Hơn 40 năm gắn bó với nghề, Kiều Mai Lý nghiệm ra một điều: “Khán giả thích hiện nay là hài tình huống, chứ không phải ra sân khấu "xổ" tứ tung. Nếu khán giả quay lưng, không ủng hộ tiếng cười rẻ tiền, tôi nghĩ sự bát nháo tức khắc sẽ chấm dứt. Năm nay, Sở VH-TT và DL TP HCM đã làm tốt trách nhiệm kiểm định tiểu phẩm, cấp phép hành nghề, nhờ vậy mà chuyển hóa được tấu hài từ cương ẩu, cương bậy đi vào nề nếp”.
Có lẽ nhờ vốn sống tích lũy qua nhiều năm làm nghề mà chị ngày càng rắn rỏi, vững chải với nụ cười tươi rói. Chất lẳng trong nét diễn của chị lúc nào cũng chua ngoa đáo để, song không đến mức khó chịu, khô khan. Người xem có thể ghét nhân vật chị đóng nhưng rồi lại thương ngay vì sự ăn năn. Có người cho rằng chị bê nguyên xi cá tính đời thường của mình lên sàn diễn nhưng không đúng chút nào, vì ngoài sàn diễn, Kiều Mai Lý rất đỗi khiêm tốn, chung thủy và hết lòng với nghề.
Nói về cuộc đời mình, chị kể từ nhỏ đã sống với ba mẹ nuôi. Ba nuôi của chị làm thợ mộc ở Ba Son, hai vợ chồng già nhưng không có con nên xin chị làm con nuôi. Ban đầu, chị bị ba má ruột cấm đoán chuyện tơ tưởng nghề “hát xướng” nhưng về sau lại được sự hậu thuẫn của ba mẹ nuôi, đi học ca với thầy Năm Đồng ở Gia Định.
Sau hai năm học ca, thạo 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán và các bài Long Đăng, Vạn Giá, Ngũ Đối Thượng, Xàng Xê...chị theo thầy đi ca tài tử. Chính thầy Năm Đồng đã đặt nghệ danh Kiều Mai Lý (chị tên thật Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1949 tại Gia Định) và từ sân chơi đờn ca tài tử cải lương đầu năm 1965, chị được ông bầu Minh Há mời về hát cho đoàn Hoa Xuân.
Nghệ sĩ Kiều Mai Lý luôn thích tìm những nhân vật khó diễn, được chuyển đổi tâm lý liên tục, biến hóa bằng nét diễn, lời ca. Điểm lại chị có rất nhiều vai ấn tượng qua các vở trên sân khấu Dạ Lý Hương trước đây: Người săn người, Nạn con rơi, Bốn triệu đô la một bộ trà, Men rượu hương tình, Gái nhảy, Đời là một chữ T...
Nghệ sĩ Kiều Mai Lý tâm sự: “Chọn nghề hát, cái giá tôi phải trả không nhỏ, đó là tuổi thơ xa gia đình. Nhiều đêm tôi khóc ròng vì nhớ nhà. Hễ mỗi lần ghe hát đi qua các tỉnh miền Tây, thấy xa xa hình dáng mấy bà má Nam Bộ đầu đội khăn rằn là tôi nhớ hai người mẹ của mình. Bù lại, tôi được Tổ đãi một bước leo lên ngôi vị đào chánh. Vai đầu đời là Lan Chi trong vở Nửa quãng đường tình. Nghĩ cũng lạ, từ nhỏ đến lớn chưa biết yêu là gì, vậy mà phải khóc, cười với cuộc tình bất hạnh. Một năm sau tôi về đoàn Minh Luông - Thùy Lan, rồi đoàn Minh Cảnh cho đến khi về đoàn Dạ Lý Hương”.
Chị không phải là người kén vai, với anh kép nào cũng tạo được sự ăn ý trên sân khấu. Đến năm 1973, chị lập gia đình với anh Nguyễn Văn Giỏi, làm việc tại Sở Giao thông công chánh.
Năm 1976, nghệ sĩ Kiều Mai Lý và ông xã đã đánh liều lập gánh hát với bảng hiệu Tây Giang – Kiều Mai Lý. Vợ chồng chị muốn lập gánh hát là để tạo công ăn việc làm cho những người thân trong gia đình, hơn nữa ông xã muốn chị thực hiện ước mơ được làm nghệ thuật đúng nghĩa.
Nhưng đoàn chỉ diễn được 10 tháng thì lệnh cấm nhập các tỉnh khác đã “giết chết” nhiều đoàn cải lương, trong đó có gánh của chị. Thấy chị buồn đòi tự tử, ông xã đã khuyên: “Người còn của còn, có đói rớt mồng tơi tôi cũng chấp nhận sống đến cuối đời với bà và con”. Trên thực tế ông xã chị đã chia sẻ với vợ rất nhiều niềm vui, nỗi buồn.
Kể về “tiếng sét ái tình” đời mình, nghệ sĩ Kiều Mai Lý cười: “Ngày mới về hát ở đoàn Dạ Lý Hương, đêm nào tôi cũng được tặng hoa và danh thiếp mời đi ăn tối nhưng không nhận lời một ai. Giai đoạn này, má nuôi tôi bắt đầu đi theo để quản lý tôi. Cho đến một hôm, tôi đến dự đám cưới một cô bạn thân ở nhà hàng Kim Thành - Chợ Lớn. Tự dưng trong bữa tiệc có một ông khách mon men theo tôi làm quen, tặng một cành hồng. Không biết có là tiếng sét ái tình không nhưng ba tháng sau chúng tôi tiến đến hôn nhân. Tôi thương ông xã tính khiêm tốn, cẩn trọng trong mọi việc. Từ khi có bé Ngọc (tên con gái chị là Nguyễn Thị Hồng Đào), chúng tôi cảm thấy hạnh phúc được nhân đôi”.
Nữ nghệ sĩ nói thêm rằng nếu cuộc đời là bài toán khó, duyên phận vợ chồng là một lập trình hình học phức tạp. Ông xã chị chỉ là một khán giả bình thường, sau giải phóng làm tài xế xe vận tải và những năm về hưu lại “tài xế” riêng cho vợ. Ngày trước nhiều ký giả hỏi vì sao một vài anh kép rất giàu hỏi cưới lại không ưng, chị đã mượn câu vọng cổ của bác Bảy Viễn Châu trong bài Tơ duyên để trả lời: “Ta yêu nhau xa cũng như gần, đừng nên trọng phú khinh bần khó coi. Yêu nhau duyên phận mà thôi, của thì như nước hồ vơi lại đầy”.
Hiện chồng chị đã vĩnh viễn ra đi, để lại rất nhiều đau buồn. Lúc nào chị cũng nhớ đến chồng nhất là mỗi khi đi diễn tấu hài.
Đối với chị, bé Ngọc hiện nay là tất cả hạnh phúc, niềm vui. Nhiều lúc chị sợ lối sống chụp giật, rày đây, mai đó thiếu tương lai của nghề hát, cho con gái nối nghiệp sẽ khổ cực gấp nhiều lần. Hơn nữa ngày nay một số người làm nghề dễ dãi, xem sân khấu là nơi để bon chen danh vọng nên chị lo. Chị vẫn thường khuyên nghệ sĩ trẻ: “Theo nghề hát đừng bao giờ nghĩ mình đứng chữ nhất. Nhiều chữ nhất lắm: nhất bậy, nhất chảnh, nhất ẩu...nếu không giữ được cân bằng, bị dính vào những cái nhất đó thì đáng tiếc lắm”.
NSƯT Bảo Quốc nhận xét về người bạn diễn thân thiết: “Nói về cải lương, Kiều Mai Lý là đào lẳng có nhiều vai diễn đem lại tiếng cười và sự xót thương. Nhân vật của chị phần lớn rất "đoản" trên sàn diễn. Có khi chỉ lướt qua sân khấu, có lúc chỉ là một điểm nhấn nhỏ nhưng nếu thiếu khó mà tạo được vở diễn sinh động. Từng là một cô đào chánh, nắm cả đoàn với vai trò bà bầu, Kiều Mai Lý hiểu nghề, trọng nghề và trọng bản thân mình nên chị được Tổ thương. Từ khi chuyển sang hài chị càng duyên dáng, đa dạng hơn trong diễn xuất”.
Bình luận (0)