Hài hay... “hãi” kịch?
Thật ra, vấn đề đáng lưu tâm không phải là khán giả thích hài kịch hay bi kịch, mà là họ đang thưởng thức những “món” hài kịch đó như thế nào! Nếu đó là “công cụ tinh thần hùng mạnh nhất để phủ định, phá hủy cái cũ (cái xấu) và chuẩn bị cho cái mới (cái tốt) không mệt mỏi” (nhà phê bình Belinski) thì đó là điều rất may mắn cho người xem, vì nó sẽ “giúp cho con người chia tay với quá khứ một cách vui vẻ” (Các Mác).
Nhưng làm được điều ấy quả khó lắm thay, nên những tiếng cười diễn ra hàng đêm trên các sân khấu ở TPHCM hầu hết đều vô bổ, rỗng tuếch, thậm chí dung tục. Một vai diễn vừa cười vừa thâm thúy như Trạng Quỳnh (Ngẫu hứng Trạng Quỳnh), hay vừa tươi vui vừa nhắn nhủ nhẹ nhàng như chú Sáu ve chai (Đón con về) được coi là quá hiếm. Sân khấu đang biến tướng để làm nơi cợt nhã, thay cho chức năng nhận thức, giáo dục, giải trí...
Khán giả: Một “ẩn số”?
Chương trình Những người thích đùa của CLB Sân khấu thử nghiệm quy tụ nhiều ngôi sao tên tuổi của ba nhà hát lớn của thủ đô, vừa vào biểu diễn tại Nhà hát Bến Thành - TPHCM. Các đồng nghiệp ở miền Bắc hầu hết đều khen hết lời, nhưng chương trình đã không trụ được lâu với khán giả TPHCM. Vì sao? Con người ta khi ra đời ai cũng đều có chung tiếng khóc, song tiếng cười thì rất khác nhau.
Giám đốc Công ty Thái Dương Huỳnh Anh Tuấn cho biết, sân khấu IDECAF có một tổng kết như sau: Tuổi thọ của một vở hài kịch hay: trên 100 suất, hài kịch trung bình: 80 suất, vở bi kịch nước ngoài: 35 suất. Con số này cho thấy những vở “không cười” ít được khán giả mua vé, cũng có thể hiểu ngược lại: Sân khấu hài dễ dãi đã làm cho khán giả mất dần thói quen xem những vở nghiêm túc!
Cần tìm đúng đối tượng
“Đi tìm khán giả - nếu như những ai muốn làm sân khấu một cách tâm huyết”. Ông Lê Duy Hạnh - Tổng Thư ký Hội Sân khấu TPHCM - đã phát biểu như vậy khi được hỏi về lời giải cho bài toán này. Sự bí ẩn của khán giả nằm ở chỗ thị hiếu phát sinh từ “nhân thân” của từng người: tuổi tác, trình độ, môi trường sống..., và sân khấu nếu muốn có công chúng thực sự của mình thì phải tìm tới đúng đối tượng.
Vở Nỗi đau nhân loại (Nhà hát 5B) có lời thoại bằng tiếng Anh, tưởng như dựng xong để “bỏ kho”, nhưng hiện đang lên kế hoạch diễn một lúc hàng chục suất cho một loại khán giả thực sự cần xem ở Hội Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, với các khoa tiếng Anh ở nhiều trường đại học, v.v... Niềm hạnh phúc của những người làm Nỗi đau nhân loại không chỉ ở đồng tiền thu được, mà trên hết còn ở sự đồng cảm sâu sắc của người xem với những thông điệp mà vở đặt ra để suy ngẫm.
Nếu sân khấu tiếp tục thiếu tính định hướng như hiện nay, nó không chỉ làm lệch diện mạo đẹp đẽ vốn có của sân khấu TPHCM mà còn tạo ra một lớp khán giả xem kịch hời hợt, thị hiếu thẩm mỹ thấp, xa lạ với những giá trị đích thực. Vấn đề cốt lõi là sân khấu cần có định hướng, với mục tiêu trên hết là thỏa mãn được nhu cầu thưởng lãm lành mạnh của nhiều tầng lớp khán giả khác nhau, bên cạnh trách nhiệm nâng cao tính thẩm mỹ ngày một đẹp hơn cho sân khấu.
Bình luận (0)