Hình ảnh dễ thấy nhất trong những ngày Liên hoan Phim (LHP) quốc tế Hà Nội diễn ra (từ ngày 23 đến 27-11) là cảnh tượng khán giả chen chân ở các rạp kiếm vé để được xem phim miễn phí, đặc biệt là phim Việt Nam. Bên cạnh hàng loạt buổi ra mắt ấn tượng của các đoàn làm phim, điểm đọng lại ở liên hoan lần này là chợ dự án phim lần đầu được tổ chức, trại sáng tác Haniff và hội thảo hợp tác sản xuất phim của Việt Nam với các nước.
Mở ra nhiều cơ hội
Dù là lần đầu tổ chức nhưng có mặt và chia sẻ kinh nghiệm trong chợ dự án lần này là hàng loạt chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát hành phim, liên hoan phim cũng như các nhà đầu tư quốc tế như Phó Giám đốc Hội chợ Phim châu Á của LHP Busan (Hàn Quốc) - ông Jeon Chanil; Phó Chủ tịch Công ty Giải trí CJ (CJ Entertainment) - ông Kini Kim - người đứng đầu trực tiếp hoạt động phân phối quốc tế tại Mỹ và châu Á; Giám đốc tiếp thị cho thị trường các nước nói tiếng Pháp thuộc tổ chức phi lợi nhuận Unifrance film - ông Jean Christophe Baubiat - người có hơn 60 năm kinh nghiệm quảng bá điện ảnh Pháp trên toàn thế giới; đại diện LHP quốc tế Berlin khu vực Đông Nam Á - ông John Badalu - người góp phần sáng lập LHP quốc tế tại Indonesia…
Chủ đề thiết thực là làm thế nào để những nhà làm phim trẻ tuổi có được sự hỗ trợ tài chính cũng như “với” tới những nhà sản xuất khổng lồ, những nhà đầu tư sẵn sàng đổ tiền ra cho họ làm phim đã khiến nhiều đạo diễn trẻ khá hào hứng. Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty BHD, đồng thời là người điều hành chợ dự án - cho biết chợ dự án này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho những nhà làm phim trong nước, đặc biệt là nhà làm phim trẻ đang loay hoay tìm kinh phí sản xuất phim, dù điều này không phải dễ dàng. Một đạo diễn trẻ chia sẻ 5 ngày ở liên hoan dù không nhận được nhiều về kỹ năng làm phim nhưng kinh nghiệm chào hàng các dự án ở trại sáng tác, chợ dự án thì đã được đạo diễn này ghi nhớ. “Tôi nghĩ đó là điều rất thiết thực với những người làm phim trẻ chúng tôi. Rõ ràng là chúng tôi học được nhiều từ những buổi chia sẻ kinh nghiệm như thế bởi nếu vẫn cứ giữ tư duy làm phim kiểu Việt Nam hiện nay thì rất khó bắt kịp người ta” - đạo diễn này nói.
Kết thúc chợ dự án, dù không được chọn trao giải 10.000 USD nhưng 2 dự án A shade of paradise (Cái bóng của thiên đường) - đạo diễn Síu Phạm, nhà sản xuất Vũ Hoàng Điệp; We ain’t nice always - đạo diễn Phan Xine (Phan Nhật Linh) cũng đã được lựa chọn nằm trong tốp 5 dự án tốt nhất, tạo động lực cho các nhà làm phim này tiếp tục con đường “chinh chiến” tìm kiếm tài trợ của các quỹ điện ảnh trong tương lai.
“Quả ngọt” đầu mùa
Trong những ngày diễn ra LHP, người ta thấy diễn viên - nhà sản xuất Mai Thu Huyền rất chịu khó đi xem phim của các đồng nghiệp, cô có mặt trong các buổi chiếu của Dịu dàng, Đập cánh giữa không trung, Những đứa con của làng... Mai Thu Huyền chia sẻ cô thích đi xem phim của đồng nghiệp trong các liên hoan phim, vừa là dịp để học hỏi vừa để biết các đồng nghiệp đang làm phim như thế nào, hiểu thêm về xu hướng điện ảnh. Với tư cách là một nhà sản xuất, Mai Thu Huyền cho rằng LHP quốc tế Hà Nội chính là cơ hội để cô có thể giao lưu, học hỏi thêm từ các đồng nghiệp quốc tế. Diễn viên này cũng không ngại ngần thú nhận mong muốn từ lâu của cô là tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà làm phim nước ngoài. “Đó là ao ước, kỳ vọng, cũng là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến. Một số phim Việt Nam đã có thể đến được với các LHP quốc tế, chúng tôi cũng mong muốn phim của mình có thể gửi đi các LHP quốc tế” - nữ diễn viên Lạc giới cho hay.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, học viên xuất sắc của trại sáng tác Haniff 2012, cũng dành nhiều thời gian đi xem phim tại các LHP. Chị chia sẻ không phải là đi xem phim để biết mà đây là công việc nghề nghiệp, cần phải biết ở LHP, các tác giả, những người mình đã theo dõi trước đây, bây giờ họ ra sao, làm tác phẩm gì? “Tôi luôn cố gắng xem phim của các tác giả mình quan tâm, phim của các tác giả trẻ và phim của những người cực kỳ nổi tiếng. Một người làm thời trang phải biết xu hướng thời trang như thế nào, tôi cũng phải làm việc đó đối với điện ảnh” - đạo diễn phim Đập cánh giữa không trung nói.
Là người dẫn dắt hội thảo hợp tác làm phim giữa Việt Nam và các nước, nữ diễn viên - nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh đã khiến nhiều khán giả kỳ vọng vào sự hợp tác của cô với nhà sản xuất Niv Fichman (đạo diễn Cây vĩ cầm đỏ từng giành Oscar ở hạng mục Nhạc phim hay nhất năm 1999). Trong khuôn khổ LHP, Trương Ngọc Ánh cùng bạn diễn Kim Lý và các nhà làm phim quốc tế đã ra mắt dự án phim I am wanted mà hãng phim TNA của cô sẽ hợp tác thực hiện với các đối tác Thụy Điển và Canada. I am wanted có kinh phí 4 triệu USD - lớn nhất trong số các dự án phim tại Việt Nam, tính đến thời điểm này.
Tất nhiên, nghệ sĩ điện ảnh đến với LHP không phải ai cũng có tâm thế giao lưu học hỏi, tìm kiếm cơ hội. Phần lớn họ xuất hiện trên thảm đỏ, trong một hai buổi ra mắt đoàn làm phim của mình rồi... biến mất.
Đập cánh giữa không trung đoạt giải đặc biệt
Không nằm ngoài dự đoán, bộ phim Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã được vinh danh tại lễ bế mạc và trao giải LHP quốc tế Hà Nội tối 27-11 với giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo. Giải Phim dài xuất sắc nhất thuộc về Hai người phụ nữ (Nga).
Người đóng quan tài, bộ phim của Philippines, đã được trao giải của Mạng lưới phát triển điện ảnh châu Á - NETPAC.
Giải Đạo diễn phim dài xuất sắc nhất được trao cho đạo diễn Shahram Mokri (Iran), giải Nam diễn viên xuất sắc nhất thuộc về Allen Dizon (Philippines), giải Nữ diễn viên xuất sắc được trao cho Anna Antrakhantseva (Nga).
Ban tổ chức cũng trao giải Phim ngắn xuất sắc nhất cho Chờ đợi sắc màu (Indonesia), giải đặc biệt của ban giám khảo dành cho phim ngắn thuộc về Ngoài kia có gì (Việt Nam).
Bình luận (0)