Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày mất của nhà văn Vũ Trọng Phụng, Sân khấu Kịch Phú Nhuận đã giới thiệu tác phẩm này qua sự chuyển thể của tác giả Lê Chí Trung. Hai đạo diễn NSƯT Hồng Vân và Minh Hoàng đã dàn dựng tác phẩm này với mong muốn có thêm một vở kịch nằm trong bộ sưu tập Kịch văn học của thương hiệu Kịch Phú Nhuận.
Điểm nhấn thứ nhất
Chuyện kịch được xây dựng quanh đồn Thị Cầu, nơi lính Tây đóng quân thời Pháp thuộc. Hai nhà chứa của bà Ách (trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng tên là Ách Nhoáng) và bà Chóp (tức Đội Chóp) có nhan nhản những số phận đáng thương. Điểm nhấn thứ nhất thuộc về người phụ nữ tên Kiểm Lâm (do Trịnh Kim Chi đóng). Bà có 6 đứa con, mỗi đứa một màu da nhưng bà khao khát có được một người chồng An Nam. Sống với chồng Tây, nhưng cô vẫn lén lút ngoại tình với một người An Nam, để rồi khi mọi việc vỡ ra, người tình An Nam chính vì căm thù bà lấy chồng Tây mà biến mình thành một kẻ nghiện rượu, bám víu, tàn phá cuộc đời bà. Khán giả đã có được sự cảm thông sâu sắc qua cách diễn xuất của Trịnh Kim Chi, Đoàn Bình và Xuân Trang, bộ ba ở tuyến kịch tưởng chỉ là tuyến phụ nhưng vẫn đong đầy cảm xúc trong lòng người xem.
Điểm nhấn thứ hai
Vũ Trọng Phụng (do siêu mẫu Bình Minh đóng) và Suzanne (do Lan Phương đóng). Anh chàng nhật trình (nhà báo) về đồn Thị Cầu để viết báo, đã được bà Ách cưu mang, cốt chỉ mong con gái bà - Suzann - có được một tấm chồng An Nam kiến thức.
Bình Minh và NSƯT Hồng Vân trong vở Kỹ nghệ lấy Tây. Ảnh: T.Hiệp
Thế nhưng, đường tìm đến con tim của đôi bạn trẻ không dễ như bà nghĩ, họ đã gặp khá nhiều ghềnh thác, mà trong tác phẩm văn học, một điểm nhấn rất nhỏ trong suy nghĩ của nhân vật Suzanne đã được tác giả Lê Chí Trung khai thác, phát triển để người xem khái quát rõ ước mơ cháy bỏng của một cô gái lai Tây, nâng niu niềm hạnh phúc bình dị trong cái làng đĩ đã sản sinh ra cô, mẹ cô và nhiều người phụ nữ công nhận mình là sản phẩm của nghề lấy Tây. Chính điểm nhấn này đã cho thấy Kịch Phú Nhuận không làm việc minh họa cho tác phẩm văn học, mà có những sáng tạo để người xem cùng cười, cùng khóc với các nhân vật khi so sánh với phóng sự mà mình đã đọc.
Tiếng cười đúng lúc, khó quên
NSƯT Hồng Vân với cái duyên quăng bắt tiếng cười đúng lúc, giọng Bắc qua cách thoại của chị làm cho bà Ách vừa chanh ngoa vừa có duyên ngầm. Ngay cả với mơ ước của bà Ách về tấm chồng cho con gái, cũng đủ thấy bà ý thức được cái nghề mình không thể mang lại hạnh phúc cho con, nên bà chiều chuộng chàng rể tương lai là nhà báo, bà sợ nhưng lại chấp nhận. Vì bà biết đó là niềm hy vọng duy nhất để con bà xóa tan mặc cảm là một cô gái lai Tây – kết quả của mối tình bồng bột đã đưa bà đến nghề làm tú bà.
Vai kịch của Duyên (Thúy Nga) và Bond (Minh Nhí) là một sáng tạo rất ngẫu nhiên song lại mang tiếng cười khó quên. Thúy Nga đã phải tốn công sắm đến ba bộ răng giả để diễn vai cô gái xấu xí tới ma chê, quỷ hờn. Duyên sau khi được bà Ách bán cho người lính tên Bond, đã trở thành một me Tây sành sỏi. Cách Duyên trừng trị gã chồng Tây, cách Duyên dạy đời mụ Ách làm khán giả vừa cười vừa phục. Nhân vật này đã truyền đi thông điệp mà Vũ Trọng Phụng muốn gửi đến người đọc, đó là ai sẽ bảo vệ những phụ nữ có số phận nghiệt ngã này, trong xã hội mà đồng tiền thống trị, tình người chỉ được xem là thứ phụ. Minh Nhí với cách diễn cường điệu nhưng đầy thuyết phục, đủ sức biến những cái bất hợp lý thành... có lý.
Có góp ý chăng là siêu mẫu Bình Minh đã phục trang cho Vũ Trọng Phụng quá sang trọng. Dù nhân vật đại diện cho sự cấp tiến của thời Pháp thuộc, nhưng khán giả khó tính sẽ phải ngạc nhiên khi biết Vũ Trọng Phụng là một nhà báo nghèo, ông bị bệnh lao mất năm 27 tuổi, thì cách ăn mặc quá sang trọng của Bình Minh đã khiến vai diễn lạc đội hình.
Điều này đối với khán giả trẻ có thể chấp nhận, vì Bình Minh là siêu mẫu, đại diện cái đẹp trong vở kịch nên dễ dàng bỏ qua, thế nhưng đã gọi là tạo thế đứng mới cho dòng kịch văn học trên sân khấu Kịch Phú Nhuận thì việc tuân thủ thời gian qua cách trang trí cũng như phục trang sẽ làm tăng thêm giá trị vở diễn, hơn nữa Bình Minh có cách diễn xuất hết sức trầm tĩnh, lời thoại rõ ràng, cho thấy vị trí một kép đẹp trên sân khấu kịch thật sự dành cho anh, ngoài tài năng đóng phim và diễn thời trang. Lan Phương vào kịch khá ngọt ngào, cô múa và hát hay, nên Suzanne là một vai diễn đầy cảm xúc của Lan Phương sau nhiều chuyến thử nghiệm từ sân khấu học đường đến các sàn diễn chuyên nghiệp.
Bình luận (0)