“Chơi game show này đi, em sẽ thắng mà!”, lời khẳng định chắc nịch của nhà tổ chức khi chiêu dụ nghệ sĩ làm thí sinh cho chương trình game show kiểu như vậy không lạ với các ngôi sao. Xét thấy đằng nào cũng có lợi, không thành công cũng thành danh, không ít nghệ sĩ xiêu lòng.
Thắng hay thua tùy nhà sản xuất
Có nghệ sĩ tham gia game show, nhà sản xuất có chất liệu để truyền thông quảng bá, nhất là nghệ sĩ có đông người hâm mộ thì lượng người xem chương trình cũng sẽ tăng lên đáng kể. Ở chiều ngược lại, nghệ sĩ lâu lâu cũng cần xuất hiện trên sóng truyền hình, để hâm nóng tên tuổi và để hình ảnh của mình gần gũi hơn với công chúng. Tuy nhiên, muốn chiêu dụ được người nổi tiếng tham gia game show, đặc biệt những ngôi sao hạng A, nhà sản xuất cũng phải cam kết mang lại lợi ích cho những người chơi đặc biệt này. Đó là luật ngầm mà các bên phải tuân thủ và tuyệt đối bí mật. Đối với các game show đòi hỏi thí sinh chơi phải đưa ra đáp án đúng, nhà sản xuất thường cho thí sinh nghệ sĩ biết đáp án. Trung bình 10% số câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi của chương trình sẽ được tiết lộ đáp án cho người chơi là nghệ sĩ. Đơn vị sản xuất giải thích: “Đó chỉ là cách để khuyến khích người chơi”. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ dành cho ngôi sao, những người cần bảo đảm hình ảnh của mình xuất hiện trước công chúng phải luôn hoàn hảo nên khi chơi game show họ yêu cầu nhà sản xuất bảo đảm chắc chắn là họ phải thắng, đó là điều kiện.
Với định mức giải thưởng được quy định cụ thể, thí sinh thắng hay thua còn tùy nhà sản xuất muốn cho hay không, như tiết lộ của giới làm game show. Việc ngôi sao được biết tất tần tật các đáp án là điều đương nhiên. Khi ca sĩ D. chiến thắng một game show khó nhằn đến mức sau 2 năm ra mắt vẫn chưa có quán quân, khán giả, truyền thông tung hê về sự thông minh của anh ta thì người trong giới cười khẩy: “Có gì lạ đâu, người nhà của sếp mà!”. Nhiều ngôi sao hạng A tiết lộ họ từng nhận lời mời của nhà sản xuất với lời hứa cho biết mọi đáp án để thắng thưởng lớn.
Nhưng không phải lúc nào nhà sản xuất cũng giữ lời hứa, dù người chơi có là ngôi sao hạng A chăng nữa. “Nhiều nghệ sĩ sau khi chơi game show xong bức xúc lật mặt nhà sản xuất vì mình bị “lật kèo” - nghệ sĩ T. khẳng định. Điều này không lạ bởi việc chọn người chiến thắng của nhà sản xuất còn phải cân nhắc sao cho phù hợp thời điểm cần có người thắng để quảng bá chương trình và có phù hợp với định mức giải thưởng được quy định hay không. Kể lại câu chuyện của mình, ca sĩ N. bực dọc: “Không bao giờ chơi game show lần thứ 2”. Chuyện là, sau rất nhiều lần được chào mời với lời hứa “chắc chắn thắng”, N. chọn chơi một game show đòi hỏi sự suy luận cao, với điều kiện nhà sản xuất phải cho biết trước đáp án. Nhà sản xuất đồng ý. Khi đến trường quay, N. chơi thắng rất thuyết phục. Đến câu thứ 10- câu hỏi quyết định chiến thắng toàn phần, nhà sản xuất “lẩn” mất. Không trả lời đúng câu hỏi cuối, N. thua cuộc. Mất nguyên ngày quay hình không thù lao lại phải móc thêm tiền túi để tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn của chương trình. Nhưng điều khiến N. bực tức chính là sự “trở mặt” của nhà sản xuất.
“Đừng tin vào kết quả của một game show. Chuyện thắng, thua đều do nhà sản xuất quyết định” - chính người tổ chức game show khẳng định điều này. Thật vậy, khi nhà sản xuất muốn người chơi dừng lại thì chắc chắn một câu hỏi hoàn toàn xa lạ với người chơi sẽ xuất hiện, chỉ có người trong giới chuyên môn mới có thể trả lời.
Cười ra nước mắt
Tham gia game show, điều nghệ sĩ có được không phải tiền mà là hình ảnh. Không ít nghệ sĩ sau khi tham gia game show mới tá hỏa là mình “bị dụ”. Ca sĩ T. có hơn chục năm làm nghề nên cũng được nhiều người biết đến. Sau một thời gian gián đoạn ca hát và mãi không “phất” lên như ước nguyện, T. nghe lời chiêu dụ “cứ tham gia game show X, kiểu gì mà chẳng “trở lại lợi hại hơn xưa”. Háo hức trong ngày ghi danh tham gia bao nhiêu thì T. thấy ê chề bấy nhiêu ngay vòng thi đầu, vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cô bỡ ngỡ vì sự lỗi thời của bản thân thì ít nhưng thất vọng với lời hứa nâng đỡ của nhà sản xuất game show thì nhiều.
Ca sĩ, diễn viên V. cũng một phen làm ầm ĩ và buông lời thề “không bao giờ chơi với ông trùm truyền thông T. nữa vì bị “hứa lèo”. Chuyện là khi tham gia chương trình ca hát dành cho nghệ sĩ, V. được nhà sản xuất chiêu dụ rằng: “Kiểu gì em cũng thắng khi thí sinh toàn người “đá lộn sân”. Khổ nỗi giám khảo là những người trong giới chuyên môn, lại chấm điểm công khai trên sóng truyền hình nên nhà sản xuất dù muốn cũng trở tay không kịp. Bị mất mặt trước công chúng, V. hận nhà sản xuất đã “dụ” mình làm “tốt thí” cho chương trình của họ.
Hẳn nhiên, đa phần nghệ sĩ cũng chẳng dễ bị dụ nếu họ không “tham lam” trước món tiền thưởng lớn và được dịp đánh bóng tên tuổi. Khi tham gia chương trình họ bị ràng buộc với nhiều điều khoản trong hợp đồng, từ việc bảo mật nội dung chương trình, nội dung hợp đồng đến việc chấp hành tham gia điều động sản xuất nội dung game show theo yêu cầu của ê-kíp thực hiện. Đây chính là cơ sở để nhà sản xuất xây dựng nên vô số những hình ảnh khác lạ, thậm chí lố bịch cho người chơi trên sân khấu và trên sóng truyền hình. Trong đó, hình ảnh trai giả gái đã trở nên bội thực với khán giả.
Game show thực tế cũng chỉ là sân chơi giải trí nhưng nghệ sĩ biến mình thành kẻ mua vui có phần lố bịch, “rẻ tiền”, như nhận định của nhiều người, là không đáng. Nghệ sĩ Quốc Thảo bày tỏ quan điểm: “Theo tôi, nghệ sĩ nên hạn chế hình ảnh giả gái, đồng thời cũng không dàn dựng tiết mục phản cảm vì ít gì chúng ta cũng là nghệ sĩ nên phải làm nghề cho tử tế”.
Mời lên sóng cả những tên tuổi gây xì-căng-đan
Nhiều nhà sản xuất game show cũng cố tình mời những nhân vật chưa lộ tài nhưng thừa xì-căng-đan xuất hiện chỉ đề câu view, dù gặp sự chỉ trích nặng nề từ khán giả, giới truyền thông. Không cần biết tài năng đến đâu, cứ là những cái tên rất “hot” trên mạng xã hội có đông người theo dõi là được chiêu mộ chơi game show. Thậm chí, họ còn được coi là “át chủ bài” của nhà sản xuất để quảng bá cho game show của họ với mục đích thu hút người xem.
Bình luận (0)