“Người yêu dấu” có cái tựa gây tò mò bởi trùng tên với tiểu thuyết của nhà văn nữ da đen người Mỹ Toni Morrison từng đoạt giải Nobel. Nhưng đọc cho đến dòng cuối của truyện dài này, kể cả những độc giả khó tính nhất sẽ không còn thắc mắc bất cứ điều gì bởi cái tựa đó đúng là thuộc về câu chuyện.
“Người yêu dấu” đưa người đọc về lại khung cảnh tơi bời của những trận càn, của chiến trận khét lẹt mùi thuốc súng, khi cái chết rình rập mọi ngóc ngách dồn ép, truy đuổi sự sống. Nhưng khác với các truyện đã viết về chiến tranh mà thời gian gần đây thường gây cảm giác khiến người đọc ngán ngẩm khi nhắc mãi chuyện xưa, “Người yêu dấu” của Dạ Ngân làm cho độc giả nghẹn lời, tức thở, thậm chí khóc ròng từ dòng đầu cho tới dòng cuối bởi tình yêu thật nhất, người nhất và cũng khác biệt nhất trong từng nhân vật.
Cô giáo trẻ Liêm Chi khác với má cô ở tình yêu trong sáng đến không tưởng và bùng cháy mãnh liệt đến độ sẵn sàng nổi loạn, lội suối trèo đèo, vượt qua cả ranh giới khắc nghiệt mà má cô đã cương quyết ngầm vạch ra, dù biết trước thân phận bi thương của những người nữ trong chiến tranh. Nhưng Liêm Chi cũng có điểm chung xót xa vời vợi mà thế hệ má cô, thế hệ cô và tất cả những người nữ khác đều mang nặng trên đôi vai gầy, đó là niềm yêu tuyệt đối dành cho cái “nhân” trong cõi sống, là đức hy sinh mênh mang như những cánh đồng miền Nam, là sự chịu đựng chất cao như núi, sự chờ đợi mỏi mòn, khắc khoải và bị tàn phá như thân thể sông rạch chằng chịt dấu đạn bom. Liêm Chi chờ đợi gì ở người trai chiến trận, từ lúc anh cường tráng, rạng ngời dấn thân vào chốn sa trường tràn đầy sức trẻ đến khi trở về lụi tàn, không chết bởi hòn tên mũi đạn nhưng toàn bộ sức sống đã vắt kiệt theo những cơn sốt rét run bần bật. Xót lòng lời yêu chỉ được thổ lộ khi người đã nằm yên nghỉ trong vườn nhà bởi “Anh linh cảm số phận đã cho anh má và em, vườn nhà má và em… Hôn em nụ hôn dài bằng cả tuổi thanh xuân của chúng ta. Người yêu dấu của anh!”.
Trước nay, người ta hay gọi Dạ Ngân là người đàn bà viết bởi truyện của chị đặc sệt dấu ấn của người nữ, với thành công mang tính dấu ấn của “Gia đình bé mọn” đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp cùng nhiều cuốn sách khác đã in như “Quãng đời ấm áp”, “Con chó và vụ ly hôn”, “Cõi nhà”, “Chưa phải ngày buồn nhất”… Nhưng “Người yêu dấu” đã nhẹ nhàng nhắc nhở đừng quy giới tính cho nhà văn. Trong những dòng cô đặc về cuộc chiến không có dấu ấn của giới tính và trong các hình bóng đặc trưng nhất của người đi vào cuộc chiến như Cường, như Tường, như Cang và trong người ở lại nơi vịnh Mù U như Liêm Chi, chỉ có dấu ấn đẹp đẽ của thanh xuân, tuổi đẹp nhất của người, giai đoạn đẹp nhất của sự sống.
Bình luận (0)