Từ tháng 5-2016, nhiều phim có yếu tố liêu trai, kinh dị ra rạp, phục vụ khán giả Việt. Ngoài phim Việt còn có sự góp mặt của phim đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan có cùng thể loại.
Mang đến sự ám ảnh
Sau “Bao giờ có yêu nhau”, sắp tới, khán giả Việt sẽ được xem 2 phim thể loại pha trộn kinh dị, trinh thám, hài, ngôn tình... là “Ma nữ báo thù” và “Mặt nạ máu”. Theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, phim “49 ngày” (đạo diễn: Nhất Trung) có kế hoạch làm phần 2, phần 3. Đạo diễn Vĩnh Khương cho biết “Ma nữ báo thù” cũng là phim pha trộn giữa kinh dị, tình cảm, hình sự chứ không thuần kinh dị.
Không hoàn toàn thuộc thể loại phim kinh dị thuần túy như trước, các phim thể loại kinh dị ngày nay pha trộn nhiều yếu tố. Chất ngôn tình được đưa vào câu chuyện bên cạnh yếu tố kinh dị, liêu trai nhằm mang đến sự ám ảnh, day dứt cho người xem, như phim “Bao giờ có yêu nhau”. Đôi lúc, đó là tình cảm hài hước pha chút kinh dị để câu chuyện thêm hấp dẫn như phim từng đạt doanh thu tốt: “49 ngày”.
Như vậy, sau thời gian dài khai thác “hài nhảm” như một yếu tố câu khách, các nhà sản xuất phim Việt Nam đã chuyển hướng. Hẳn nhiên, yếu tố hài hước luôn cần thiết trong dòng phim giải trí nhưng nó phải được đặt trong ngữ cảnh hợp lý chứ không gượng gạo, khiên cưỡng. Theo đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, các yếu tố kinh dị, ngôn tình được đưa vào câu chuyện phim là để làm mới cái hài khi chưa tìm được cái mới trong thể loại này. Khán giả có nhu cầu, nhà làm phim đáp ứng nhưng họ cũng suy nghĩ, sáng tạo để tìm kiếm cái riêng.
Đạo diễn Dustin Nguyễn từng chia sẻ rằng chủ đề tình yêu lãng mạn luôn gần gũi với khán giả nhưng mỗi đạo diễn có cách trình bày, thể hiện khác nhau. Một câu chuyện tình lãng mạn thêm chút liêu trai sẽ tạo sức hút hơn.
Đi tìm “gu” riêng
Sự kết hợp nhiều yếu tố có cả kinh dị trong một phim sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu thưởng thức đa dạng của khán giả vì có nhiều thể loại, tính giải trí cao.
Ngoài ra, cách làm này giúp phim Việt thử nghiệm nhiều hình thức để dần tìm “gu” riêng ở thể loại kinh dị. Có thể thấy kinh dị lâu nay vốn là dòng phim mạnh, được nhiều nhà sản xuất, đạo diễn Việt lựa chọn để thử sức nhưng vẫn ở dạng học hỏi, chưa tìm được “gu” riêng. So với dòng phim kinh dị của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan..., phim thể loại này của Việt Nam vẫn bị nhận định là ở giai đoạn thử nghiệm. Đạo diễn Lê Văn Kiệt cho biết: “Làm phim kinh dị thực sự rất khó, nhất là để có thể thu hút khán giả. Việc tổng hợp nhiều yếu tố từ hài hước, trinh thám, một chút tình cảm vào kinh dị như cách làm hiện nay cũng là những thử nghiệm tốt. Nếu chúng ta không thử nghiệm, tìm kiếm thì sẽ không bao giờ biết được nó thế nào. Chúng ta nên tìm kiếm, thử nghiệm để tìm ra cái riêng của mình”.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa đang gây chú ý với khán giả với phim kinh dị “Bệnh viện ma” cho rằng phim kinh dị Việt thời gian gần đây đã có sự nâng chất hơn so với trước. Thêm vào đó, việc kiểm duyệt cũng đã “mở” hơn nên mọi người không có tư tưởng “lách” nữa, nghĩa là quay trước rồi tìm cách “lách” được là “lách”.
“Những quy định lâu nay về kiểm duyệt thể loại này phải tuân thủ như không có cảnh rùng rợn, máu me, không cổ xúy mê tín dị đoan. Chúng ta không thể làm phim kinh dị thuần kiểu chém giết, máu me khiến người khác sợ như kiểu Mỹ hay hài hước nhưng đầy yếu tố tâm linh kiểu Thái... thì nên chuyển hướng hòa trộn nhiều yếu tố để chinh phục khán giả. Đó cũng là cách sáng tạo trong dòng phim này để vẫn mới, vẫn thu hút nhưng không vượt quy định lâu nay. Trên nền kinh dị sẽ lồng ghép vào đó số phận, bi kịch của từng nhân vật, xoáy vào số phận để khi xem phim, khán giả phải bật khóc” - đạo diễn Vĩnh Khương nói.
Nhiều cái khó phải vượt qua
Một số ý kiến cho rằng phim kinh dị Việt thường dễ đoán, đi vào lối mòn bởi theo mô-típ bắt đầu bằng câu chuyện ma quỷ hù dọa nhưng cái kết thường là vạch ra âm mưu, thủ đoạn của một người nào đó. Vì chỉ có mô-típ này nên khán giả cảm thấy chán, họ lựa chọn dòng kinh dị ở các nước khác để thấy sự khác lạ hơn. Nguyên nhân sự nhàm chán này một phần cũng vì vấn đề kiểm duyệt, nếu đi chệch hướng một chút có thể sẽ không qua được khâu này nên nhà sản xuất và đạo diễn càng cân nhắc hơn.
“Đây là công việc trừu tượng, giới hạn của nó một phần nằm ở sự cảm tính, không có công thức chung nào, giới hạn cho phép đến đâu. Khi làm phim kinh dị, phải xác định tư tưởng không có ma thật, không cổ xúy mê tín dị đoan. Nếu không làm được theo đúng các quy định thì đừng làm. Còn vấn đề sáng tạo, có thể ở khâu kịch bản, mình biến hóa nhiều cách, thêm các yếu tố khác để cuốn hút người xem” - đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ.
Đạo diễn Thanh Hòa cũng cho biết làm phim kinh dị thường khó và lâu hơn các thể loại khác về bối cảnh, thời gian quay và nhất là phần hậu kỳ… Ở các nước như Mỹ, khi làm phim kinh dị, họ thường đầu tư xây bối cảnh. “Nhưng chi phí xây bối cảnh rất đắt. Phim “Bệnh viện ma” nhờ có sẵn Bệnh viện Phú Thọ xây nhiều năm bỏ hoang, xuống cấp, hợp với nội dung kịch bản nên chúng tôi chọn thuê làm bối cảnh quay” - đạo diễn Thanh Hòa bộc bạch.
Với các đạo diễn, nếu không có nhiều kinh phí, chúng ta nên bắt đầu với những gì đang có để có sản phẩm phục vụ khán giả.
Đại diện của Công ty CJ CGV Việt Nam (chiếm 40% thị trường rạp chiếu) cho biết trong 4 phim: “Bao giờ có yêu nhau”, “Bóng ma nhà hát” (Trung Quốc), “Người dịch chuyển thời gian” (Hàn Quốc), “Bangkok 13” (Thái Lan), phim “Bao giờ có yêu nhau” của Việt Nam đạt doanh thu cao nhất tại hệ thống rạp này tính đến thời điểm hiện nay.
Bình luận (0)