- Đạo diễn - NSƯT Anh Tú: Giữa “buổi” kinh tế thị trường hiện nay, nhà hát chúng tôi không chủ trương dựng vở để bù lỗ, nhất là vở tốt nghiệp của một sinh viên! Lúc đầu, tôi tự lực cánh sinh bằng tiền túi của mình, nhưng sau khi xem, ban giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ đã quyết định đầu tư, đưa vào kịch mục chính thức của nhà hát. Tuy không bán vé ào ạt được như những chương trình giải trí Đời cười nhưng Kiều Loan được xem là vở có số suất biểu diễn nhiều nhất so với các vở thuộc “chủng loại” khó xem khác. Thành công nằm ngoài sự mong đợi của tôi.
Thật ra, tôi gặp được Kiều Loan là một duyên may. Đang lúng túng, chưa biết tìm đâu ra kịch bản hay để làm vở tốt nghiệp (vì tôi muốn vở thi của mình phải tạo được ấn tượng mạnh mẽ với hội đồng chấm thi), một hôm, tôi tình cờ đọc trong một tạp chí bài nói chuyện của nhà thơ Tố Hữu, trong đó có đoạn ông đề cập đến vở kịch Kiều Loan của nhà thơ Hoàng Cầm, rằng một vở hay như vậy sao không thấy nhà hát quốc gia nào ở trong nước dàn dựng. Tôi bèn ra nhà sách tìm và thấy Kiều Loan nằm trong Tuyển tập thơ và kịch của Hoàng Cầm. Đọc xong là mê ngay! Tôi ấp ủ “nàng” đúng một năm mới cho lên sàn. Lý do là nguyên tác Kiều Loan của Hoàng Cầm nếu diễn sẽ dài đến... 5 giờ đồng hồ. Tôi đã đến gặp cụ để xin được cắt xuống còn 2 giờ. Tuy chứng bệnh tai biến khiến cụ nằm liệt mấy năm nay song đầu óc vẫn còn minh mẫn lắm. Một già, một trẻ làm việc rất say mê. Điều làm tôi “sướng” nhất là sau khi xem vở diễn, cụ tươi cười bảo: “Tú cắt giỏi quá, từ 5 tiếng còn 2 tiếng mà thấy nội dung kịch vẫn đầy đủ!”. Được làm việc với vở kịch hay như Kiều Loan và với một người hiểu biết sâu sắc như cụ Hoàng Cầm là điều quá may mắn đối với tôi.
. Điều gì ở Kiều Loan đem lại cho anh sự hứng thú?
- Kiều Loan là một cô gái vùng Kinh Bắc, có chồng theo chúa Nguyễn vào Nam mở mang bờ cõi. Mười năm chia ly biền biệt không một cánh nhạn hồi âm, cô bèn tay nải xuôi Nam tìm chồng. Nhưng người chồng giờ đã mũ cao áo dài, không muốn nhìn người vợ quê xưa. Kiều Loan đã dùng thanh kiếm vốn là kỷ vật của hai người thuở mặn nồng, đâm chết người chồng phản bội. Tôi yêu thích vở Kiều Loan vì nó có tính văn học cao, lời thoại trau chuốt và ẩn chứa nhiều ý tưởng nhân văn. Số phận con người ở đây được trao gửi vào nhiều tình huống kịch hấp dẫn. Kiều Loan nhắc cho chúng ta nhớ lại bài học tình nghĩa: Dù thời gian và không gian có biến chuyển, xê dịch đến đâu thì con người cũng cần phải thủy chung, đừng bao giờ để mất đi cái tình. Sau hai tháng quần quật trên sàn tập, ngày ra mắt, Kiều Loan đã nhận được nhiều sự đồng cảm. Lẽ ra, vở diễn phải có mặt gần 40 diễn viên nhưng vì đường sá xa xôi, chúng tôi đã giảm bớt “nhân sự” của vở khi vào Nam. Song các diễn viên chính như Quách Thu Phương (Kiều Loan), Xuân Tùng (Vũ tướng quân), Đức Khuê (lão quan)... đã thật sự xuất thần, góp phần thành công cho vở diễn. Một điều vui khá bất ngờ là một nhóm nghệ sĩ đã từng diễn vở Kiều Loan ở Sài Gòn trước năm 1975, biết tin tôi dựng vở này đã gọi điện thoại làm quen và cho biết đang nóng lòng chờ xem Kiều Loan của tôi để cùng nhau trao đổi, học hỏi.
. Vì sao vẫn đang là ngôi sao sáng ở sàn diễn, Anh Tú lại bỏ ngang để đi học đạo diễn? Phải chăng đó đang là “mốt” cho những diễn viên lâu năm?
- Không phải “mốt” mà là một bước tiến tất yếu cho những ai muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sân khấu. Có thể nói, con đường diễn viên của tôi hạnh phúc vì may mắn có được làm toàn vai hay như Trần Cảnh (Rừng trúc), Vũ Như Tô (Vũ Như Tô), Macbeth (Macbeth). Tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng lại rất giàu có về tinh thần. Nhưng là một diễn viên, tôi chỉ gửi gắm qua một vai diễn, trong khi là đạo diễn, tôi có thể gửi gắm nhiều hơn thế nữa. Vả lại, bản chất tôi là người thích đương đầu với những thách thức lớn hơn nữa. Mất một chút thời gian (4 năm) nhưng thu lượm được thêm nhiều kiến thức. Học đạo diễn rồi, quay lại diễn những vai cũ trước đây, tôi thấy mình diễn hay hơn, sống với nhân vật sâu sắc hơn.
. Chuyến vào Nam lần này, ngoài nhiệm vụ đoàn trưởng và đạo diễn vở Kiều Loan, Anh Tú hẳn vẫn xuất hiện trên sàn diễn để đáp lại lòng trông đợi của các các “fan” chứ?
- Tôi tự thấy mình đã đến lúc lui ra sau để cho lớp trẻ tiến ra phía trước nên cũng chỉ đóng những vai thuộc dàn bao thôi, như vai giám đốc công an trong vở Tiếng chuông (tác giả Hữu Ước), một trong ba ông con rể trong vở Nhà có ba chị em gái (tác giả Nguyễn Thu Phương) và diễn với NSƯT Minh Hằng trong tiểu phẩm hài Đối thoại ngắn.
Bình luận (0)