Chưa bao giờ tình hình sân khấu kịch nói lại bi đát như hiện nay khi mà lượng vé bán ra mỗi suất cứ giảm dần. Hai sân khấu xã hội hóa: Kịch Lê Hây, Kịch Thuần Việt đã ngưng hoạt động; 2 sàn diễn đình đám: 5B Võ Văn Tần và Kịch Phú Nhuận tạm ngưng để sửa chữa. Người trong nghề thấy không khí ảm đạm của các sàn diễn kịch nói đã than rằng “kịch lúc này còn ế hơn khi mùa mưa”. Bởi lẽ, đang tháng đầu hè mà lượng vé bán ra ở các sàn kịch lại giảm một cách đáng kể. May mắn thì có được 1/3 lượng khán giả cho một suất diễn, có nơi chỉ vài chục vé nhưng sân khấu vẫn phải sáng đèn.
Chán dần sàn diễn
NSND Thanh Tòng cho rằng sàn diễn sân khấu kịch hiện nay cũng như sàn diễn sân khấu cải lương cách đây 20 năm - khi video cải lương được sản xuất ồ ạt, khán giả chỉ bỏ ra 2.000 đồng thuê một băng video về xem, có đủ mặt các nghệ sĩ mình yêu thích nên họ không đến rạp và hậu quả sàn diễn cải lương chết lâm sàng. “Ngày nay, kịch nói cũng đang giẫm lại vết xe của cải lương khi màn ảnh truyền hình tràn ngập ngôi sao hài, ngôi sao kịch. Khán giả chỉ cần ở nhà bật kênh xem hài kịch, game show, truyền hình thực tế và đâu đâu cũng thấy ngôi sao mình yêu thích thì đến rạp là điều họ phân vân” - vị thống soái của sân khấu cải lương tuồng cổ nhận định.
Quả thật, hiện nay có quá nhiều phim, chương trình truyền hình giải trí dung nạp lượng lớn nghệ sĩ sân khấu kịch nói, hài kịch và nhiều ngôi sao lĩnh vực nghệ thuật khác khiến khán giả không còn hào hứng đến rạp xem kịch. Nếu trước đây 2 thập kỷ, nghệ sĩ ngôi sao của lĩnh vực cải lương bị công luận chỉ trích là nhận quay video bừa bãi, vai gì cũng thu hình thì hôm nay, các ngôi sao hài hoặc nghệ sĩ có tên tuổi ở lĩnh vực kịch nói đảm đương quá nhiều vai trò - ngoài diễn kịch còn tham gia game show, làm MC, đóng phim truyền hình nhiều tập, quay kịch truyền hình… Hậu quả là chính họ giết mình khi trở lại sàn diễn hoặc phải bỏ sàn diễn, nơi lẽ ra họ cần trút hết tâm huyết cho một vai kịch.
“Tôi cho rằng liều lượng xuất hiện của ngôi sao trên màn ảnh nhỏ quá nhiều khiến các vở kịch vắng bóng ngôi sao. Người xem mua vé chỉ vì yêu thích ngôi sao. Cứ thế, sàn diễn vắng ngôi sao thì vở diễn chết” - PGS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định.
Cũ kỹ và lỗi thời
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên đổ lỗi cho màn ảnh nhỏ khi bản thân sân khấu kịch không có gì mới mẻ, đủ sức hấp dẫn công chúng. Những gì mà các sàn kịch làm được trong hàng chục năm qua đến nay đã cũ kỹ và lỗi thời. Trong khi đó, khán giả cần những gì mới mẻ hơn.
Mấy chục năm qua, sàn kịch của các đơn vị xã hội hóa vẫn loay hoay với bục bệ, phông màn, cảnh trí bó hẹp trong phạm vi chật chội được thuê từ các trung tâm văn hóa, các khán phòng đã quá cũ kỹ. Nhìn lại mới thấy các sàn diễn kịch tại TP HCM đều tạm bợ, thuê mặt bằng cải tạo lại thành sàn diễn, chẳng sân khấu nào có nhà hát đúng nghĩa nên công việc sáng tạo cũng đành bó tay. Muốn dàn dựng lớn không có cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật như sân khấu nhà hát.
“Khi chưa có được nhà hát, chưa thể nói là an cư, lạc nghiệp lâu dài. Đó là lý do khiến các sân khấu xã hội hóa cứ mãi lao đao” - bà bầu Kịch Phú Nhuận, NSND Hồng Vân, cảm thán.
Thực tế, sàn diễn kịch tại TP HCM mở ra quá nhiều, lên đến con số vài chục nhưng cơ sở vật chất nơi nào cũng không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí quá tệ, nên chẳng làm nên cơm cháo gì. Khán giả kịch ngày càng ít đến rạp lại bị phân tán ở nhiều sàn diễn nên suất diễn càng trở nên vắng khách.
Từ khi dời sàn diễn về Nhà Thiếu nhi quận 10, TP HCM, có những suất Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh chỉ bán được vài chục vé. “Khán giả đến xem dù quá vắng nhưng chúng tôi vẫn phải mở màn, vẫn phải bù lỗ để giữ hoạt động. Không thể vì sợ lỗ mà trả vé, phụ lại tấm lòng một số ít khán giả vẫn đến với mình. Nhiều người hỏi vì sao tôi và NSƯT Thành Hội vẫn chấp nhận bù lỗ dài hạn để sân khấu Hoàng Thái Thanh sáng đèn, chúng tôi chỉ biết cười và nói rằng do nợ những khán giả còn trân trọng nghệ thuật kịch nói đúng nghĩa” - nghệ sĩ Ái Như tâm sự.
Kỳ tới: Còn ai tâm huyết với nghề!
Kiến nghị trôi tuột, lời hứa bị quên lãng
“Đã không ít lần chúng tôi kiến nghị nhà nước cứu lấy các sân khấu xã hội hóa trước thực trạng nhà tổ chức biểu diễn các sàn kịch này đang đuối sức, chỉ hoạt động cầm chừng, sống qua ngày. Với cơ sở vật chất tạm bợ của các sàn diễn hiện nay, không có khả năng để chúng tôi dàn dựng chú trọng về hình thức nhằm lôi kéo khán giả đến rạp. Thu không đủ chi nhưng phải sửa chữa, nâng cấp sân khấu, khán phòng liên tục còn những kiến nghị của chúng tôi vẫn trôi tuột khiến một số sàn diễn lâm nguy như hiện nay” - NSND Hồng Vân, người lèo lái sàn diễn Kịch Phú Nhuận và sàn diễn Superbowl, bày tỏ.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Kịch IDECAF, cũng ưu tư: “Chúng tôi được hứa sẽ cấp kinh phí để trang bị thêm hệ thống âm thanh, ánh sáng nhưng lời hứa đó từ sau Liên hoan sân khấu nhỏ TP HCM đến nay vẫn chìm vào quên lãng”.
Bình luận (0)