Loạt ảnh trên được chụp cho chiến dịch Fishlove chào mừng Ngày Đại dương thế giới (World Ocean Day) 8-6. Với phong cách y hệt loạt ảnh mà nữ diễn viên xinh đẹp người Anh Helena Bonham-Carter chụp với cá ngừ 27kg thực hiện đầu năm nay, Judi Dench, Fiona Shaw, Julie Christie… lần lượt khỏa thân tạo dáng bên cá, tôm…
Dame Judi, 80 tuổi, nổi danh với nhiều vai diễn, từng đoạt giải Oscar và góp mặt trong James Bond phần phim Skyfall (Bầu trời sụp đổ) năm 2012 , chụp ảnh cùng con tôm hùm chia sẻ: “Điều tốt nhất trong buổi chụp ảnh là không phải ngày nào bạn cũng được ôm ấp một con tôm hùm và điều tồi tệ nhất là tôi không được phép ăn nó”. Nữ diễn viên kiêm nhà văn gạo cội này thổ lộ bà lo lắng cho tình trang axit hóa đại dương đang ngày càng tăng, ảnh hưởng đến các sinh vật biển khác. “Tôi rất yêu biển… và hy vọng chiến dịch này sẽ làm tăng nhận thức của mọi người về những gì chúng ta cần làm cho hành tinh này” - Dame Judi nói.
Julie Christie, 75 tuổi, nổi tiếng với vai diễn trong loạt phim Doctor Zhivago, nằm dài và được bao phủ bởi vô số cá nhỏ. Fiona Shaw, 56 tuổi, được biết đến với vai diễn Petunia Dursley trong loạt phim Harry Potter ngồi trên ghế nhựa và ôm cá. Những ngôi sao khác cũng khỏa thân, tạo dáng cùng cá với nhiều kiểu khác nhau.
Ngay khi loạt ảnh này lan tỏa, nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện. Một số cư dân mạng ủng hộ nhưng phần nhiều không hưởng ứng cách kêu gọi bảo vệ đại dương bằng loạt ảnh khỏa thân như thế này. Họ phản ứng: “Tôi không nghĩ được điều gì tệ hại hơn khi chụp ảnh với cá. Không tốt chút nào!”; “Họ không nghĩ ra được cách trang nghiêm nào để tăng nhận thức về vấn đề khai thác cá, kêu gọi bảo vệ môi trường hơn chiến dịch thô bỉ này với những người phụ nữ đặt cá ở giữa hai chân họ?”; “Tại sao họ nghĩ rằng khỏa thân sẽ tạo sự khác biệt? Họ đã làm tôi sợ món hải sản”; “Bảo vệ đại dương là phải khỏa thân?”; “Tại sao kêu gọi bảo vệ cá mà họ lại chụp ảnh cùng cá chết?”; “Tại sao tất cả các chiến dịch bảo vệ môi trường đều khỏa thân?”…
Vô số câu hỏi được nêu ra phản ứng trước giải pháp thu hút sự chú ý trong các chiến dịch vận động cộng đồng bằng ảnh khỏa thân. Đây cũng không phải lần đầu vấn đề này bị mang ra tranh cãi. Bởi lằn ranh giữa yếu tố thanh – tục trong các ảnh khỏa thân vốn rất mong manh và nếu không làm khéo, thuyết phục thì những mục đích tốt đẹp ban đầu của chiến dịch sẽ “đổ sông, đổ biển”. Đó là chưa kể, vì các chiến dịch bảo vệ môi trường đều chọn giải pháp vận động bằng ảnh khỏa thân nên không ít những cô gái trẻ cũng mượn cớ bảo vệ môi trường để “cởi” một cách phản cảm nhằm tạo sự chú ý cho bản thân. Hẳn đến lúc phải có sự thay đổi trong các chiến dịch vận động vì môi trường, trở về thiên nhiên đúng nghĩa hơn là cứ “môi trường” là “khỏa thân”.
Ở Việt Nam cũng từng có không ít tranh cãi xung quanh vấn đề khỏa thân vì môi trường này mà điển hình là vụ người mẫu Ngọc Quyên. Và sau đó, một số người mẫu trẻ cũng cố tình “cởi” với đủ mục đích: bảo vệ biển, bảo vệ môi trường sống… để mong muốn dù không được khen nhưng bị chỉ trích tơi tả trên các báo thì ít ra cũng được nhắc tên và biết đến. Nhưng dần dần, những hành động chẳng còn thu hút sự chú ý của công luận, chẳng ai khen cũng chẳng ai chỉ trích nên tự thoái trào.
Bình luận (0)