NSND Kim Cương: Cô Diệu đã sống trong một đất nước hòa bình, độc lập.
Cùng với niềm vui lớn của cả dân tộc và nhân dân thành phố, giới sân khấu đã lóe lên tia hy vọng sau những tháng năm dài u ám. Tôi nhớ ngày 30-4-1975 khi hay tin Sài Gòn giải phóng, đông đảo nghệ sĩ, soạn giả, những người của ngành sân khấu ào ạt đổ về đường Nguyễn Du, trụ sở tạm thời của ngành văn nghệ. Tôi nhớ anh Rum Bảo Việt, Ba Thành, Mai Quân thuộc Ban văn hóa L.71 (tức T.4 cũ) đã dời trụ sở về 218 A Pasteur và xúc tiến việc tập hợp văn nghệ sĩ, nhất là giới sân khấu để thực hiện việc tổ chức biểu diễn. Tất cả những nghệ sĩ kỳ cực của ngành sân khấu đều có mặt rất sớm như: Nam Sơn, Viễn Khách, Thu An, Huy Trường, Ngọc Linh, Viễn Điền, Hoa Phượng, Ngọc Hương, Thanh Nga, Hà Triều…trong đó má tôi – NSND Bảy Nam, má Bảy Phùng Há là hai nghệ sĩ tiên phong trong việc cùng với các đồng chí Ban Văn hóa L.71 tiếp thu cơ sở vật chất, rạp hát, xưởng phim…Đồng thời tôi cùng với nhiều anh em đã thiết lập danh sách nghệ sĩ, tiến hành những đợt cứu trợ cần thiết cho anh em nghệ sĩ trong giới, góp phần vào hoạt động của ngành, không để sàn diễn ngơi nghỉ quá lâu sau ngày hòa bình thống nhất.
Chúng tôi rất vui mừng khi các đoàn nghệ thuật từ chiến khu như: đoàn cải lương giải phóng, đoàn ca múa nhạc quân giải phóng, đoàn Văn Công T.4 “tay súng, tay đàn” tiến về Sài Gòn. Các đoàn nghệ thuật từ phía bắc về như: Ca múa nhạc Thủ đô, Tổng cục chính trị, Không quân, Hải quân, Ca múa nhạc Hải Phòng, đoàn cải lương Nam Bộ, đoàn Chuông vàng thủ đô…Ai ai cũng dâng trào niềm xúc động khi Nam Bắc một nhà, nghệ sĩ ở các trận tuyến đã có dịp tay bắt mặt mừng. Chúng tôi chia nhau mỗi người một việc, lo liệu điểm diễn, tiếp tế nhiên liệu, tổ chức nơi ăn ở sinh hoạt. Nhiều chị từ chiến khu gặp tôi bảo: “Nghe giọng Kim Cương trên đài Radio thoại các vở kịch Lá sầu riêng, ai cũng nghẹn ngào ao ước có ngày được gặp cô Diệu…”. Suốt mấy tháng sau chúng tôi đã tạo ra một bầu không khí phấn khởi trong quần chúng qua đủ các thể loại biểu diễn.
NSND Kim Cương và các cán bộ cách mạng làm công tác sân khấu: Mai Quân, Phi Hùng, Minh Trị trong ngày họp mặt 30-4-1998
Chúng tôi đã nhận được sự định hướng đúng đắn của các cấp lãnh đạo văn nghệ thời đó, để tự lực giải quyết nhu cầu được biểu diễn để nuôi sống đời sống nghệ thuật chứ không nhất thiết phải cần cứu trợ. Thành ủy TPHCM thời đó đã thổi một luồng sinh khí mới cho toàn ngành sân khấu. Đoàn kịch nói Kim Cương đã thật sự khởi động trong niềm hân hoan của cả nước, tôi nhớ suất diễn đầu tiên vở Lá sầu riêng trong tháng 4 đã thu hút hàng ngàn người xem, trong đó có đông đảo giới văn nghệ sĩ của mọi miền đất nước. Có anh đợi hết suất diễn đến bắt tay tôi và khóc: “Cô Diệu là hiện thân của phụ nữ Nam Bộ muốn được sống trong hòa bình, ấm no và thực hiện nguyện vọng làm vợ, làm mẹ mà bất cứ người phụ nữ nào cũng được quyền sống. Kim Cương ơi, cô diễn thật tuyệt vời, tôi đã khóc cho bi kịch đời Diệu, vì cô Diệu đã thật sự sống trong một đất nước hòa bình, độc lập”.
• NSND Lệ Thủy: Sân khấu cách mạng có nhiều tác phẩm định hướng
Tôi nhớ sau ngày 30-4-1975, Ban văn hóa L.71 đã được đổi thành tiểu ban văn nghệ thuộc ban tuyên huấn Thành ủy do chú sáu Chiến (Rum Bảo Việt) phụ trách. Soạn giả Mai Quân làm trưởng ban sân khấu, bộ phận này trở thành Ty sân khấu từ tháng 8-1975. Thời đó đoàn cải lương Sài Gòn 1 do soạn giả Nguyễn Đạt làm trưởng đoàn với sự chỉ đạo của các nghệ sĩ tiền phong như: Ba Vân, Năm Châu, Phùng Há…đã tập hợp chúng tôi lại để trình diễn ba vở tuồng nổi tiếng: Phụng Nghi Đình, Sân khấu về khuya và Đời cô Lựu.
Sự thành công của đoàn Sài Gòn 1 đã là cánh buồm thuận lợi để các “con thuyền” sân khấu tiếp tục ra khơi như: Kịch nói Kim Cương, cải lương Thanh Minh – Thanh Nga, Sài Gòn 2, Văn công TP, Sài Gòn 3, Minh Tơ, Huỳnh Long, rồi đoàn Sống chung, Bông Hồng, Hương miền Nam. Lúc bây giờ đoàn cải lương Nam Bộ và đoàn cải lương giải phóng sát nhập lại thành Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, đoàn kịch nói Nam Bộ đổi tên đoàn kịch nói Cửu Long Giang. Khán giả đã đến xem chật rạp. Lực lượng diễn viên từ lâu phân tán khắp nơi nay qui tụ về TP. Một hướng đi mới đã được mở ra cho các đoàn nghệ thuật. Sân khấu cách mạng đã thật sự định hướng đời sống sân khấu. Chúng tôi được làm quen với hai từ đạo diễn. Trước đây chỉ có thầy tuồng là soạn giả vừa viết, vừa chỉ đạo diễn xuất, nay có các anh, các chú đạo diễn được đào tạo tại các nước Châu Âu như: Ngô Y Linh, Huỳnh Nga, Minh Trị, Thành Trí, Đoàn Bá, Chi Lăng, Minh Quân, Tường Trân, Ca Lê Hồng, Văn Thành, Hoàng Sa, Bạch Lan, Thành Ý, Tiến Vinh, Ngô Thị Hồng, Bá Huỳnh, Ngọc Bé…đã là thế hệ đạo diễn chịu nhiều cực khổ trong những ngày đầu thống nhất sân khấu.
Tôi nhớ lúc bây giờ sân khấu cải lương đã ra quân với nhiều kịch bản được chỉnh sửa kịp thời, mang tầm tư tưởng cao và gởi gắm đến người xem thông điệp mới của sân khấu cách mạng như: Lỡ bước sang ngang, Tấm lòng của biển, Mái tóc người vợ trẻ, Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo…Tuy nhiên vấn đề boăn khoăn lớn nhất của giới và lãnh đạo sân khấu là đổi mới nội dung, kỹ thuật kịch bản. Từ nỗi lo này mà sân khấu TP bắt đầu chuyển mình. Đoàn văn công TP đi đầu trong công tác định hướng tác phẩm ca ngợi cách mạng.
Đoàn đã dựng kịch bản “Bạo chúa” của tác giả Lê Duy Hạnh. Đạo diễn Văn Chiêu là người đã phả những sáng tạo mới cùng với tư tưởng chính trị cho chúng tôi qua các tác phẩm này. Để từ đó, năm 1976 đồng loạt các đoàn cải lương ra trận với: Người ven đô (Sài Gòn 1) với chị Phượng Liên, cậu mười Út Trà Ôn, anh Thành Được...; Ánh lửa rừng khuya, Tìm lại cuộc đời (Sài Gòn 2) với Thanh Tuấn, Ngọc Bích, Giang Châu, Diệp Lang, Tư Rợm…; Một cuộc giải phẫu (Sài Gòn 3), Lửa phi trường (Hương mùa thu), Dưới cờ Tây Sơn (Minh Tơ), Đường về núi Lam (Huỳnh Long)….Tôi vinh dự được sống trong 41 mùa nắng ấm, 41 mùa quê hương hòa bình, hạnh phúc. Người nghệ sĩ cách mạng đã được toi luyện trong gian khổ, truyền đạt kinh nghiệm sống để cống hiến và để nun nấu mình. Tôi tự hào là người nghệ sĩ của nhân dân đất nước tự do, độc lập.
• NSND Thanh Tòng: Trưởng thành trong sân khấu cách mạng
Những ngày sau giải phóng sân khấu TP nở rộ lên sự hiện diện của các đoàn nghệ thuật mới, đủ bản lĩnh thay đổi cục diện sân khấu với lối mòn trong ca diễn trước đó. Các đạo diễn, tác giả được đào tạo ở Liên Xô, Đức và các nước xã hội chủ nghĩa đã về Sài Gòn – TPHCM và đẩy sân khấu lên với sự định hướng của Đảng là đổi mới tư duy khối biểu diễn sân khấu. Chúng tôi đã làm quen với sự đổi mới đó từ khâu đầu tư sáng tác kịch bản cho đến việc tiếp cận những vốn quý của khoa học kỹ thuật. Hàng đêm có hơn 15 đoàn nghệ thuật biểu diễn mà khán giả vẫn thừa bên ngoài sân khấu. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của nghệ thuật cách mạng đã đưa đến quần chúng những món ăn tinh thần mới lạ.
Trước đây khi nghề hát bị khinh bạc, bị đối xử thô bạo trong chế độ cũ, các đoàn hát phải thay đổi vở diễn liên tục, còn những năm tháng trong hòa bình, độc lập, hiện tượng một vở diễn sống ba bốn năm mà xuất hát nào cũng chật rạp. Tôi nhớ để đề phòng cuộc khủng hoảng kịch bản, những trại sáng tác kịch bản ngắn hạn đã được mở ra liên tiếp. Trại đầu tiên mở ở Vũng Tàu qui tụ nhiều cây bút chiến đấu của sân khấu TP như: Hoa Phượng, Hà Triều, Lê Duy Hạnh, Hoàng Khâm, Thiếu Linh, Ngọc Linh, Thu An, Điêu Huyền, Huy Trường, Hoài Linh, Kiên Giang, Việt Thường, Phi Hùng, Trương Quốc Khánh, Trần Hà, Xuân Phong, Yên Trang…đã tập hợp lại để ghi nhận sự truyền đạt kinh nghiệm sáng tác kịch bản cách mạng của các chú: Ngô Y Linh, Bích Lâm, Đình Quang…Từ trại sáng tác này bộ mặt sân khấu TP đã bừng sáng với nhiều kịch bản hấp dẫn người xem, truyền đạt đến công chúng tư tưởng chính trị, ý nghĩa xây dựng đất nước bằng khối óc, bàn tay lao động cần cù. Sự đoàn kết thống nhất của giới sân khấu đã đem lại niềm tin yêu cho nghệ sĩ suốt 41 mùa xuân qua. Bản thân tôi đã được các chú, các bác lãnh đạo sân khấu cho theo học lớp tập huấn sáng tác để từ đó có thể viết những kịch bản ca ngợi lịch sử, góp phần định hình sân khấu cải lương tuồng cổ. Nhờ sân khấu cách mạng mà bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ đã không bị mai một.
Bình luận (0)