Thỉnh thoảng, phim Việt bị khán giả bắt lỗi rắc-co (raccord: Chỗ nối, mối nối; nét nối; đoạn nối). Chẳng hạn phim “Cầu vồng tình yêu” ở tập 26 bị lỗi rắc-co phương tiện di chuyển. Nhân vật Minh Khang (Hồng Đăng đóng) đến đón cô giáo Mộc Miên (Hồng Diễm đóng) bằng ô tô màu đen, biển số 30D 6786 nhưng chuyển cảnh đến nhà của Minh Khang, chiếc xe đột nhiên biến thành màu trắng, biển số 30E 6786. Tập 47 cũng phim này, cô con dâu Diễm Lệ (Diệu Hương đóng) tóc xoăn ngang vai đi lên tầng trên mời bố chồng xuống nhà dưới nhưng vừa chuyển cảnh nhà dưới, cô này đã có kiểu tóc ngắn, không xoăn. Phim “Thiên mệnh anh hùng” cũng bị bắt lỗi ở phần nút thắt trên túi nhân vật Hoa Xuân (Midu đóng) lúc thì dựng đứng, lúc lại nằm ngang trong cùng một phân cảnh…
“Bộ nhớ” của đoàn phim
Những lỗi rắc-co dạng này sẽ nhiều vô kể trong một phim nếu không có thư ký trường quay kiểm soát. Họ được mệnh danh là “bộ nhớ” của đoàn phim, những người đứng phía sau ống kính, có vị trí quan trọng nhưng chẳng mấy ai biết đến họ và công việc họ làm.
Khi xem phim, nếu tinh ý, khán giả có thể “nhặt” vài sai sót nhỏ như sự khác biệt kiểu dáng bông tai, màu áo, vị trí vết thương… của diễn viên, các tư thế tay, chân trong cùng một cảnh quay hoặc hai cảnh liền kề nhau. Việc kiểm soát để những lỗi rắc-co như thế không xuất hiện trước khán giả thuộc trách nhiệm thư ký trường quay. Họ là bộ phận cần thiết cho đoàn phim, nắm bắt mọi thứ từ đường dây kịch bản, ghi chép lịch trình các cảnh quay một cách khoa học để nhân viên hậu kỳ và đạo diễn có căn cứ khi dựng phim; bảo đảm rắc-co phục trang, hóa trang; bảo đảm rắc-co hành động diễn xuất và nhiều việc không tên khác.
Minh Trân, người có 12 năm trong nghề, con gái của thư ký trường quay kỳ cựu Bùi Thị Noan - từng tham gia khoảng hơn 20 phim như “Vòng xoáy tình yêu”, “Gia tài bác sĩ”, “Ghen”, “Nụ hôn thần chết”, “Phát tài”… - cho biết: “Sau khi nhận kịch bản, tôi sẽ lọc bối cảnh. Phim không giống kịch quay từ đầu đến cuối mà theo từng bối cảnh. Mỗi bối cảnh có thể rải rác từ đầu đến cuối phim, nói chung là “lộn tùng phèo”, thư ký trường quay phải lọc chúng ra, sau đó gửi cho bộ phận sản xuất, chủ nhiệm đoàn phim. Họ in ra rồi phát cho các tổ. Thư ký cũng phải phán đoán một bối cảnh quay khoảng bao nhiêu ngày để khi đạo diễn hỏi thì ứng đáp ngay” - Minh Trân chia sẻ.
Phim truyền hình thường có hai thư ký, một chính ngồi cạnh đạo diễn xem monitor (màn hình), một phụ tiếp cận hiện trường, theo dõi thoại, chụp ảnh, để ý chi tiết. Phim điện ảnh do thời gian quay thường trong một tháng nên cần một thư ký là đủ. “Ra hiện trường, tôi ngồi xem monitor cùng đạo diễn, theo dõi rắc-co hành động, ghi lại số “time code”, số “file”, để ý những việc khác để bọc hậu khi thư ký phụ không bao quát hết. Cuối ngày quay, tôi hoàn thiện báo cáo, gửi cho bộ phận dựng phim. Vì được đọc trước kịch bản nhiều lần, nắm đường dây rất rõ nên đôi khi thư ký còn vững nội dung kịch bản hơn cả đạo diễn, khi cần là hỗ trợ ngay”- Minh Trân cho biết. Cô nói mọi người gọi vui thư ký trường quay là “bộ nhớ” của đoàn phim cũng đúng vì mỗi khi các thành viên trong đoàn không nhớ gì đều hỏi thư ký. Đôi khi thư ký còn cứu nguy cả đoàn phim nhờ vào sự tỉ mỉ của mình.
Điển hình sự cứu nguy này là câu chuyện của thư ký Ngọc Vân, đã gần 70 tuổi, tham gia vô số phim: “Người đẹp Tây Đô”, “Đất Phương Nam”, “Những đứa con thành phố”, “Lục Vân Tiên”, “Bóng ma học đường 3D”, “Giọt mưa biến mất”, “Lẵng hoa tình yêu”… Bà kể trong phim “Lục Vân Tiên”, khi thay diễn viên đóng vai Kiều Nguyệt Nga, mọi người trong đoàn bối rối vì không nhớ chi tiết một đại cảnh đã quay với diễn viên cũ để dựng lại. Bà vốn tỉ mỉ và ghi chép cẩn trọng nên đã hỗ trợ đoàn phim dựng lại đại cảnh không sai rắc-co.
Cẩn thận, tỉ mỉ
Thư ký trường quay được đánh giá là nghề cực nhọc, nhiều áp lực, tổn hại đến sức khỏe, nhan sắc (chủ yếu người làm công việc này là nữ). Họ âm thầm, lặng lẽ làm việc bằng sự tỉ mỉ, cần mẫn của mình.
Theo Minh Trân, thư ký phải quan sát từng ly nước, cái ghế trong cảnh quay và nhắc thiết kế khi cần. Khi cảnh dừng, ly nước đầy hay vơi, ống hút để phía nào, điện thoại để ở đâu trên bàn đều phải dựng lại y hệt như thế lúc quay tiếp. Nếu bộ phận thiết kế quên thêm nước, thư ký nhìn thấy phải nhắc nhở, hỗ trợ nhau để tránh lỗi rắc-co.
“Ngày xưa, công việc của thư ký khó khăn nhiều, không có thiết bị hiện đại hỗ trợ như máy ảnh, máy ghi âm, máy tính xách tay. Mỗi cảnh quay, tôi phải nhanh chóng vẽ lại từng vật dụng trên bàn, bức tranh trên tường, vẽ rắc-co trang phục, rắc-co diễn xuất của diễn viên, ghi chú cẩn thận để nhắc nhở nhân viên phục trang, hóa trang làm đúng. Ngày nay, các thư ký trường quay có máy móc hỗ trợ chụp ảnh lại, đỡ công đoạn vẽ tay, báo cáo đánh sẵn trong máy tính, xong ngày quay là gửi ngay phòng dựng” - Bà Ngọc Vân cho biết.
“Thư ký phải bám đoàn suốt dù quay từ tối đến sáng hoặc ngược lại, trừ lúc bệnh hoặc gặp sự cố nào đó. Trước đây, thư ký còn không được bệnh, phải đi làm vì chẳng có ai thay thế nhưng khi làm phim dài tập có thư ký phụ hỗ trợ nên đỡ hơn” - Minh Trân tâm sự.
Theo Minh Trân, trong công việc thư ký trường quay, sai sót không tránh khỏi, phải ứng biến linh hoạt để giảm thiểu sai sót, nhất là nguyên nhân khách quan. Thường trang phục nhân vật hiện đại do diễn viên tự mang đến trường quay là hàng hiệu, họ không muốn đưa cho phục trang giữ mà mang về nhà sau mỗi lần quay. Đến lúc cần quay tiếp bối cảnh trước đó, họ quên mang theo hoặc làm thất lạc vậy là thư ký trường quay lẫn phục trang phải chạy đôn, chạy đáo đi tìm trang phục giống nhất có thể. Trường hợp không tìm được, đoàn phim đành chấp nhận sai rắc-co. Những trường hợp bông tai, nhẫn không giống nhau trong một phân đoạn cũng chẳng hiếm vì phía diễn viên làm mất nhẫn, quên mang theo…
Kỳ tới: Nỗi lo thất truyền
Nhanh tàn phai nhan sắc
Bên cạnh áp lực thời gian, làm “bộ nhớ” cho cả đoàn phim, thư ký trường quay còn đối diện với nhiều cái khó khác. Bích Liên - hơn 5 năm trong nghề, từng làm nhiều phim “Hương Ga”, “Siêu trộm”, “Cuộc chiến quý ông”, “Mắt lụa”... - nói nghề này phải theo đạo diễn như hình với bóng, phụ nữ mà phải làm việc thâu đêm suốt sáng là rất khổ. “Sinh hoạt vệ sinh cũng bất tiện; phải phơi mình dưới nắng mỗi ngày. Việc ăn uống cũng không đúng giờ, thức khuya, dậy sớm… nên phần nhiều chị em chúng tôi bị bệnh đau bao tử, nhanh tàn phai nhan sắc” - Bích Liên cho biết.
Bình luận (0)