Làng ca nhạc 2013 vẫn có nhiều dự án mang tính “hội nhập” với xu hướng âm nhạc thịnh hành của thế giới nhưng cán cân đang nghiêng về nhạc xưa với nhiều dự án đã đang và sẽ ra đời của các ca sĩ ngôi sao.
Hà Anh Tuấn, Phương Linh - hai giọng ca chuẩn bị ra mắt album nhạc xưa của mình
Ảnh: CAO TRUNG HIẾU
Tìm về xúc cảm chiều sâu
Album xuất hiện đầu tiên trên thị trường nhạc Việt trong những tháng đầu năm 2013 là Tình ca Phạm Duy của ca sĩ Quang Dũng, sau hơn 1 năm chuẩn bị và thực hiện, với những ca khúc quen thuộc: Hẹn hò, Đường em đi, Cây đàn bỏ quên, Còn gì nữa đâu, Đố ai, Nha Trang ngày về, Chuyện tình buồn, Nghìn trùng xa cách, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, Kỷ niệm...
Quang Dũng cho biết anh có những trải nghiệm sâu sắc với âm nhạc của Phạm Duy. Sự sâu lắng, nhẹ nhàng, phảng phất chút vui, chút buồn về con người, tình yêu và cuộc sống trong âm nhạc của cố nhạc sĩ này hợp với chất giọng và cách thể hiện của anh. Ngay khi vừa giới thiệu album, ca sĩ Quang Dũng lại tất bật cho dự án live show xuyên Việt để quảng bá cho Tình ca Phạm Duy, bắt đầu từ tháng 4 tới.
Nói đến ca sĩ hát nhạc xưa, Đàm Vĩnh Hưng vẫn là một “đại biểu” xuất sắc với nhiều dự án tâm huyết đã đang và sẽ thực hiện. Trong đó có những chương trình, album đã tạo tiếng vang khi ra đời. Năm nay, Đàm Vĩnh Hưng cho biết vẫn tiếp tục tìm kiếm những ca khúc nhạc trước và sau năm 1975 để khai thác thành những dự án âm nhạc mới của mình.
Album tình ca trước năm 1975 mang tên Biết nói gì đây và album những ca khúc sau 1975 mang tên Chiều biên giới của Đàm Vĩnh Hưng sẽ ra mắt công chúng trong năm nay… Ca sĩ này cũng lên sẵn kế hoạch những đêm diễn sẽ được tổ chức dày đặc để quảng bá cho 2 album trong thời gian tới. “Tất cả đều được đầu tư lớn để vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả vừa đủ tạo nên sự khác biệt cho tên tuổi Đàm Vĩnh Hưng” - anh nói.
Một trong những dự án hứa hẹn mang lại sự thú vị trong thời gian tới là những dự án làm mới nhạc cũ của Hà Anh Tuấn và Phương Linh. Một album acoustic tập hợp những ca khúc chưa hẳn đã xưa - từng gây tiếng vang trong những năm 1990 - nhưng chắc chắn rất có giá trị đối với người yêu nhạc sẽ ra mắt trong nay mai. Hát lại những ca khúc đã từng làm nên tên tuổi của một số đồng nghiệp thuộc thế hệ trước, với Hà Anh Tuấn, lý do đơn giản là “nó phù hợp với chính tôi - người hát và khán giả của tôi - là những người vẫn còn trẻ nhưng cảm nhận sâu sắc, đặc biệt có gu thẩm mỹ về âm nhạc”.
Ca sĩ Phương Linh cũng sẽ kịp cho ra mắt một album vào đúng dịp 8-3 này với chủ đề Tiếng chim hót trong bụi mận gai gồm những ca khúc khá cũ: Lời chim đỗ quyên, Trái tim lang thang, Bay đi ôi cô đơn, Niềm đau chìm xuống, Lời cuối cho anh, Họa mi hót trong mưa…
Bên cạnh đó, những album nhạc xưa từ ca khúc Việt đến ca khúc quốc tế đã rất quen thuộc với khán giả của Đức Tuấn, Thu Minh, Lệ Quyên… cũng đang chờ ngày ra mắt công chúng yêu nhạc.
Hát bằng ngôn ngữ âm nhạc hiện đại
Những album nhạc xưa phát hành theo kiểu chạy theo phong trào không còn được chào đón bởi trình độ thẩm mỹ, thưởng thức âm nhạc của công chúng ngày càng được nâng lên, tinh tế hơn. Tất nhiên, để những ca khúc nhạc xưa sống được trong thế giới hiện tại, ca sĩ cũng cần phải làm mới bằng cách khoác lên chúng những chiếc áo mới qua hòa âm phối khí tân thời.
Nhạc sĩ Đức Trí nhận định: “Hát nhạc xưa không có nghĩa cứ hát lại nguyên xi những gì khán giả được nghe cách đây vài chục năm. Vẫn ca khúc đó nhưng nếu làm mới nó bằng bản hòa âm mới, chắc chắn tinh thần của ca khúc sẽ mới hơn. Tất nhiên, mọi sự đổi mới cũng cần được đặt trong khuôn phép để ca khúc xưa không mất đi tinh thần vốn có nhưng phải đủ để những “tai nghe thời nay” có thể cảm nhận và thẩm thấu nó”.
Đồng quan điểm, nhạc sĩ Huy Tuấn nói: “Không thể phủ nhận giá trị của nhiều ca khúc thuộc dòng nhạc xưa nhưng để chinh phục công chúng hôm nay, nhất là bạn trẻ, các nhà sản xuất âm nhạc và ca sĩ phải sử dụng ngôn ngữ âm nhạc hiện đại để truyền tải cảm xúc, ý nghĩa. Tất nhiên, mọi lựa chọn phải có sự đối xứng để tạo nên sự hài hòa”. Đây cũng là cách làm của hầu hết ca sĩ ngôi sao khi họ chọn nhạc xưa cho những sản phẩm âm nhạc và chương trình biểu diễn của mình trong năm nay.
Ngán ngẩm nhạc mới
“Nhạc của Phạm Duy có giai điệu nồng nàn, ca từ sâu sắc viết về quê hương, về những ký ức tình yêu, về khao khát được sống và được yêu qua tháng rộng, ngày dài... Tôi như thấy chút hình bóng của mình trong các ca khúc đó” - ca sĩ Quang Dũng chia sẻ. Đây cũng chính là lý do chung khiến nhiều ca sĩ quyết định chọn nhạc xưa để thực hiện các dự án âm nhạc của mình.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói: “Đôi lúc tôi thấy ngán ngẩm khi phải chạy theo những ca khúc mới hiện nay bởi chính người sáng tác còn không hiểu được những gì mình muốn nói. Đó là chưa kể đề tài cứ luẩn quẩn trong những cuộc tình không lối thoát. Chính tôi đã từng yêu cầu đổi đề tài một ca khúc khi được nhận vì ca khúc ấy cứ loanh quanh với chuyện yêu đương nhăng nhít”. Quang Dũng phân tích thêm: “Thực tế, nhiều ca khúc mới có đời sống rất ngắn. Ăn khách lắm cũng chỉ được vài năm, thậm chí nhiều ca khúc gây “sốt” nhưng chỉ vài tháng sau chẳng ai còn nhớ tên. Trong khi đó, nhạc xưa thì khác, đã được công chúng thẩm định giá trị theo thời gian và giá trị nghệ thuật của nó càng tăng lên mỗi khi được khai phá, làm mới cho phù hợp với nhịp sống thời đại”.
|
Bình luận (0)