* Phóng viên: Theo một đồng chủ biên của Tài năng và đắc dụng, cuốn sách có nguồn gốc là công trình nhánh của đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học cho quy trình phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” do GS làm chủ nhiệm. Liệu một “công trình” như cuốn sách này lại được nghiệm thu là công trình khoa học?
- GS Đào Trọng Thi: Ở đây cần phải nói rõ: ĐH Quốc gia Hà Nội có đề án lớn về phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài, có một đề tài cấp Nhà nước phục vụ đề án đấy. Đề tài nhánh mà anh Nguyễn Hoàng Lương và anh Phạm Hồng Tung (đồng chủ biên cuốn Tài năng và đắc dụng) thực hiện chỉ là một trong mười mấy đề tài nhánh phục vụ đề tài cấp Nhà nước của chúng tôi. Chúng tôi không nghiệm thu đề tài nhánh, khi có kết quả thì họ báo cáo cho chúng tôi thôi.
Những trang sách đầu tiên trong phần giới thiệu về ông Đặng Lê Nguyên Vũ
* Với tư cách là một nhà khoa học lâu năm, GS có cho rằng việc nhóm biên soạn để đối tượng nghiên cứu tự thuật về bản thân dài đến mấy chục trang là một cách làm khoa học?
- Tự thuật là một tư liệu quá thô, không có giá trị khoa học. Cũng như một mẫu thiết kế thôi, vải chỉ là một nguyên liệu, muốn may thành cái váy, cái áo thì phải có nhà thiết kế, phải có may đo. Ở đây, tôi không thấy có một tác động nào của nhà khoa học. Giả sử người ta có thêm điều gì đó, có những nhận định, khái quát phù hợp với quy luật, vấn đề chung mà bộ phận lý luận đã tổng kết thì còn có giá trị kiểm nghiệm. Làm khoa học là phải khách quan, phải qua một quá trình tư duy, tôi thấy việc tự thuật này không có tí tư duy nào. Không những cuốn sách không có giá trị khoa học với đề tài của ĐH Quốc gia Hà Nội mà tôi còn có thể khẳng định nó không phải là một công trình khoa học.
* Ông nghĩ gì khi tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trung Nguyên, được đứng tên trong nhóm tác giả của cuốn sách?
- Tôi cũng muốn nói thêm về nhân vật được lựa chọn. Việc anh Vũ tự thuật đã gây phản cảm với độc giả. Tự mình viết về mình như một nhân tài đặt cạnh những nhân vật quá nổi tiếng là một cách làm rất không nên. Nếu là tôi, tôi sẽ không bao giờ làm vậy. Anh có thể viết một cuốn sách kể về đời mình nhưng hẳn tác động của nó sẽ khác đi. Anh Đặng Lê Nguyên Vũ là một doanh nghiệp trẻ, cũng là một tấm gương kinh doanh giỏi nhưng đặt cạnh những bức tượng sừng sững qua thời gian thì việc đứng chung ấy lại tự hạ anh ấy xuống. Nên khiêm tốn!
* NXB Chính trị Quốc gia khi giới thiệu cuốn sách có cho rằng đây là nhân tài tiêu biểu. Ông nghĩ sao về sự lựa chọn nhân vật Đặng Lê Nguyên Vũ của nhóm chủ biên?
- Tôi cho rằng đó là sự lựa chọn cẩu thả, không nghiêm túc. Kể cả khi nhóm biên soạn cho rằng họ lựa chọn ngẫu nhiên thì người họ chọn cũng nên là một người đặc biệt, được xã hội công nhận. Đã là làm khoa học thì phải chọn những người điển hình nhất về tài năng, có như thế kết quả của người nghiên cứu mới xác đáng.
Việc xuất bản cuốn sách này, theo tôi, là một điều đáng tiếc của NXB Chính trị Quốc gia. Là một NXB uy tín, thể hiện quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước, việc xuất bản cuốn sách như vậy là thiếu thận trọng. GS Đào Trọng Thi |
Bình luận (0)