Phòng làm việc đơn giản, chỉ có một máy scan, một radio và một máy vi tính không kết nối Internet. Nhưng ở đó, dịch giả Trần Hữu Kham có thể dõi theo cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc, lẽ phải của nhân vật, hòa cảm xúc mình vào những vui buồn cùng nhân vật. Ông đã biến không gian nhỏ hẹp ấy thành một thế giới trong trẻo của truyện cổ tích, của những nhân vật thiếu nhi hồn hậu.
Nhìn nhân vật bằng ánh sáng của trái tim
Hỏi vì sao chọn dịch truyện cổ tích, ông cười bảo đó là một niềm đam mê. Sự hồn nhiên trong sáng, những suy nghĩ ngây ngô của các nhân vật nhí trong truyện luôn mang lại cho ông niềm vui, đôi lúc là một sự thanh thản ở tâm hồn. Ông đã dịch gần 20 tuyển tập truyện cổ tích các nước, tập truyện cổ Mỹ cũng vừa được ấn hành. Nhưng gây được ấn tượng lớn đối với độc giả có thể kể đến tác phẩm Nhật ký Nancy. Và hiện tại, dịch giả Trần Hữu Kham đang bắt tay vào dịch quyển tự truyện của cậu bé Sammacqueen – tác phẩm sẽ được Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành vào tháng 10 tới. Khá có duyên với các tác phẩm dành cho thiếu nhi, lần này dịch giả Trần Hữu Kham không khó khăn lắm để diễn tả nét tính cách hồn nhiên tinh nghịch của cậu bé Sam. Cậu bé bị bệnh bạch cầu nhưng có những suy nghĩ rất ngây thơ, hồn hậu. Cậu có những câu hỏi mà không ai có thể trả lời kiểu như: Người ta thấy gì khi gần chết? Tại sao thần chết bắt con nít bị bệnh?... Theo dịch giả Trần Hữu Kham, Sam là một cậu bé lạc quan, mặc dù mang bệnh nhưng cậu vẫn sống hồn nhiên với cuộc đời. Khi dịch tác phẩm này, điều đầu tiên mà ông nhận được là tác phẩm đã mang đến cho ông những nụ cười lạc quan, hạnh phúc.
Ông đã từng mơ ước được trở thành một kỹ sư nông nghiệp, chuyên về nghiên cứu cây cao su. Ông bảo, đó là cả một ước vọng của tuổi trẻ. Ông chuyên tâm nghiên cứu về cây cao su, thậm chí đi học ở nước ngoài nâng cao kiến thức. Vậy mà căn bệnh về mắt bắt đầu khi ông đi thực tập, và phát triển theo chiều hướng xấu. Đến ngày báo cáo tốt nghiệp thì ông không còn nhìn thấy gì nữa. Một năm sau, ông cũng lấy được tấm bằng cử nhân nhưng mang về chỉ để làm kỷ niệm. |
Từ truyện cổ tích các nước đến Nhật ký Nancy, và bây giờ là tự truyện của cậu bé Sammacqueen, đều là đề tài dành cho thiếu nhi. Lý giải điều này, dịch giả Trần Hữu Kham cười hiền lành: “Bản thân tôi rất yêu thích trẻ con. Có thời gian tôi tham gia phong trào đoàn thanh niên, phụ trách mảng văn nghệ thiếu nhi nên rất gần gũi và hiểu được tâm lý của các em. Không khó để tôi thể hiện nét tính cách hồn nhiên của trẻ em trong tác phẩm. Khi dịch một tác phẩm, tôi luôn nghĩ đến một hình mẫu tương đồng nào đó để thể hiện nhân vật. Tôi cũng sống với nhân vật của mình theo kiểu người ta viết văn”. Dịch giả Trần Hữu Kham “nhìn” nhân vật mình không bằng đôi mắt, mà hình dung bằng trái tim. Ông đọc, dịch tác phẩm nhưng lại hòa cùng cảm xúc của mình vào nhân vật để cảm và hiểu hết những nét tính cách trong nhân vật. Với Nhật ký Nancy, Trần Hữu Kham đã lắng lòng mình để hiểu được nỗi đau của một cô bé chưa trưởng thành. Ông chia sẻ với những dòng nhật ký viết trong sự hoảng loạn của cô bé để dung hòa được diễn biến tâm lý của Nancy. Cũng giống như bây giờ, khi thể hiện sự hồn nhiên của cậu bé Sam, ông cũng “nghĩ và tưởng” đến một hình mẫu của một ai đó. Vì theo ông, nhân vật trước nhất phải sống trong mình thì mới có thể sống trong lòng độc giả.
Cuộc sống là những duyên may
Đối với dịch giả Trần Hữu Kham, dịch sách không phải là lối đi ban đầu mà do chỉ là một duyên may. Ông dịch quyển truyện cổ nước Anh khi vừa mới tốt nghiệp Anh văn tại chức chỉ để giải trí. Không ngờ “công việc làm cho vui này” lại trở thành một công việc đi dọc cả đời người.
Đã có lúc ông rơi vào trạng thái bế tắc, tuyệt vọng vì bao ước mơ, hoài bão đã sụp đổ. Gia đình cố chạy chữa nhiều nơi nhưng đôi mắt ông cũng không còn khả năng cứu vãn. Ông xin vào dạy ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, chia sẻ những giấc mơ góp nhặt cho các em học sinh khiếm thị, mà cũng là cách để ông bước qua nỗi đau đớn trong đời.
Rồi từ thú vui dịch sách giải trí hồi còn là sinh viên, ông bắt đầu chọn cho mình một lối đi mới khi bắt đầu chính thức với công việc dịch sách. Khi có được bản gốc của truyện, ông nhờ bất cứ ai có thể đọc được tiếng Anh, tiếng Pháp rồi thu âm giọng đọc vào băng cassette. Người thân giúp ông tra từ điển, tìm hiểu cặn kẽ ý nghĩa của những từ khó hiểu. Rồi ông ngồi vào bàn phím, vừa nghe băng vừa dịch bài. Lại phải nhờ mọi người đọc và sửa giúp lỗi chính tả trên bản thảo đánh máy trước khi gửi đến nhà xuất bản.
Trần Hữu Kham đắm mình trong thế giới cổ tích của riêng ông để nhận ra giá trị của cuộc sống. Ông miệt mài bên bàn phím gõ từng con chữ, cần mẫn như một con ong làm mật, con kiến tha mồi. Những tập truyện cổ tích đầu tiên được xuất bản là thấm đẫm mồ hôi, nỗi lo, sự phấn đấu của bản thân ông và của cả những người thân.
Rồi tình yêu và hạnh phúc đến nhẹ nhàng và bình yên, như để khỏa lấp những nỗi đau mà Trần Hữu Kham đã phải gánh chịu. Bây giờ, việc dịch sách của ông đã không còn vất vả như trước nữa. Nhờ có chương trình tự đọc tiếng Anh và tiếng Việt, chương trình sửa lỗi chính tả và phần mềm tra từ điển, ông có thể tự mình hoàn thành các bản dịch mà không phải nhờ sự giúp đỡ của nhiều người.
Với dịch giả Trần Hữu Kham, một cánh cửa đã khép lại cũng có nghĩa một cánh cửa khác lại mở ra và cuộc sống luôn có những duyên may. Dù duyên may trở thành dịch giả của ông lại là sự nghiệt ngã của số phận. Nhưng cũng có một duyên may hạnh phúc khác là trên ngã rẽ cuộc đời, ông đã gặp được một người vợ hiền, biết chia sẻ và yêu thương mình để cùng nhau đi qua suốt cuộc hành trình.
CHỊ TRẦN HỮU, BIÊN TẬP VIÊN NXB TRẺ: Một người luôn hết mình vì công việc “Làm việc với anh Trần Hữu Kham khá lâu, tôi nhận thấy rằng anh Kham là một người luôn hết mình với công việc và rất cẩn thận. Hầu như những bản dịch của anh không phải sửa lại nhiều. Nhìn văn bản dịch đã khó, nghe văn bản để dịch còn khó hơn gấp nhiều lần. Người dịch phải có đôi tai rất nhạy và vốn ngoại ngữ phải vững vàng. Những nỗ lực của anh Trần Hữu Kham là rất lớn. Hạn chế của anh Kham là không tiếp xúc được nhiều với thế gới bên ngoài nên đôi lúc không tiếp cận được với ngôn ngữ của giới trẻ hiện đại. Tuy nhiên, với Nhật ký Nancy, anh Kham cũng đã rất cố gắng để chuyển tải được nét tính cách hồn nhiên của nhân vật. Là người thiết tha với công việc và luôn nghiêm khắc với bản thân mình, anh Kham đã làm được những việc mà không phải người khiếm thị nào cũng có thể làm được”. |
Bình luận (0)