Điều này bắt nguồn từ đội ngũ. Mỗi hội nghệ thuật chuyên ngành đều có lực lượng lý luận phê bình nhưng rất ít hoạt động, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các nhà lý luận phê bình gác bút, các nhà chuyên môn thường ít chịu đụng chạm vào tác phẩm của nhau. Nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư:
“Mỗi lời nói trên báo như ném đá vào người” nên không ai muốn “ném đá” vào đồng nghiệp của mình cả. Đó là chưa nói đến tâm lý sợ bị “ném đá” qua lại.
Trong xu thế ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, hoạt động lý luận phê bình VHNT của Việt Nam càng rơi vào tình trạng khủng hoảng. Hệ thống lý luận cũ không còn phù hợp trước sự phát triển như vũ bão của các loại hình nghệ thuật trên thế giới.
Các xu hướng nghệ thuật mới luôn xuất hiện và thay đổi đến chóng mặt khiến các nhà lý luận phê bình VHNT Việt khó khăn trong việc tiệm cận, nắm bắt và đúc kết.
Hầu hết đội ngũ lý luận phê bình VHNT hôm nay không còn trẻ, khả năng tiếp cận với thế giới qua internet có hạn chế cả về công nghệ lẫn ngôn ngữ. Sự hạn chế về tri thức càng khiến các nhà lý luận phê bình không đủ tự tin để lên tiếng nhìn nhận, đánh giá một tác phẩm VHNT sáng tác theo xu hướng của thời đại.
Vì vậy, trách nhiệm định hướng thẩm mỹ công chúng của các hội nghệ thuật chuyên ngành gần như giao phó cho các cơ quan báo chí. Trong khi đó, các nhà báo viết về các mảng VHNT chủ yếu được đào tạo từ các trường lớp báo chí, ít người được đào tạo chuyên môn nghệ thuật nên không tránh khỏi những hạn chế khi đánh giá, nhìn nhận một tác phẩm nghệ thuật.
Vấn đề đặt ra là cần xây dựng lại nền tảng lý luận, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ hoạt động lý luận phê bình VHNT thuộc các hội chuyên ngành và trong các cơ quan báo chí để có thể đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ mới.
Bình luận (0)