Nếu dịch ra tiếng Anh, dân gian đương đại là contempory folk, song có lẽ chả đâu trên thế giới có thể hiểu được đây là dòng nhạc gì. Bởi trên thế giới không hề có định nghĩa hay khái niệm này. Vì vậy, nếu chúng ta cứ khăng khăng rằng đây là ca khúc dân gian đương đại hay tôi hát ca khúc dân gian đương đại sẽ dễ gây hiểu lầm lắm. Tất nhiên, ở VN chúng ta có thể hiểu rằng hát dân gian đương đại tức là hát ca khúc dân ca hay ca khúc âm hưởng dân ca theo phong cách đương đại. Dẫu vậy, tôi khẳng định không hề có dòng nhạc dân gian đương đại mà chỉ có bài hát mang âm hưởng dân ca hoặc bài dân ca được hát theo phong cách đương đại mà thôi.
Thật ra, việc một ca khúc dân ca hay mang âm hưởng dân ca được hát theo phong cách đương đại đã có từ ngàn xưa. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi khi thời đại thay đổi, những lớp người ở những thời điểm khác nhau cũng có quan điểm khác nhau. Tôi lấy ví dụ như bài hát Trống cơm. Khi xưa, ông bà ta hát bài Trống cơm thâm trầm, dàn trải và trữ tình lắm. Nhưng, trong cuộc kháng chiến, các anh bộ đội Điện Biên đã hát bài hát này một cách hoàn toàn khác. Mạnh mẽ, sôi sục và dứt khoát. Đây cũng chính là ca khúc Trống cơm mà chúng ta vẫn thường nghe ngày nay. Rõ ràng, đây là một ca khúc dân ca nhưng được hát theo phong cách đương đại đấy thôi. Điều đó để thấy rằng việc hát ca khúc dân gian theo phong cách đương đại hoàn toàn không có vấn đề gì, thậm chí nó còn thể hiện được sự hợp thời, có chung nhịp đập, hơi thở của thị hiếu âm nhạc thời đại.
Thế nhưng, chính những ưu điểm này khiến cho một số người đã quá lạm dụng, không còn để ý đến cốt cách của ca khúc. Kết hợp một cách vô tội vạ. Có những ca sĩ hát bài Trống cơm theo phong cách rock, tôi thấy khủng khiếp quá. Một ca khúc tình tứ như thế mà lại hát theo phong cách rock thì tôi không thể hiểu được. Tất nhiên, khi nói những điều này, tôi hoàn toàn không bài xích, cấm cản hay phê phán những người hát nhạc dân ca, ca khúc mang âm hưởng dân ca theo phong cách đương đại. Mà trái lại tôi luôn ủng hộ, khuyến khích và cả tán dương sự tìm tòi của họ. Thế nhưng, khi muốn thể hiện một ca khúc dân ca theo phong cách đương đại cũng phải nắm rõ nội dung ca khúc, nắm rõ cốt cách của dân ca từng miền. Như thế, sự phối hợp dân ca với phong cách đương đại mới không chệch hướng, lạc quẻ. Tôi thấy không ít bài dân ca như Lý ngựa ô, Con chim manh manh,... rất phù hợp với việc thể hiện theo phong cách đương đại. Nhưng, tôi không thấy ca sĩ nào làm mà chỉ chăm chăm hát Trống cơm theo phong cách rock. Điều này cho thấy, ca sĩ ít chịu tìm hiểu cặn kẽ. Chỉ thấy người ta hát thì mình cũng hát mà không cần biết nó có phù hợp hay không.
Đối với việc sáng tác, tôi cũng khẳng định không có ca khúc đương đại gì cả. Vì bài hát nào sáng tác trong thời nay mà chả là ca khúc đương đại. Đương đại có khác gì mới. Nếu dùng từ đương đại thì đao to búa lớn quá, chả khác nào trò bịp như quảng cáo. Đó đơn giản là những ca khúc mang âm hưởng dân ca theo phong cách mới (phong cách đương đại). Từ xưa, đã có không ít ca khúc viết dựa theo dân ca. Nhưng, theo cách thức ngày xưa, nhiều tác giả lấy nguyên bài dân ca sau đó phát triển thêm một số ý của mình. Hiện nay, nhiều nhạc sĩ cũng sáng tác theo phương thức này, viết ca khúc dựa theo khúc thức của dân ca. Tuy nhiên, điều khác biệt là dấu ấn của nhạc sĩ trong những ca khúc này rõ nét hơn ngày xưa (viết nhiều hơn). Tôi lấy ví dụ như bài hát Bà tôi của Nguyễn Vĩnh Tiến. Ca khúc này được viết dựa theo cách thức tụng kinh quen thuộc. Hay những sáng tác của Nguyễn Cường được viết theo phong cách rock hoàn toàn đấy nhưng trong đó có một chút âm hưởng dân ca, một chút đặc trưng của ca trù, chầu văn vào bài ca Tây Nguyên. Sự thêm thắt đó làm cho ca khúc thêm mới lạ, khác biệt. Tiếp bước thành công của Nguyễn Cường, Phó Đức Phương,... khá nhiều nhạc sĩ trẻ sáng tác ca khúc theo phong cách này như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến. Hiệu ứng của những sáng tác này là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng, không thể gọi đây là ca khúc đương đại. Mà phải gọi chính xác là bài ca mới mang âm hưởng dân ca.
Bình luận (0)