khấu chúc mừng, trên mặt vẫn còn ràn rụa nước mắt. “Gốc phi lao già” phải liên tục giải thích về cơ cấu thực hiện tranh cát cho các bạn đồng nghiệp và khán giả. “Tranh cát đã được ứng dụng thành công vào sân khấu kịch” - anh vui mừng.
Khi hỏi về bản thân, họa sĩ Trí Đức lắc đầu bảo chẳng có gì để nói nhưng khi nhắc đến tranh cát, câu chuyện của anh không có điểm dừng. Trí Đức bảo tất cả, kể cả những thành tựu anh vừa đạt được, chỉ là điểm bắt đầu. “Con đường phía trước vẫn còn dài, đưa tôi đến một nơi xa. Nơi ấy có nhiều người đang chờ đợi tôi đến, để xem tôi kể những câu chuyện trên cát. Những hình ảnh rồi sẽ bị xóa đi nhưng câu chuyện thì đọng lại”.
Làm thử rồi thành nghiệp
Đặng Trí Đức cho biết anh biết tới loại hình biểu diễn tranh cát khi xem một video trên internet vào năm 2006. Tiết mục biểu diễn trong một triển lãm Animation (hoạt hình, hình ảnh động…) ở Hàn Quốc năm đó cũng là gợi ý đầu tiên để anh tìm hiểu và học hỏi về “sand art video” – tên gọi của loại hình này. Tốt nghiệp Khoa Lụa - Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM năm 1996, Trí Đức có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong một chương trình biểu diễn cách đây khoảng 5 năm, khi nhà tổ chức cần một tiết mục biểu diễn tranh cát, anh làm thử rồi “nổi tiếng luôn”. Đến nay, anh đã thực hiện khá nhiều chương trình trình diễn vẽ tranh trên cát, đa số trong các sự kiện tổ chức ở TPHCM. Với Trí Đức, vẽ tranh cát là niềm đam mê lớn |
Bình luận (0)