Các đơn vị xuất bản - in và phát hành nhận thấy có sự bất cập của một số nội dung trong điều 344 của bộ luật này, trong đó có những nội dung điều chỉnh liên quan hoạt động xuất bản về phạt tù, phạt tiền, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất bản - in và phát hành nếu được giữ nguyên đưa ra áp dụng.
Điều 344 quy định tội “Vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản” của bộ luật này gây nhiều lo ngại nhất vì người trong giới cho rằng tất cả công việc “bếp núc” hành chính để sản xuất ra một ấn bản cũng đều có thể dẫn tới nguy cơ... đi tù, như: “Không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo” (điểm a, điều 344) không hiểu rõ được là quy định về biên tập và duyệt bản thảo của NXB hay công ty liên kết xuất bản hay của nhà nước? Điểm b, điều 344 quy định: “In trên 2.000 bản đối với từng xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản...” (ở đây tự động hiểu là nhà in - đơn vị không liên quan đến việc đăng ký xuất bản, mà đáng lẽ phải là đối tượng “đặt in”). Thêm nữa, nếu đối tượng vi phạm in ít hơn 2.000 bản thì không phạm tội? Tại sao con số 2.000 bản lại cấu thành tội hình sự? Căn cứ vào nghiên cứu nào để ấn định con số 2.000? Giả sử đối tượng đặt in 2.000 ấn bản nhưng cũng chỉ là một đầu sách bình thường thì sẽ không thể ảnh hưởng đến người đọc như 500 hoặc 1.000 ấn bản có nội dung vi phạm, được truyền tay nhau phát tán với số lượng photocopy sau đó sẽ không thể kiểm soát?
Điểm e, điều 344 quy định: “Không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm” có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm khiến bà Nguyễn Thị Hồng Vân (Giám đốc NXB Chính trị Quốc gia Chi nhánh TP HCM) phát hoảng. Bà Hồng Vân cho rằng nếu chỉ những thủ tục hành chính như thế này mà cũng quy tội hình sự thì chắc là ngành xuất bản sẽ phải đi tù... hàng loạt. Thay vì như thế, nên quy định rõ thời hạn nộp lưu chiểu là bao lâu.
“Quy định về việc nộp lưu chiểu trong bao lâu, nộp chậm thì bị phạt như thế nào đều đã rất rõ trong Luật Xuất bản - in và phát hành 2012” - ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam, khẳng định. Theo ông, đã có Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ quy định rất chi tiết, tại sao Luật Hình sự lại phải đưa thêm vào các điều khoản rườm rà như thế này? Có cảm giác người soạn thảo không hiểu gì về đặc thù công việc của xuất bản - in và phát hành. Nếu chỉ là những công việc hành chính của một ngành trí tuệ như xuất bản mà bị hình sự hóa như thế này là điều khó chấp nhận. Chúng tôi sẽ làm văn bản kiến nghị bỏ điều 344 hoặc điều chỉnh ngôn từ cho chính xác hơn, cụ thể hơn, khả thi hơn, tránh kết tội sai hoặc bỏ lọt tội phạm trong quá trình xét xử”.
Ông Lê Văn Tròn, Phó Chủ tịch Hội in TP HCM và bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB Văn hóa - Văn nghệ, đề nghị bỏ hẳn điều 344 chứ biên tập câu chữ không thôi thì e là cũng lại tự “trói” mình trong ma trận của ngôn từ. Ý kiến chung của ngành xuất bản là không nên hình sự hóa những công việc hành chính và cái thiếu trong Bộ Luật Hình sự 2015 lại chính là điều khoản xử tội in lậu.
Từ nhiều năm nay, các đơn vị trong ngành vẫn cho rằng tội in lậu, buôn bán sách giả nên đưa vào khung hình sự thay vì chỉ xử phạt hành chính rồi “nhẹ nhàng cho qua” khiến các “đầu nậu” tiếp tục lộng hành. Ông Lê Văn Tròn kiến nghị nên quy định in lậu là tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Bình luận (0)