Không hề có những chiêu trò quảng bá, hoàn toàn là tân binh trước thị trường điện ảnh Việt nhưng bộ phim ma hài Thái Lan có tên Pee Mak (Tình người duyên ma) lại thành công ngoài tưởng tượng nhờ sự lan tỏa trên mạng xã hội. Mới ra hệ thống rạp chiếu của Việt Nam được vài ngày, Pee Mak đã tạo nên “làn sóng khán giả” kéo đến rạp và người xem tỏ ra hài lòng với yếu tố giải trí được khai thác trong phim.
Cảnh trong phim Tình người duyên ma của điện ảnh Thái Lan. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Không cần “át chủ bài”
Nếu xét về yếu tố “át chủ bài”, Pee Mak hoàn toàn bất lợi khi cả tên tuổi đạo diễn lẫn diễn viên đều lạ lẫm với khán giả Việt. Với điện ảnh Thái, họ cũng chưa hề ghi dấu son nào trước đó để có thể gọi là “ăn theo tên tuổi”. Pee Mak cũng không phải là phim dạng “bom tấn” hay nghệ thuật đặc sắc gì, đơn giản chỉ là cách kể, lối dẫn chuyện cuốn hút khán giả dõi theo bằng những lý giải bất ngờ và thú vị. Bộ phim này sẽ không khiến người xem phải nhớ đến tên tuổi diễn viên nhưng chắc chắn họ sẽ không quên câu chuyện hài có duyên và có nghĩa.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng nói rằng điện ảnh quan trọng nhất là cách dẫn chuyện, “kể một câu chuyện xạo nhưng phải khiến người ta tin”. Rất hiếm nhà làm phim Việt Nam đủ sức khiến khán giả tin khi tác phẩm nào của họ cũng nhiều lỗi, nếu không đầy sạn thì cũng thiếu logic, không cuốn hút. Nhìn trên tổng thể, phim hài Việt nhiều năm qua đã vướng phải lỗi rất lớn là các đạo diễn cứ kể theo dẫn dắt chủ quan của họ, miễn chọc cười là được nhưng quên mất rằng sự hài hước cũng cần có giá trị của riêng nó.
Khi Nhà có 5 nàng tiên thành công ngoài sức tưởng tượng với doanh thu hơn 50 tỉ đồng, người ta mặc nhiên đánh giá đây là một bộ phim thành công. Báo giới khen cái duyên hài và ý nghĩa nhân văn của câu chuyện cùng với sức hút từ hai nghệ sĩ hài Hoài Linh - Việt Hương. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là Nhà có 5 nàng tiên đạt chuẩn một phim điện ảnh hài đúng nghĩa. Khi có quá nhiều phim hài nhảm, nhạt đua nhau tung hoành trên màn ảnh, công chúng bắt đầu phát ngán thì một phim “bình dân nhưng có duyên” được đón nhận, khuyến khích cũng là điều dễ hiểu.
“Phim Việt liên tục khiến khán giả mất niềm tin. Về sau này, cho dù là phim giải trí hay nghệ thuật đều luôn ra rạp trong sự nghi ngờ của khán giả. Cùng thời điểm, ngoài rạp có rất nhiều phim ngoại đa dạng thể loại để lựa chọn, ai sẽ xem phim Việt khi không biết có thể lại thêm một lần nữa phải thất vọng?” - diễn viên Nhan Phúc Vinh trăn trở.
Dễ thấy rằng nhiều năm qua, phim Việt luôn có những “chiêu” dụ khán giả, không bằng “sao”, hài thì cũng có các yếu tố cảnh nóng, thể loại mới hoặc làm phim từ thành công của tác phẩm trước đó ở lĩnh vực khác. Nhiều năm liền, điện ảnh Việt bám vào “át chủ bài” để phim có thể ra rạp, tồn tại bằng mức doanh thu nếu không quá dư dả thì cũng tạm gọi là đủ để tái đầu tư.
Quan trọng là cách kể
Mỗi đạo diễn đều lựa chọn riêng lối đi nhưng mọi yếu tố được khai thác nhằm câu khách đều không có ý nghĩa bằng một câu chuyện được kể cuốn hút. Ngay cả với phim nghệ thuật, dù kịch bản có hay và ý nghĩa sâu xa đến đâu nhưng cách dẫn dắt thiếu hấp dẫn thì vẫn không thể chạm vào số đông.
NSƯT - đạo diễn Văn Lê từng cho rằng khi nhà làm phim chọn những thân phận dị biệt, đặt trong những bối cảnh dị biệt và kể theo cảm thụ cá nhân, xa rời thực tế và đi trượt khỏi biểu đồ cảm thụ của khán giả thì cũng không thể coi là một sản phẩm thành công hay là đáng cổ xúy. Nhận định này có thể khiến các nhà làm phim nghệ thuật tự ái nhưng thất bại đã thấy của nhiều bộ phim mang danh nghệ thuật đã chứng minh điều đó.
Lý do khán giả “bất mãn” với nhiều phim giải trí Việt trong thời gian qua cũng bắt đầu từ sự thiếu thuyết phục, cách dẫn chuyện nhạt hoặc hài vô duyên. Ngay cả khi có các sao hài, sức hút không đến từ câu chuyện phim mà từ tên tuổi của các sao đó. Khán giả chê nhiều nhưng không bỏ quên phim Việt. Phim nào ra mắt cũng nhận được sự quan tâm bàn luận trên các diễn đàn nhiều hơn phim ngoại.
Tuy nhiên, có vẻ như rất hiếm khi các nhà làm phim có thể làm được những điều khán giả Việt đang cần. Thất bại doanh thu của Đường đua một phần cũng vì phân khúc đối tượng khán giả “sai lầm”. Nhà sản xuất hiểu rõ số đông xem phim ngoài rạp là đối tượng trẻ nhưng nội dung phim lại hướng đến công chúng “trí thức trầm tĩnh, trải đời”.
Nhiều đạo diễn lần đầu tiên tiếp cận thị trường điện ảnh Việt cũng quan tâm phim Việt thiếu điều gì. Tuy nhiên, họ lại quên mất rằng “cái thiếu” đó đã được bù đắp bằng hàng loạt phim ngoại. Một khi bắt tay vào thực hiện những đề tài được cho là “khoảng trống” của phim Việt như thể loại kinh dị, hành động, xác sống như nước ngoài nhưng cách làm bắt chước hoặc không tới đâu thì cũng chỉ là sự sao chép ý tưởng vụng về, thất bại.
Nhận định của khán giả có thể là cảm tính cá nhân nhưng luôn công tâm, chân thực khi cho rằng điện ảnh Việt chưa thể có những bộ phim “bom tấn” hoành tráng. Phim Việt chỉ có thể từng bước chinh phục người xem bằng những câu chuyện giải trí, nhẹ nhàng nhưng cần nhất là ở lối kể thuyết phục, nhắm đúng đối tượng khán giả.
Ăn khách vì cách kể hay Lý giải về sự thành công của những bộ phim giải trí của đạo diễn Victor Vũ: Chuyện tình xa xứ, Thiên mệnh anh hùng, Scandal..., nhiều ý kiến cho rằng chính cách kể của đạo diễn làm nên sức hút. “Victor Vũ có cách xử lý câu chuyện rất hay mà không phải đạo diễn nào cũng có thể làm được” - đạo diễn Vinh Sơn nói. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết mỗi khi bắt tay thực hiện dự án, anh đều tìm kiếm cái mới, lạ, đầu tiên và không lặp lại. Điều đó tạo nên thương hiệu cho chính anh. Từ Nụ hôn thần chết đến Mỹ nhân kế sau này, khán giả đều được “gặp” lại đạo diễn cũ trong những phiêu lưu, sáng tạo mới. Trước hết là niềm tin của công chúng dành cho Nguyễn Quang Dũng khi anh không làm người xem thất vọng. |
Bình luận (0)