xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khó lường với cảnh quay cháy nổ

TIỂU QUYÊN

Đội ngũ làm công tác tạo hiệu ứng cháy nổ hiện nay chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và sự thiếu chuyên nghiệp chính là nguyên nhân cốt lõi gây ra nhiều hệ lụy

Đã từng có nhiều sự cố cháy nổ ngoài ý muốn gây thương vong cho các đoàn phim nhưng gần như việc quản lý, bảo quản và sử dụng vật liệu cháy nổ hiện nay cũng chỉ trong tình trạng “đèn nhà ai nấy tỏ”. “Đây là bài học xương máu và là nỗi đau lớn cho cả ngành điện ảnh” - đạo diễn Lê Cung Bắc ngậm ngùi khi nói về vụ nổ kinh hoàng tại nhà ông Lê Minh Phương, chuyên viên tạo hiệu ứng cháy nổ cho phim, vừa xảy ra tại quận 3 - TPHCM.

Tai nạn rình rập

Rủi ro vì cháy nổ trên phim trường lâu nay nhiều vô kể, là nỗi ám ảnh cho các diễn viên và cascadeur tham gia.

Diễn viên Lý Hùng kể thời đóng phim Dollar trắng, anh bị thương khi đóng cảnh phi thân bay qua điểm phát nổ. Nhiều người vẫn nhớ vụ đạo diễn Trần Vịnh bị viên sỏi văng xuyên qua phổi, vụ cháy phim trường ở Củ Chi, vụ nổ cách đây khá lâu ở Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu khiến một người tử vong… Còn chuyện thương tật, đổ máu, thậm chí mù mắt vì thuốc nổ quá liều cũng không phải hiếm.
 
img
Cảnh Mỹ dội bom xuống cánh đồng miền Tây Nam Bộ trong phim Huyền thoại 1C. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)

“Công việc này đòi hỏi tính cẩn trọng rất cao và cần nhiều thời gian, không phải chuyện đùa. Một cảnh nổ dù là rất nhỏ nhưng xung quanh có diễn viên, người dân là đã phải cẩn trọng từng chút một. Nhưng người thực hiện công tác cháy nổ hiện nay lại chịu nhiều áp lực cả về kinh phí lẫn thời gian. Cho nên, chỉ có thể nói là “may nhờ rủi chịu” - anh Bùi Huy Lũy, từng là chuyên viên có hàng chục năm làm công tác tạo hiệu ứng cháy nổ cho các đoàn phim, nhìn nhận.

Theo ý kiến của nhiều người trong giới, nếu là những cảnh nổ lớn có khi phải mất 2-3 triệu đồng/lần nổ. Cũng chính vì vậy mà không có chuyện cho nổ thử, mọi thứ chỉ gói gọn trong 1 lần. “Hậu quả rất khó lường vì không thể biết được sức công phá của thuốc nổ như thế nào. Thời làm phim Tây Sơn hào kiệt, đến cảnh công phá đồn Ngọc Hồi, chúng tôi dự định chỉ cho nổ ngoài cổng thành nhưng liều lượng thuốc quá nhiều làm cháy hết cả thành lũy. May mà lúc đó xung quanh không có diễn viên” - diễn viên Lý Hùng nhớ lại. “Khi làm phim về đề tài chiến tranh Hoa dại, chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ của lực lượng công binh của Tỉnh đội Bến Tre. Sử dụng thuốc nổ tự chế không đúng liều lượng sẽ vô cùng nguy hiểm” - đạo diễn Xuân Phước nói.

Thiếu tiền hay thiếu chuyên nghiệp?

Đội ngũ làm công tác cháy nổ cho phim trường hiện chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Một chuyên viên khói lửa ngại nêu tên nói thẳng: “Bao nhiêu năm nay, đội ngũ làm công tác cháy nổ cho phim chỉ chừng đó người nhưng cũng không có ai được đào tạo bài bản về kỹ thuật nghiệp vụ, chủ yếu là tự mày mò, trau dồi và trải nghiệm. Nhưng tôi cho rằng cái gốc của vấn đề chính là quản lý còn yếu. Nói thật, vật liệu cháy nổ phục vụ cho phim trường hiện nay mua ở đâu cũng có, rất nguy hiểm”.

“Từ phim Sơn Tinh - Thủy Tinh từng khiến diễn viên Công Hậu bị phỏng bụng đến giờ hàng thập kỷ rồi, kỹ thuật cháy nổ của điện ảnh Việt Nam cũng không thay đổi. Kỹ thuật tạo hiệu ứng cháy nổ còn rất thủ công, nghiệp dư, đầy rủi ro. Thời tôi đóng phim Kế hoạch 99, hợp tác với Hồng Kông, diễn viên luôn được an toàn tuyệt đối dù là trong những cảnh quay nổ tung khói bụi mù trời” - diễn viên Lý Hùng so sánh.

Không phải lúc nào phim có cảnh quay cháy nổ cũng có thể xảy ra tai nạn. “Nếu là các dự án phim lớn của Nhà nước, chúng tôi luôn phải nhờ đến sự hỗ trợ của quân đội, xin cung cấp vật liệu nổ cũng như phối hợp chuyên viên khói lửa tạo cảnh cho phim. Quan trọng là ở người đảm trách pha chế thuốc, phải biết sử dụng liều lượng dùng luôn ở mức cho phép, thao tác an toàn” - chuyên viên khói lửa kỳ cựu Phương Minh Trí cho biết. Tuy nhiên, nhiều người am hiểu nghề cho rằng không hiếm việc các đoàn phim sử dụng thuốc tự chế cộng với sự thiếu chuyên nghiệp là nguyên nhân gây ra hiểm họa. Diễn viên trẻ Nhan Phúc Vinh - vừa đóng xong một cảnh cháy nổ - cũng nói: “Ở nước ngoài, người ta luôn sử dụng vật liệu an toàn cho diễn viên kết hợp kỹ xảo tạo hiệu ứng rất cao. Còn nước mình lúc nào cũng chuộng rẻ nên rủi ro khôn lường”.

“Từng sử dụng thuốc nổ thật để làm hiệu ứng cháy nổ cho phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực, tôi thấy nguy hiểm quá nên đến phim Anh hùng Trương Định tôi đã đổi sang làm kỹ xảo 3D” - đạo diễn Phan Hoàng cho biết. Tạo khói lửa, cháy nổ bằng kỹ xảo 3D được nhiều người trong giới đồng thuận, khuyến khích nhưng cũng không phải là điều dễ dàng thực hiện vì kinh phí sẽ phải tăng lên gấp 10 lần.

 Mang kíp nổ đã mở về nhà

Từ trường quay phim Hồn đá, diễn viên Nhan Phúc Vinh cho biết chiều 23-2, theo tiến độ, lẽ ra ông Lê Minh Phương sẽ thực hiện cảnh cháy nổ cho bộ phim này tại TPHCM nhưng có sự cố cascadeur bị thương nên cảnh quay tạm hoãn. “Chú Phương về nhà sớm và mang theo đạo cụ, trong đó có một kíp nổ đã mở chưa kịp sử dụng. Đến khuya 24-2 thì gặp nạn” -  Vinh bần thần nói. “Anh Phương là người vui tính, lúc nào cũng xuất hiện trong những trang phục bụi bặm kiểu gangster và luôn hài hước với mọi người” - diễn viên Lý Hùng nhớ lại.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo