Mất vì quá nổi tiếng
Trong khoảng chục năm nay, cái làng quê êm đềm và mộc mạc này bỗng trở nên quan trọng. Người ta gọi nó là "ấp cổ", phong cho nó là "Làng Việt cổ đá ong", người ta lại đánh giá nó là "đại diện duy nhất về lúa nước của châu Á còn sót lại".
Có thể còn có đôi chỗ cần bàn thêm, nhưng một chút hương hỏa còn lại ở chốn Đường Lâm này cũng đáng trân trọng lắm lắm, nhất là ngôi đình cổ kính (đời Hậu Lê) ở giữa làng.
Tuy không phải là tuyệt kỹ như các đình Thụy Phiêu, Tây Đằng, Chu Quyến..., đình Mông Phụ bề thế, hoành tráng, lại còn rất nguyên vẹn, kể cả lớp ván sàn, và giá trị của nó được tôn lên với vị trí ở trung tâm ngôi làng cổ. Sân đình lát gạch Bát Tràng, rộng thênh thang như một cái quảng trường, tỏa ra 6 hướng. Ngôi đình này đã lọt vào mắt xanh của rất nhiều nhà làm phim thích minh họa cảnh thôn quê. Nhờ cái đình này mà bà già bán hàng nước với khuôn mặt "phúc hậu như diễn viên Thu An" đã lọt vào hàng chục bộ phim nhựa và truyền hình. Đáng kể nhất là Mê Thảo thời vang bóng - bộ phim mà người làng không ngớt lời ca tụng vì đã biến đình Mông Phụ thành "ấp Mê Thảo".
Nhưng sau đó, một rắc rối nhỏ liên quan đến cổ vật của đình được đồn thổi. Có người cho rằng, nhân lúc đình nhộn nhịp lắm người lạ ra vào, kẻ trộm đã cuỗm đi một chiếc đỉnh để trên thượng điện. Chẳng ai biết đích xác thông tin này vì cho đến tận bây giờ khi cổ vật trong đình đã bị "vét", người ta mới ngồi nhẩm tính xem mất bao nhiêu thứ, và mất từ bao giờ. Có một điều mọi người đã không nghĩ tới, đó là khi ngôi đình của họ đã trở nên nổi tiếng như thế, thì nguy cơ cổ vật mất lẽ ra phải được báo động từ trước...
Bắc thang lên thượng điện
Quả thực, kẻ cắp còn nhanh hơn cả những người làm bảo tồn. Buổi sáng, ông thủ từ vô tình lên đình chơi, bỗng thấy hậu cung mở toang. Ông vội hô hoán lên.
Mọi người kéo vào thì thấy cửa khóa hậu cung bị cạy, bên trong thấy thiếu có mỗi cái thang. Hú hồn. Chẳng nhẽ cái thang lại là cổ vật quý đến thế sao? Khi trở ra thì thấy cái thang đương bắc lên thượng điện. Cửa thượng điện đã bị phá tung. Kẻ trộm đã lấy đi thứ quý nhất của các cụ là 18 đạo sắc phong (chỉ phần lại cho các cụ cái hộp rỗng). Theo tài liệu duy nhất mà ông Nguyễn Tùng và bà K. Nelly ghi lại trong cuốn Mông Phụ - một làng ở đồng bằng sông Hồng thì các đạo sắc phong này ca tụng công đức của thánh Tản Viên, mỗi sắc phong chỉ khác nhau một số chữ được thêm bớt. Tước "dực vấn tán trị thành hoàng" (ghi trong đó) thường được nhắc tới khi cúng tế". Cũng theo tài liệu này thì bản sắc phong cổ nhất có niên đại 1651. Nhưng chưa hết, khi đạo chích trở ra, thấy đôi kỳ lân sơn son thếp vàng nằm chầu trước thượng điện, chúng cũng bóc nốt. Đây là hai con linh vật mặt sư tử, vảy rồng, đuôi quặp như đuôi chó được làm bằng gỗ rất tinh xảo. Trong khi mọi người còn chưa hết tiếc nuối thì ai đó chợt phát hiện cả chiếc trúc bản cũng không cánh mà bay. Đó là chiếc giá đỡ để đặt bài văn tế lên khi hành lễ - bị lấy đi vì chân đế của nó được tạo tác hình đôi kỳ lân rất đẹp.
Khi cổ vật ở đình đã không còn nữa, người ta mới nhớ thêm thứ này thứ nọ bình thường vẫn ở đấy bây giờ đi đâu? Chiếc đỉnh đốt trầm bằng đồng, người thì bảo cả chiếc lư hương nhỏ nữa cũng trước có mà nay không có. May mắn nhất là đôi câu đối. Có người bảo chúng đã dỡ một đôi xuống chở ra ngoài, nhưng thấy cồng kềnh quá lại thôi. Và khi treo trả, bọn "vô đạo", và... vô học ấy đã treo ngược đôi câu đối, vế bên trái sang bên phải và ngược lại.
Báo động về một loại trộm cắp mới
Đó là loại trộm cắp không "tha" bất cứ thứ gì. Các đình chùa thời gian gần đây không chỉ mất sắc phong, tượng, lư hương, đỉnh đồng. Người ta còn thấy mất cả mấy thanh kiếm của Hai Bà Trưng (tại đền thờ Hai Bà ở Vĩnh Phúc); mất cả áo thành hoàng (ở một ngôi đình ở Hà Tây). Việc mất đôi kỳ lân ở đình Mông Phụ cho thấy đạo chích bắt đầu "bóc" cả đến các chi tiết của kiến trúc.
Quả thật, trên thị trường đồ cổ hiện nay đã xuất hiện các bức phù điêu nổi, các mảng trang trí kiến trúc trên các đầu dư, bức cốn, kẻ chuyền; và các linh vật gắn trên mái và nóc đình chùa. Vì nó gắn vào kiến trúc, nên xưa nay, người ta coi chúng là những thứ "bất động" của di tích, không phải là các di vật. Thực tế ở đình Mông Phụ cho thấy, các mảng chạm trên nóc mái như "lão long huấn tử", "cửu long tranh châu", "mãnh hổ vồ mồi"... có giá trị đặc biệt. Ở các ngôi đình lân cận, như đình Chu Quyền, các mảng chạm thậm chí chỉ được đính hờ vào kiến trúc, ở đình Tây Đằng thì mỗi mảng chạm là một bức tranh hết sức sinh động, ly kỳ và có giá trị không thể thay thế... Vì thế thiết nghĩ trong việc tổng kiểm kê di vật tại các di tích tới đây, ngành bảo tồn bảo tàng không thể bỏ qua hiện vật kiến trúc trong di tích - đó cũng là một mảng di vật cần phải lập hồ sơ.
Bình luận (0)