Chưa bao giờ sân khấu kịch cà phê lại mọc lên nhiều như hiện nay ở TPHCM, với gần 70 điểm diễn nằm rải rác tại các quận trung tâm và các huyện ngoại thành. Một thời kịch cà phê được xem là mô hình thay thế những tiết mục tấu hài nhảm nhí nhưng đến nay, sự biến tướng của nó đã khiến không ít khán giả ngao ngán.
Sống bấp bênh nên làm liều
Đến xem một vở kịch tại một điểm kịch cà phê ở quận Gò Vấp - TPHCM, người viết không khỏi giật mình vì nội dung chuyển tải trong vở kịch không thua gì những bộ phim bạo lực. Băng đảng đánh nhau loạn xạ, kết thúc bằng sự thù hận truyền kiếp. Hai người con của hai kẻ thù hận yêu nhau, để giải quyết mối thù này, họ cùng uống thuốc tự tử. Cái chết oan đó biến họ thành hồn ma, sống vất vưởng trong ngôi nhà để hù dọa bất kể ai vào thuê ở. Xem một vở kịch ở một quán cà phê ở quận Thủ Đức, không gian quán được dựng làm bối cảnh của một quán đèn mờ, nơi có múa cột, xem bói toán, lên đồng cầu hồn và nội dung là những câu chuyện rùng rợn, mê tín với âm thanh chát chúa đến đinh tai, nhức óc...
Dàn kịch mục của các quán cà phê này thay đổi liên tục và xem danh mục thì toàn là những câu chuyện kinh dị như: Ma hiếp, Bóng đè oan nữ, Trinh thám lầu xanh, Loạn luân kỳ án… Đa số các nhóm kịch cà phê đều xuất thân từ các trường đào tạo diễn viên chuyên nghiệp. Họ quy tụ lại, cùng nhau viết kịch bản, dựng vở và chạy sô theo thời vụ. Vì mô hình biểu diễn của kịch cà phê khá bấp bênh nên họ phải làm liều; sáng tác, dàn dựng theo gu thưởng thức của khán giả ở từng quán và để qua mặt cơ quan quản lý, họ không đăng ký phúc khảo. Để cạnh tranh nhau, họ đẻ ra hàng loạt kịch bản nửa hài nửa kinh dị, thậm chí đầy mùi bạo lực để thu hút khán giả.
Vì sao các nhóm kịch cà phê né phúc khảo? Qua tìm hiểu được biết chính các chủ quán không chịu khoản chi phí phúc khảo này. Muốn được diễn, các nhóm kịch phải tự lo. Bỏ ra chi phí phúc khảo nhưng chủ quán chỉ xếp cho vài suất diễn, không thu lại chi phí dàn dựng, phúc khảo nên các nhóm kịch trốn phúc khảo.
Bạn Nguyễn Phúc, thành viên của một nhóm kịch cà phê, cho biết: “Đâu phải chúng tôi muốn làm ẩu mà vì sự cạnh tranh giữa các quán đã đẩy chúng tôi vào ngõ cụt”.
“Mùi tiền” chi phối
Thời gian đầu, kịch cà phê ra đời với thành phần chủ lực của các nhóm kịch là những diễn viên trẻ sống bằng đam mê, chưa vướng bận nhiều đến chuyện mưu sinh nên các vở diễn của họ hừng hực lửa sáng tạo, đề tài được khai thác rất mới lạ. Nhưng khi kịch cà phê ăn nên làm ra, nhất là khi các nhóm tấu hài hết đất sống kết hợp với kịch cà phê thì “mùi tiền” đã chi phối họ.
NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng cho rằng: “Nhiều nhóm xuất hiện thì loại hình này sẽ bão hòa. Do tính chất biểu diễn du mục, đầu tư cảnh trí và đạo cụ rất hạn chế nên phần nhiều vở kịch cà phê lấy nội dung lấp liếm thủ pháp dàn dựng. Chính vì làm nghề một cách ẩu tả nên kịch cà phê đã đánh mất không gian văn hóa đẹp mà nó đã tạo dựng được”.
Đạo diễn Chánh Trực phân tích: “Lực lượng diễn viên trẻ ra trường đi tìm việc luôn mang nhiều ước mơ, kịch cà phê đã là một hướng đi năng động của họ. Những gì mà kịch cà phê đang làm, trong một ý nghĩa nào đó, cũng làm phong phú thêm đời sống giải trí của người dân TPHCM, góp phần đưa sân khấu kịch đến với công chúng. Chính vì không có ý thức rèn luyện nghề nên một số nhóm kịch cà phê thỏa hiệp với các quán làm ăn gian dối, làm ẩu khiến kịch cà phê bát nháo, biến tướng như hiện nay”.
Cần chấn chỉnh NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM - thành viên Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, cho biết: “Hội đồng đã nhiều lần yêu cầu một số quán cà phê có dàn dựng kịch biểu diễn với nội dung chưa phù hợp phải gia cố lại cốt truyện kịch mới cấp phép biểu diễn. Nhiều vở đã được hồi đồng đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM không cấp phép, yêu cầu phải chỉnh sửa, phúc khảo lần 2. Hiện nay, chỉ có một số quán kịch cà phê như: Bệt, Tâm Ngọc, Vườn Tình Yêu… là làm đúng thủ tục xin phép phúc khảo và được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM cấp phép công diễn, còn lại đều hoạt động không phép”. Những vở diễn của kịch cà phê khi có sự quan tâm, chăm chút của hội đồng nghệ thuật, chất lượng được nâng lên. Ngược lại, các vở diễn dựng, diễn chui có nội dung không thực tế, thủ pháp dựng không còn phù hợp với không gian kịch cà phê. Để chấn chỉnh kịch cà phê, rất cần sự định hướng của cơ quan quản lý và hội chuyên ngành. |
Bình luận (0)