- Đạo diễn Régis Wargnier: Chính sách mở cửa của VN đã làm đất nước các bạn thay đổi rõ nét. Kinh tế phát triển mạnh, nhất là du lịch, ngoài ra VN cũng có những tiến bộ xã hội nhất định. Tuy nhiên, có một điều không thay đổi đó là lòng hiếu khách của con người VN. Những người từng làm việc với tôi khi gặp lại họ đều nhận ngay ra tôi và đón tiếp rất nồng hậu dù rằng chúng tôi không liên lạc với nhau trong một thời gian dài.
- Ông đã xem nhiều phim VN vậy theo ông đâu là điểm mạnh, điểm yếu của điện ảnh VN?
- Tôi không thấy điểm yếu qua những phim VN tôi đã xem như Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Gái nhảy, Mùa len trâu vì mỗi phim đều có sự quân bình trong cách kể chuyện. Nhưng tôi thích nhất phim Sống trong sợ hãi vì cấu trúc phim hay, cách dàn dựng độc đáo, diễn viên diễn xuất tốt. Điện ảnh VN theo tôi nên có phong cách riêng và một đất nước có dân số lớn như VN nên sản xuất nhiều phim hơn nữa để công chúng có nhiều sự lựa chọn hơn.
- Thông thường những phim mang dấu ấn cá nhân còn gọi là phim tác giả được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng công chúng lại không đón nhận. Là đạo diễn, ông làm thế nào để dung hòa vấn đề này?
- Trong chuyến sang VN lần này, tôi đã có dịp gặp nhiều nhà chuyên môn VN và bàn về vấn đề này. Khi tôi hỏi đạo diễn phim Sống trong sợ hãi Bùi Thạc Chuyên nhận xét gì về phim Đông Dương, anh ấy trả lời: Đông Dương rơi đúng “điểm gặp” giữa phim tác giả và phim thương mại. Theo tôi, khi bắt tay vào làm phim không nên đặt ra vấn đề làm phim thương mại hay nghệ thuật mà điều quan trọng là phải thật sự bị đề tài đó cuốn hút. Sau đó nên tìm đến những cộng sự tốt nhất như biên kịch chẳng hạn rồi dồn hết tâm huyết để cho ra đời một bộ phim.
- Theo ông, phải làm gì để một nền điện ảnh còn yếu ớt như VN phát triển?
- Ở Pháp có nhiều phim thương mại nhưng vẫn không có khán giả và ngược lại nhiều phim tác giả nhưng lại đông khách. Bây giờ ở Pháp ít phân biệt phim thương mại hay nghệ thuật. Nhiều đạo diễn phim tác giả giờ đây không thấy xấu hổ khi làm những phim thương mại. Vì vậy các nhà làm phim VN cũng nên tìm cách thoát ra khỏi sự phân biệt phim nghệ thuật và phim thương mại dù điều này rất khó. Mỗi đạo diễn nên hãy là chính mình. Phim càng giống với đạo diễn sẽ càng mang tính riêng biệt và đạo diễn càng đam mê thì khán giả cũng sẽ đam mê, đồng cảm với đạo diễn. Về phía Nhà nước, ở Pháp có quy định các đài truyền hình phải là người đồng đầu tư sản xuất phim nhựa, ngoài ra mỗi phim trong hay ngoài nước khi chiếu ở Pháp đều phải trích một phần tiền bán vé thu được cho một quỹ điện ảnh nhằm hỗ trợ việc sản xuất phim.
- Hai lần sang VN đều vì công việc, ông có muốn quay lại VN với tư cách khách du lịch? Và sắp tới ông có dự án làm phim gì liên quan đến VN không?
- Tôi thích đi vì công việc hơn là đi với tư cách du lịch vì đi làm việc tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, khám phá được nhiều điều trong khi du lịch thì chỉ có thể thấy được những cảnh đẹp mà thôi. Hiện tôi chưa có kế hoạch làm phim gì liên quan đến VN nhưng trong tương lai nếu tìm được một đề tài, một câu chuyện hấp dẫn nhất định tôi sẽ làm.
Bình luận (0)