Đến thăm rạp nhà bạt của xiếc tọa lạc tại Công viên Gia Định (quận Gò Vấp, TP HCM), tôi mới thấy chưa có nghệ sĩ loại hình nghệ thuật nào khổ như xiếc. Tập luyện, biểu diễn nặng nhọc, nguy hiểm nhưng đời sống diễn viên xiếc gặp nhiều khó khăn do lượng khán giả giảm hẳn, thu nhập không ổn định.
Cuộc sống bấp bênh
Từ 4 năm qua, khi nhà bạt xiếc dọn từ Thảo Cầm Viên về Công viên Gia Định, lượng khán giả vãng lai giảm hẳn. Các trường học hủy hợp đồng vì đường đi quá xa; các hội đoàn, xí nghiệp, nhà máy cũng ngại do đường đến điểm diễn thường xuyên kẹt xe, ngập nước vào mùa mưa. Phụ huynh tự chở con em đi xem càng ngại hơn khi phải chen chúc trên những trục lộ lưu thông quá tải.
Cảnh trong vở kịch xiếc: “Bạch Tuyết và 7 chú hề” của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam Ảnh: THÙY TRANG
Nhà bạt quá cũ kỹ, có đến 23 năm dầm mưa dãi nắng. Chưa kể, sau trận mưa bão làm gãy sụp, rách tươm, nhà bạt phải khâu vá lại để tiếp tục làm phận sự. Mang danh Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (sáp nhập giữa hai đơn vị nghệ thuật là rối và xiếc) nhưng nhà bạt chỉ dành cho xiếc, còn đoàn rối thì vẫn phải chịu cảnh diễn rong tại trường học, trung tâm văn hóa.
Nhiều tháng qua, khi chủ trương dàn dựng các chương trình xiếc có chủ đề như: "Bạch Tuyết và 7 chú hề", "Vũ điệu đêm trăng", "Châu Phi hoang dã", "Vũ điệu mùa đông", "Những chú hề vui nhộn"… (đạo diễn Phi Sơn dàn dựng), lượng khán giả có nhỉnh hơn đôi chút. Thế nhưng, giá vé không thể bán quá cao, vẫn từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/vé. Điều kiện để dàn dựng lại quá thiếu thốn khiến các tiết mục xâu chuỗi vào chủ đề vẫn mang tính chắp vá, chưa thỏa sức sáng tạo mà các nghệ sĩ xiếc tài năng của nhà hát mong muốn.
Bốn năm qua, nhà bạt này là nơi tập luyện, biểu diễn của 2 đội xiếc Mặt trời đỏ (25 diễn viên) và Bầu trời xanh (20 diễn viên). Bất chấp nắng nóng hay mưa dầm, họ vẫn luyện tập với tinh thần vượt khó. Cứ thế, anh chị em 2 đoàn xiếc vẫn dặn lòng không nản, dẫu lương không nuôi nổi nghề vẫn bám lấy cái nghiệp đã định và tin rằng "ngày mai trời lại sáng".
Hiện nay, bình quân mỗi tháng, 2 đội diễn 8-10 suất, mỗi diễn viên lãnh được 300.000- 500.000 đồng/suất. Để kiếm thêm thu nhập, một số người phải diễn trong các đám tiệc.
Tôi tìm gặp chị Ánh Tuyết - nữ nghệ sĩ chuyên trị xiếc thú, từng nắm giữ "đội quân" thú hùng hậu của Đoàn xiếc TP HCM như: voi, gấu, ngựa, chó, khỉ, trăn… "Vài năm qua, khi dọn về Công viên Gia Định, xiếc thú đành phải lỗi hẹn với khán giả. Thu nhập không đủ nuôi diễn viên, lấy đâu tiền nuôi thú..." - nghệ sĩ Ánh Tuyết chua chát.
Theo nghệ sĩ Ánh Tuyết, gần đây, đoàn chủ trương cho "xã hội hóa xiếc thú". Diễn viên tự nuôi và huấn luyện chó, trăn, khỉ cho đoàn thuê để diễn; riêng voi, ngựa, gấu thì không thể "xã hội hóa". "Do đó, rất lâu rồi bộ môn này không được sắp xếp vào chương trình. Vừa qua, đoàn đã mua được 3 chú ngựa mới. Tôi rất mừng, sẽ huấn luyện để đưa vào biểu diễn dần" - chị cho biết.
"Để tập luyện thành thạo một tiết mục xiếc đâu có dễ, mất từ 1 đến 2 năm. Khi tuổi xuân còn phơi phới thì lại gặp cảnh rạp diễn đìu hiu, đến ngưỡng 30-40 tuổi thì phải chuẩn bị rời sân khấu. Nghề xiếc là thế!" - NSƯT Phi Vũ trăn trở.
Cái nghèo đeo đẳng
Thế hệ nghệ sĩ xiếc có tài dần rơi rụng. Việc tuyển diễn viên trẻ cho nghề này càng khó khi họ trông vào tấm gương các tiền bối nên ngại dấn thân.
Nghệ sĩ Quốc Đại - người có hơn 20 năm gắn bó với đoàn xiếc; là nghệ sĩ chính của các tiết mục xe đạp tập thể, nhảy dây trên không - rầu rĩ: "Tôi không dám cho con theo nghề vì theo có mà đói! Bây giờ chỉ biết tính từng ngày, cứ bền bỉ với công việc bằng tất cả lòng yêu nghề. Tương lai thế nào, tôi không dám nghĩ đến".
Vợ chồng nghệ sĩ Trịnh Thắng - Phương Đông - đã có 10 năm diễn xiếc với các tiết mục "Đu dây lụa", "Thăng bằng đôi"; được xem là 2 nghệ sĩ tài năng nhất hiện nay của đoàn - cũng khẳng định: "Chúng tôi không dám cho con theo nghề, cháu có mê cũng cấm bởi quá khổ cực và không nuôi sống được bản thân sau này".
NSƯT Nguyễn Đức Thế, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, cho biết nhà bạt diễn xiếc đã có 23 năm tuổi. Trong khi đó, khu nhà biểu diễn phức hợp dành cho xiếc và rối tại Lữ Gia, quận 11, TP HCM có từ 12 năm trước đến nay vẫn còn là bản vẽ trên giấy.
Mỗi năm, kinh phí của nhà nước cấp 2 tỉ đồng để dàn dựng cho mỗi loại hình xiếc và rối 5 tác phẩm mới. "200 triệu đồng/tác phẩm là một sự gói ghém quá sức. Bởi lẽ, đạo cụ, phục trang, trang thiết bị chuyên dùng cho mỗi chương trình mới đều phải mua. Cái nghèo của nghề chúng tôi cứ đeo dai dẳng" - ông Thế băn khoăn.
Chị Thùy Trang, ngoại vụ của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, cho biết: "Hiện nay, để cứu nguy đời sống anh em của 2 đoàn xiếc và múa rối, nhà hát chúng tôi đã quyết định thuê rạp Hưng Đạo của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và sân khấu của Nhà Thiếu nhi TP HCM, từ ngày 15-7 sẽ biểu diễn các chương trình, tạo thu nhập thêm cho anh chị em nghệ sĩ".
Thu nhập bấp bênh, chưa có nhiều động lực để tiếp tục cống hiến nhưng nghệ sĩ xiếc vẫn bám trụ với nhà bạt, đến khi nào nó rách nát thì sẽ ngưng hoạt động. "Mừng là dù khó nhọc nhưng một số diễn viên vẫn mê xiếc, lao vào học tập, rèn luyện. Họ biết là sẽ khổ cực nhưng không thể rời xa niềm đam mê của mình" - nghệ sĩ Ánh Tuyết xúc động.
Cần điều chỉnh chế độ ưu đãi
"Chế độ ưu đãi dành cho nghề xiếc chưa được xem trọng. Tôi đi lưu diễn tại Đài Loan bị trừ thu nhập 32% tổng số tiền cát-sê. Sáu tháng đi lưu diễn nghĩa là đi công tác theo quyết định của nhà hát nhưng lương căn bản của chúng tôi vẫn bị trừ. Đó là điều không hợp lý" - nghệ sĩ Nhã Hiếu bức xúc.
NSƯT Phi Vũ đề xuất: "Phải điều chỉnh gấp chế độ ưu đãi đối với nghề xiếc vì tuổi thọ của nghề chúng tôi rất ngắn. Tiết mục đỉnh cao không dễ có được khi trang bị kỹ thuật, đạo cụ còn quá kém. TP HCM là trung tâm văn hóa giải trí lớn của cả nước, có nhiều đoàn nghệ thuật xiếc của các nước tiên tiến đến giao lưu, biểu diễn mà cơ sở vật chất quá kém, thể lực và kiến thức diễn viên không được bồi đắp. Đó là sự thiệt thòi lớn mà nếu không có chiến lược của các cấp lãnh đạo ngành thì sẽ đến lúc nghệ sĩ hụt hơi, buông xuôi".
Bình luận (0)