icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kim Cương và cuộc kỳ ngộ sau 51 năm...

Thanh Hiệp ghi

Cuối tháng 4-2006, trong chuyến đi từ thiện cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, NSƯT Kim Cương đã gặp lại nguyên mẫu của nhân vật Út Trọng trong vở Máu thắm đồng Nọc Nạn.

Như vậy là sau 51 năm họ gặp nhau từ khi vở cải lương nổi tiếng này công diễn năm 1955 Cuộc kỳ ngộ này đã làm kỳ nữ Kim Cương mất ngủ nhiều đêm liền. Chị hồi tưởng đến câu chuyện máu thắm đồng Nọc Nạn, một vụ án xảy ra ngày 16- 2-1928 đã từng gây xôn xao khắp Đông Dương dưới thời Pháp thuộc, về cái chết đẫm máu của gia đình anh em Biện Toại.

Tuổi 19 và vai cô Út Trọng

Năm 1955, lúc 19 tuổi, chị đã đóng vai cô Út Trọng trên sân khấu Đoàn Cải lương Năm Phỉ. Đó là người con gái can đảm, kiên cường đã quyết cầm dao đứng lên chống bọn thực dân đòi quyền bình đẳng cho người nghèo khổ. Và bất ngờ thay, chuyến về Nọc Nạn năm nay chị được đến đồng Nọc Nạn thuộc xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu và gặp mặt người con gái kiên cường ấy. Giờ thì cô Út Trọng đã là một cụ bà 93 tuổi, độ tuổi gần đất xa trời nhưng bà không quên một chi tiết nào về cái chết thảm khốc của gia đình mình.

Kể lại với chúng tôi trong nỗi xót xa, kỳ nữ Kim Cương nói: “Bà cụ sống hiu quạnh bên mái nhà lá đơn sơ, cách khu nghĩa trang vài trăm mét. Nơi đây chính quyền địa phương đã xây dựng một nghĩa trang nhỏ có 9 ngôi mộ, toàn những người thân của bà đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất mà họ đã khai hoang, bị bọn chủ điền tàn ác và thực dân phong kiến cướp đoạt. Bà Út run run kể cho tôi biết, mỗi năm cứ đến ngày giỗ của họ, bà lần mò ra khu nghĩa trang thắp hương. Ở tuổi 19, khi đọc kịch bản tôi chỉ mới hiểu được nỗi đau của một gia đình tá điền bị đàn áp, dẫn đến việc chẳng đặng đừng phải đổi mạng để bảo vệ đất, chứ chưa hiểu thấu ý nghĩa của sự vùng lên mang tính tự phát của những nông dân muốn làm cách mạng”.

Câu chuyện đẫm máu và nước mắt

Ngược về quá khứ, kỳ nữ Kim Cương còn nhớ một bài vè mà chị đã từng đọc trong vở kịch Máu thắm đồng Nọc Nạn:

“Lục tỉnh có hạt Ba Xuyên

Bạc Liêu chữ đặt, bình yên dân rày

Mậu Thìn vốn thiệt năm nay

Một ngàn hai tám, tiếng rày nói vang.

Phong Thạnh vốn thiệt tên làng,

Giá Rai là quận, chợ làng kêu chung

Anh em Biện Toại công khùng

Bị ranh điền thổ, rùng rùng thác oan...”.

Câu chuyện kể về vụ tranh chấp đất mà bà Út Trọng là nhân chứng lịch sử còn sống sót trong thảm kịch đó. Bà Út kể với kỳ nữ, năm 1908, ông nội của bà đến rạch Nọc Nạn để khai hoang trên diện tích 73 mẫu tây. Khi ông nội qua đời đã để lại đất đai cho con trai là Hương chánh Luông. Năm 1910, ông Luông - cha của bà - khai hoang, mở rộng thêm diện tích nhưng huê lợi không cao vì heo rừng, chuột bọ quậy phá. Thời đó dân còn thưa thớt, tỉnh Bạc Liêu hẻo lánh, nên việc đo đạc ruộng đất để lập bộ rất chậm. Đến năm 1911, ông nội bà làm đơn xin khẩn chánh thức 20 mẫu và chịu đóng thuế trên diện tích này. Sáu năm sau ông được cấp một biên lai tạm với diện tích 68 mẫu 45 (bằng khoán số 303 cấp

img
NSƯT Kim Cương trước hàng mộ của gia đình bà Út Trọng

ngày 7-8-1916). Khi ông Luông mất, Biện Toại là anh trai của bà, kế thừa bằng khoán tạm ấy. Tưởng công việc làm ăn ổn định, dè đâu năm 1917 có một người Hoa tên bang Tắc (tên thật là Mã Ngân) đã dùng mưu chiếm đoạt đất của gia đình bà. Ông này mua đất của bà Nguyễn Thị Dương, vùng đất giáp ranh đất của gia đình bà. Vì biết đất đai ở Nọc Nạn đa số đều có biên lai tạm, nên bang Tắc yêu cầu viết vào giấy mua bán đất nội dung: “Bán luôn phần đất mà anh em nhà Hai Luông đang canh tác”. Lập tức bang Tắc hăm he đòi gia đình bà phải nộp thuế đất, vì trên giấy tờ đất đai này thuộc sở hữu của ông ta. Anh trai bà đã cất công lên huyện rồi lên tỉnh, thậm chí gửi đơn thưa kiện lên thống đốc Nam Kỳ, nhưng quan phủ đã không xét, lại còn ép anh bà chấp nhận chia đôi số đất, một nửa đưa cho bang Tắc, một nửa còn lại thuộc gia đình bà. Bất công đến mức này, gia đình bà đã đứng lên đấu tranh.

Cuộc chiến đấu một mất một còn

Ngày 16-2-1928, sau nhiều lần lính tây và quân của quan phủ đến đòi giật sập nhà, đồng thời xúc hết số lúa vừa gặt ước tính gần 500 giạ đang phơi của gia đình bà ở cánh đồng Nọc Nạn, anh em bà gồm: Biện Toại, Mười Chức, Liễu, Nhịn và dâu rể, con cháu đã làm lễ tế sống mẹ của bà trước cuộc đấu tranh sinh tử. Kỳ nữ Kim Cương nói trong nước mắt: Tôi nghe bà Út kể đến đây thì nghẹn ngào nhìn chiếc lư hương sậm màu thời gian. Chính chiếc lư hương này ngày đó anh em bà đã thắp hương khấn nguyện vong hồn ông nội và cha về chứng giám cho cuộc đấu tranh đòi quyền được làm chủ trên mảnh đất do tổ tiên khai phá. Bà Út rưng rưng kể: Sau khi thắp hương xong, anh em bà quỳ lạy mẹ lần cuối rồi trích máu vào tô, pha với rượu, thề quyết sống chết với giặc tây. Để thi hành kế hoạch, anh trai bà đưa ra một kiến nghị: Tất cả các thành viên trong nhà trừ mẹ, mỗi người phải rút một lá thăm, lá thăm đó là những tờ giấy có quẹo dấu thập bằng máu. Ai bốc trúng sẽ là người cầm mác ra chặt đầu bọn tây trước. Cả hai lần bà Út Trọng đều rút trúng chiếc thăm đó. Lần đầu anh bà không chịu, vì nói bà là con gái không thể đối đầu với giặc. Nhưng lần thứ hai bà lại là người được vong hồn ông nội, cha chọn lựa. Bà Út bịt khăn tang, quỳ lạy mẹ trong tiếng kêu khóc thảm thiết của cả nhà.

Hừng sáng hôm đó, bà cầm cây mác ra bồ lá đứng chờ giặc tây. Đúng 7 giờ sáng, hai tên cò tây là Tournier và Bouzou cùng 4 lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay với hương chức làng trong việc thi hành án của tòa. Họ nhìn thấy bà đứng bên bồ lúa mặt lạnh như tiền, tên quan Tournier đuổi bà về và yêu cầu anh trai bà ra chứng kiến cảnh đong lúa. Bà dõng dạc bảo: “Sống chết gì cũng ở đây”. Tên quan Tournier dùng báng súng đập vào đầu làm bà bất tỉnh. Thấy em gái mình ngã xuống, anh em nhà Biện Toại xông ra chém 2 tên quan tây và lính mã tà (sau này đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã đưa câu chuyện Máu thắm đồng Nọc Nạn vào phim Đất phương Nam). Bà Út Trọng vì bị thương nên sống sót. Sau khi tỉnh dậy, bà nhìn thấy mẹ đang ngồi thất thần bên xác các con cháu, bà hóa điên, hóa dại nhiều tháng liền.

Giờ đây, bà Út không có chồng con, vẫn sống bên cạnh phần mộ những người thân yêu của mình. Dân làng Nọc Nạn kể, đêm đêm bà thường ra nghĩa trang trò chuyện với anh em, con cháu. Kỳ nữ Kim Cương tự hào: Tôi vinh hạnh được gặp bà - một nhân vật tôi đã từng thể hiện thành công trên sân khấu. Khi nghe tôi kể về vai diễn đó, bà cười, nụ cười nhân hậu: “Mày diễn vai tao trên sân khấu hả? Tao hổng có anh dũng như vậy đâu. Vong hồn ông nội tao xúi biểu đó. Là con cháu của những người khẩn hoang đất này, nếu để Nọc Nạn mất là đất nước mình trước sau cũng mất”.

Tiếng vang của vở Máu thắm đồng Nọc Nạn

imgKịch bản Máu thắm đồng Nọc Nạn của đoàn Cải lương Năm Phỉ đã diễn ra hơn nửa thế kỷ trước, mà theo lời NSƯT Kim Cương đó là năm 1955, lúc chị 19 tuổi. Tác giả kịch bản là ông giáo Út, và chính cô Năm Phỉ là người dàn dựng vở diễn này. Bảng phân vai thời đó gồm có: bà Năm Phỉ (vai người mẹ), nghệ sĩ Thanh Tao (vai người anh cả), nghệ sĩ Bảy Thành (vai hương quản), cô Kim Tuyến (vai người chị thứ ba), nghệ sĩ Nam Sơn, Hoàng Dưỡng... trong các vai khác.

Điều đáng nói là hầu hết các nghệ sĩ tham gia vở diễn đều đã qua đời. Một thời, vở cải lương này đã tạo làn sóng trong đời sống nông dân các tỉnh ĐBSCL. NSƯT Kim Cương còn nhớ cảnh diễn cuối, lúc cô Út Trọng lạy mẹ để đối đầu với giặc Pháp đã làm cho nhiều khán giả khóc ròng. Có suất diễn, bà con nông dân thời đó đã lao lên sân khấu ôm cô Út Trọng bày tỏ sự cảm kích. Suất hát phải ngưng diễn để ổn định trật tự vì khán giả quá nhập tâm với câu chuyện. Có suất diễn tại Trà Vinh, cò tây đã ra lệnh trục xuất gánh Năm Phỉ, cấm không cho hát tuồng chống đối người Pháp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo