Tác giả Lê Duy Hạnh tặng hoa chúc mừng GS-TS Trần Văn Khê
Điều khiến nhiều người dự khán xúc động là dù đã 93 tuổi nhưng thầy Khê nhớ rất rõ những chi tiết, điển tích trong kịch bản Giọt lệ chung tình. Đây là vở diễn nổi tiếng của gánh hát Đồng nữ ban được sáng lập năm 1927 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) do bà Trần Ngọc Viện - cô ruột của GS Trần Văn Khê - làm chủ.
Giáo sư kể lại, năm đó ông mới 7 tuổi nhưng nghe qua vở Giọt lệ chung tình đã thuộc làu làu. Bất cứ ai trong gánh hát của người cô vô tình hay cố ý ca sai để thử thì ông cũng phát hiện được. Là cậu con trai duy nhất trong gánh hát toàn phụ nữ, lại có tài lý sự nên được các chị thương và cho theo đoàn biểu diễn khắp các tỉnh thành. Thầy Khê cho biết tuy chỉ hoạt động một năm nhưng Đồng nữ ban là một gánh cải lương có rầt nhiều điểm đặc biệt đánh dấu giai đoạn phát triển của loại hình sân khấu này.
Vừa kể, GS-TS Trần Văn Khê vừa minh họa bằng những bài bản cải lương xưa trong vở Giọt lệ chung tình. Sự uyên thâm, dí dỏm và không kém phần lãng mạn khi nói về một gánh hát không có kép nam đã lôi cuốn khán giả suốt buổi nói chuyện. Nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú trước lời giải thích cặn kẽ về điển tích trong từng câu ca.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan làm MC trong buổi giao lưu giữa GS-TS Trần Văn Khê và khán giả
Thầy Khê nhớ lại: “Vì toàn là nữ diễn viên nên vai kép cũng do nữ đóng. Gánh hát của cô tôi không phải toàn là "đàn bà" mà toàn là "con gái" thuộc các gia đình nông dân, điền chủ trong làng Vĩnh Kim và các làng lân cận, chủ yếu đến từ ở ba xã: Rạch Gầm, Kim Sơn, Long Hưng".
Ông cho biết gánh hát không tuyển chọn đào kép chuyên nghiệp mà đa số diễn viên là những người con gái chất phác do bà Trần Ngọc Viện đứng ra đào tạo. Trong những buổi tập đầu để tuyển lựa, các diễn viên bắt buộc phải đến gánh hát đúng giờ, về nhà đúng lúc theo thời khóa biểu riêng. Đối với những người chưa biết đọc, viết, bà Viện cho học chữ Quốc ngữ, với người đã biết chữ, bà cho học văn hóa. Thời gian còn lại, diễn viên sẽ được học ca những bài căn bản cho đúng hơi, đúng nhịp.
Sau khi được tuyển lựa, các diễn viên phải rời gia đình đến nhà tập tuồng cất tại làng Đông Hòa và sống như nữ sinh nội trú. Tại đây, họ được đào tạo bài bản, cho học chữ, nấu ăn, nữ công, may vá, thêu thùa, kể cả võ thuật để dùng trong những lớp cần kỹ năng này.
Khi lưu diễn, tất cả mọi người sống chung trong một chiếc ghe chài to chứa được 50, 60 người. Lúc từ ghe lên rạp hay từ rạp về ghe, các diễn viên phải mặc đồng phục áo dài tím.
Ông giải thích: "Vì cô tôi trước kia là giáo viên dạy nữ công cho học sinh trường Nữ học đường, hay còn gọi là trường Áo Tím nên bà thích diễn viên mặc áo dài tím. Tích tuồng không lựa trong lịch sử Trung Quốc mà lấy trong tiểu thuyết giả sử Giọt máu chung tình của Nguyễn Hữu Ngỡi, nhắc lại chuyện tình trắc trở giữa Võ Đông Sơ (con của Võ Tánh) và Bạch Thu Hà. Thầy tuồng của gánh hát này là ông Nguyễn Tri Khương, cậu thứ 5 của tôi”.
GSTS Trần Văn Khê ca minh họa một số bài bản trong vở Giọt lệ chung tình của gánh hát Đồng Nữ Ban
Thạc sĩ Huỳnh Khải - người cùng với nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng đệm đàn cho GS-TS Trần Văn Khê - nói: “Ngoài những bản lấy trong ca nhạc tài tử thông thường như Tây Thi Cổ bản, Lưu thủy đoản, Lưu thủy trường, Hành Vân, Tứ đại Oán, tôi nhận thấy trong kịch bản xưa đã sử dụng bài Vọng cổ hoài lang đang rất được ưa chuộng. Ông Nguyễn tri Khương đã đặt thêm nhiều bản mới theo phong cách cổ truyền như Yến tước tranh ngôn (Con chim én và con chim sẻ cãi nhau), đồng thời sáng tác các bài: Phong xuy trịch liễu, Thất trỉ bi hùng …. rất ấn tượng. Dù đã 86 năm rồi mà GS-TS Trần Văn Khê vẫn còn thuộc làu và ca chính xác chữ đờn, quả là một trí nhớ điêu luyện”.
Tác giả Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, phát biểu: “Đây là một đêm chuyên đề sân khấu rất ý nghĩa thay cho lời nhắn nhủ của bác Khê đối với thế hệ hôm nay. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa vở Giọt lệ chung tình vào giảng dạy tại các trường nghệ thuật, nhắc nhở thế hệ sau nhớ về gánh hát Đồng nữ ban, dù chỉ hoạt động một năm nhưng để lại nhiều khuôn mẫu, chuẩn mực cho người làm nghề hôm nay”.
Nhạc sĩ Huỳnh Khải đệm đàn kìm trong đêm chuyên đề sân khấu của GS-TS Trần Văn Khê
Trong chương trình, các khán giả trẻ cũng có dịp được bày tỏ cảm xúc sau khi nghe GS-TS Trần Văn Khê kể chuyện tuổi thơ và những kỷ ức về người cô ruột đã thay mẹ nuôi dưỡng ông nên người. Họ cảm kích trước tấm lòng và tâm huyết của một người thầy hết lòng vì nền âm nhạc dân tộc và nghệ thuật nước nhà...
Bình luận (0)