Một số gương mặt người Việt nổi bật có bài viết trong cuốn sách Tôi tự hào là người Việt Nam như TS Alan Phan, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc chiến lược của Tập đoàn FPT, nhà sử học Dương Trung Quốc, TS Trần Đăng Tuấn, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã chia sẻ quan điểm vì một nước Việt hùng cường.
Bài viết rất hay của thạc sĩ Nguyễn Hữu Thái Hòa chia sẻ quan điểm về việc “Việt Nam tự định vị mình và vươn ra thế giới”; doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ: “Yêu nước là làm cho nước Việt hùng cường và không nhỏ”; TS Alan Phan khẳng định “niềm tin vào con người Việt”...
“Chúng ta là ai? Tôi là ai? Như thế nào là người Việt Nam? Mình phải biết mình là ai thì mới có thể tự hào được. Còn nhắm mắt mà tự hào thì thật nguy hiểm” - đó là lời bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, hiện là Chủ tịch Hội đồng sáng lập ĐH Tư thục Trí Việt - phát biểu tại buổi tọa đàm nói trên.
Xuất hiện bên cạnh một số tên tuổi đáng nể là một số tên tuổi ít người biết, thật khó để thuyết phục công chúng bằng bài viết của những người chưa khẳng định được uy tín trước số đông, phải chăng họ là những người thường xuyên cộng tác với Thái Hà Book - đơn vị xuất bản cuốn sách? Chỉ một số bài viết có chất lượng cao, còn lại là những bài trung bình, thậm chí yếu, không gây ấn tượng gì, được tập hợp từ những bài viết cũ đăng rải rác trên các báo.
Bất ngờ hơn khi cuốn sách tập hợp và giới thiệu cả bài viết của một số tác giả nhiều tai tiếng như Hùng Cửu Long, nhân vật thường xuyên xuất hiện ở rất nhiều sự kiện lớn nhỏ của showbiz để tự truyền thông cho tên tuổi của mình. Nhân vật này còn có rất nhiều hành vi đáng lên án với mục đích tự làm nổi tên tuổi nhằm thu hút sự chú ý của giới truyền thông kiểu như tự nhận mình là “ông Tưng”, mang xe sang đi đón “bà Tưng” - thảm họa của showbiz từng bị cấm diễn do khoe thân và có nhiều hành vi tự truyền thông quá lố. Tại sao Thái Hà Book lại lựa chọn tác giả này cho một cuốn sách mang ý nghĩa lớn lao? Một nhân vật như thế có xứng đáng để góp phần vào chiến dịch “Tôi tự hào là người Việt Nam”?
Được biết, hai chương trình tọa đàm và cuốn sách là những điểm khởi đầu cho một loạt dự án dài hơi: “Doanh nhân tự hào là người Việt Nam” (2015), “Trí thức tự hào là người Việt Nam” (2016), “Người Việt Nam ở nước ngoài tự hào là người Việt Nam” (2017), “Văn nghệ sĩ tự hào là người Việt Nam” (2018), “Thanh niên tự hào là người Việt Nam” (2019), “Lãnh đạo mọi cấp, mọi nơi tự hào là người Việt Nam” (2020).
Xin quay trở lại với lời phát biểu của bà Tôn Nữ Thị Ninh: “Khi mình cố gắng tư duy, trăn trở để biết mình là ai, tôi nghĩ dứt khoát mình sẽ có cái đáng để tự hào thật sự và cũng có cái đáng để xấu hổ”.
Bình luận (0)