Công viên tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức là nơi tôn vinh nhân vật và sự kiện tiêu biểu trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhớ lại thời điểm những năm 1960, chế độ Mỹ - ngụy, Ngô Đình Diệm ra sức đàn áp các phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân, của các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, thanh niên và đàn áp cả tôn giáo. Giai đoạn này, phong trào đấu tranh Phật giáo đã diễn ra rộng khắp vì hòa bình, vì bình đẳng tôn giáo.
Đặc biệt, sự kiện hòa thượng Thích Quảng Đức tự tẩm xăng ướt mấy lớp cà sa, ngồi kiết già ở giữa ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám), châm lửa tự thiêu vào ngày 11-6-1963 đã trở thành động lực tinh thần to lớn thúc đẩy phong trào đấu tranh nổi dậy của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân thêm mạnh mẽ.
Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức.
Công viên tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức là công trình kiến trúc đặc biệt, có giá trị cao về mặt mỹ thuật, văn hóa, lịch sử, thể hiện niềm mong mỏi của nhân dân thành phố, mong muốn ghi lại công đức của Bồ tát Thích Quảng Đức trong quá trình đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc.
Sau khi khảo sát nhiều vị trí, đến cuối năm 2007, Thành ủy, UBND thành phố đã chọn khu đất có diện tích gần 2.000m², nằm ngay ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám. Sở VH-TT-DL và các sở ngành đã nhanh chóng thực hiện giải tỏa đền bù. Tiếp đó, Sở VH-TT-DL đã phối hợp với Thành hội Phật giáo, các sở ngành liên quan tổ chức cuộc thi lấy ý tưởng thiết kế tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các nhà điêu khắc, kiến trúc sư, các phật tử tham gia. Có 15 tác phẩm đạt được các yêu cầu về tư tưởng, nghệ thuật, kiểu dáng… được hội đồng nghệ thuật xem xét và sau đó chọn ra một tác phẩm tiêu biểu nhất của hai nhà điêu khắc Võ Công Chiến và Võ Công Thắng. Hội đồng nghệ thuật cũng góp ý chỉnh sửa nhiều lần để tác phẩm có thể mô tả một cách chân thật nhất, chính xác nhất sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử.
Trên hết, công trình thể hiện Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, chính sách tự do tôn giáo, đồng thời thể hiện được tính đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sức mạnh tổng hợp trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bình luận (0)