Đây là kịch bản đoạt HCV tại Liên hoan Sân khấu kịch không chuyên toàn quốc 2001 và đã từng đoạt giải tác giả xuất sắc nhất tại Liên hoan Sân khấu quần chúng TPHCM lần thứ 14. Kịch kể chuyện một ông lão đến giờ giao thừa giả vờ thèm cà phê, nài nỉ vợ chồng chủ quán mở cửa cho ông ngồi chờ đám con cháu đến chúc tết. Thực tế ông lão không có người thân, ông chuẩn bị thật nhiều bao lì xì để khỏa lấp ước mơ không bao giờ thành hiện thực của mình. Cùng tâm trạng với ông, đôi vợ chồng chủ quán bên ngoài cũng ra dáng hạnh phúc, nhưng họ không thể sinh con. Cũng tương tự cô gái “giang hồ” giấu mình với thân phận sinh viên; rồi một anh công nhân khao khát có một mái ấm từ sau khi sụp đổ hạnh phúc... Cuối cùng họ chọn quán cà phê làm nơi để đón giao thừa - như là một CLB để cùng đến với nhau, san sẻ niềm khao khát có được mái ấm gia đình. Tác giả Khưu Ngọc tâm đắc: “Giao thừa là lúc người ta thèm một tình thương và một mái ấm gia đình, bởi ở đấy chính là nơi trú ẩn giúp con người vượt qua sự cô độc”.
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm TPHCM năm 1979, Khưu Ngọc đã từng là thầy giáo dạy văn. Kịch bản đầu tay anh viết năm 1990 đoạt HCV Liên hoan Sân khấu quần chúng TPHCM (vở Những chiếc lá lành). Từ đó anh hăng hái sáng tác kịch thiếu nhi như: Thằng láu cá, Khung trời cho trẻ non; với đề tài xã hội như: Những người trái thường, Hương tràm, Khách trú, Tượng thạch cao... NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét: “Ngọc viết khỏe, chắc tay. Kịch bản bám chặt đề tài gia đình, ngôn ngữ đậm chất văn học. Ngọc sẽ còn tiến xa hơn khi đi vào con đường chuyên nghiệp”.
Khưu Ngọc thích viết để giải tỏa những bức bối. Anh nói: “Hàng ngày tôi thích quan sát, cũng như cập nhật thông tin để xâu chuỗi thành kịch. Với kịch bản Câu lạc bộ giao thừa được một ê kíp diễn viên giỏi như: Việt Anh, Minh Trí, Tuyết Thu, Công Hậu... thể hiện, đây là cơ hội tốt để tôi có thêm nghị lực lao vào những đề tài khó. Hiện tôi đang viết ba kịch bản mới: Lá sơn (nói về sinh viên đi tìm việc làm); Đồng bệnh (hài kịch kể về sự vọng ngoại) và Đạo (nói về chữ đạo trong chữ nghề của người lương thiện). Tôi thích viết về đời thường của người lao động, vì tôi muốn người xem hôm nay luôn bắt gặp chính họ trên sân khấu”.
Bình luận (0)