. Phóng viên: Theo anh, nhạc jazz cuốn hút người nghe bởi yếu tố nào?
- Thạc sĩ Lê Quang Long: Chất ngẫu hứng. Nét đặc biệt của nghệ sĩ chơi nhạc jazz là không theo bất kỳ quy tắc nào. Họ được phép sáng tạo trong lúc chơi jazz, thậm chí họ có thể thay đổi cả một nốt nhạc theo ý muốn của họ. Tất nhiên, sự thay đổi, sáng tạo này phải nằm trên nền hòa âm có sẵn. Chính vì vậy, khi nghe một bản nhạc jazz, khán giả sẽ không thể đoán trước được cảm xúc của người chơi sẽ dừng ở đâu. Thay vào đó, cảm xúc của họ như những làn sóng, có lúc nhanh, lúc chậm, có lúc mạnh, lúc yếu nhưng nối tiếp nhau và không bao giờ ngừng lại. Dù chỉ nghe một ca khúc nhưng cảm xúc của khán giả mỗi lần nghe mỗi khác nhau, bởi mỗi lần chơi nhạc là các nghệ sĩ lại sáng tạo theo cách của họ. Vì vậy mà cảm xúc của khán giả cũng biến ảo không ngừng.
. Như vậy, hát nhạc jazz rất khó bởi họ luôn phải sáng tạo không ngừng?
- Người hát nhạc jazz cũng như một nghệ sĩ chơi nhạc jazz. Họ không thể dùng âm nhạc làm nền cho giọng hát của mình mà phải biến giọng hát của mình thành một thứ nhạc cụ để bản nhạc thêm cuốn hút. Giống như người chơi nhạc, người hát cũng có quyền sáng tạo theo ngẫu hứng của mình. Một người hát nhạc jazz thành công là người đang kể chuyện, đối thoại với người nghe chứ không hát một cách máy móc.
. Với những yêu cầu này, người theo nghiệp nhạc jazz sẽ không thể đi đường tắt?
- Với một ca sĩ nhạc pop, bạn có thể đi tắt ngang và trở thành sao miễn bạn có chất giọng. Tuy nhiên, với nhạc jazz, bạn sẽ chẳng làm nên trò trống gì nếu chỉ có giọng hát mà không biết kỹ thuật, không hiểu về âm nhạc. Bởi, sự ngẫu hứng trong nhạc jazz cũng đồng nghĩa với việc bạn đi tìm ra những âm thanh mà mọi người không thể đoán ra được.
. Anh đánh giá các ca sĩ hát nhạc jazz ở VN?
- Theo tôi, VN chưa có một giọng ca nhạc jazz nào đúng nghĩa. Những người theo đuổi nhạc jazz hiện nay chỉ là những người đi trên con đường bắt chước nguyên xi những gì đã tồn tại trên thế giới hiện nay mà thôi. Họ chỉ chăm chăm học hát thế nào cho thật giống với những gì họ được nghe trong băng đĩa. Nhưng điều này lại là điều tối kỵ trong nhạc jazz, bởi bắt chước cũng đồng nghĩa với việc ăn cắp những sáng tạo của người khác. Vì nhạc jazz là sáng tạo, là ngẫu hứng mà anh hát lại những cái sáng tạo của người khác, chơi lại những nốt nhạc mà người khác biến tấu thêm mà không hiểu được vì sao lại dùng nốt nhạc đó, nốt nhạc đó hay ở chỗ nào là không được phép.
. Theo anh, nhạc jazz có thể phát triển cả chiều rộng và chiều sâu ở VN hay không?
- Ca sĩ chúng ta có chất giọng nhưng ngặt nỗi họ lại e ngại bắt đầu một cái mới, sợ phải thử nghiệm và sợ đánh mất một thói quen có sẵn. Chính vì vậy, muốn nhạc jazz phát triển, cần phải có thời gian rất dài và phải có những người thật sự tâm huyết.
. Như vậy, nhạc jazz rất khó phát triển ở VN?
- Không phải tự nhiên mà nhạc jazz được khắp thế giới đón nhận. Tôi tin rằng, chỉ cần có những ca sĩ đam mê hát nhạc jazz, chắc chắn jazz sẽ phát triển.
. Cảm ơn anh!
Bình luận (0)