xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ 1: Ký ức tuổi thơ

LTS: Từ một cán bộ lãnh đạo ở cơ sở trong thời chống Pháp trở thành cảnh vệ của Bác Hồ, từ tư lệnh cảnh vệ năm xưa đến tư lệnh vệ sĩ ngày nay, cuộc đời hoạt động của Thiếu tướng Phan Văn Xoàn đã trải qua nhiều gian nan, thử thách. Cùng với những năm tháng rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cuộc đời vị tướng xuất thân từ sông nước Nam Bộ này cũng sống động những hồi ức đầy tình người.

Tình cờ một người bạn đồng nghiệp – cháu gọi ông Phan Văn Xoàn bằng ông chú – cho tôi xem bản thảo tập hồi ký của ông. Tập hồi ký đã lôi cuốn tôi từ trang đầu đến trang cuối với những tình tiết hấp dẫn về một cuộc đời. Tôi liền gọi điện thoại cho ông, nói rõ là tôi xin gặp ông khoảng hai ngày để nghe ông kể cụ thể, đầy đủ chi tiết. Từ đầu máy bên kia, ông Xoàn cười sảng khoái và vui vẻ cho tôi ngày hẹn.

... Đúng ngày hẹn, chúng tôi gặp nhau trong phòng làm việc của ông, gọi là phòng tổng giám đốc nhưng trông khá giản dị trong một tòa nhà bình thường trên đường Võ Văn Tần, TPHCM. Ông mặc bộ đồ bốn túi màu nâu đã cũ. Điều làm tôi ngạc nhiên là tuy đã tám mươi tuổi nhưng trông ông còn rất mạnh khỏe từ thể chất đến tinh thần, phong thái vẫn còn hiên ngang của một vị tướng và giọng nói, nụ cười vẫn đầy chất nhân hậu của một ông già Nam Bộ.

Ông bắt đầu kể: “Tôi sinh ngày 19 tháng 2 năm 1924 tại Cà Mau. Quê tôi là một con kinh nhỏ không tên tẽ ra từ dòng sông Rạch Rập, gần ngôi đình Tân Hưng, cách thị xã Cà Mau chừng năm cây số. Ba tôi qua đời từ năm tôi lên sáu tuổi. Nhà tôi nghèo lại không có ruộng đất. Cả ba người chị tôi lớn lên đều đi ở đợ để nuôi sống gia đình. Một hình ảnh quen thuộc qua nhiều năm tháng đã trở thành dấu ấn trong tôi là hễ sáng sớm, khi mẹ tôi lấy khúc cây chống cánh cửa cái lên là ba người chị tôi xếp hàng ra đi đến nhà chủ, mãi đến chạng vạng tối mới lần lượt trở về. Vậy mà vẫn không đủ sống, ngày nào cũng có người tới nhà đòi nợ. Họ mắng, họ chửi đủ những lời đanh đá, chanh chua. Mẹ tôi cứ năn nỉ, cứ khất dần. Ban đêm, mẹ hay nằm ôm tôi vào lòng, vừa khóc thút thít, vừa lần gỡ những con chí trên đầu tôi. Đến mùa cấy, mẹ tôi đi cấy mướn để trừ tiền công ứng trước cho chủ nợ. Cứ hừng sáng ra đi, đến khi mặt trời lặn, cúm núm kêu vang đồng bà mới lầm lũi trở về. Lần nào bà cũng mang về mấy vắt cơm gói trong chiếc lá môn cho mấy chị em tôi, bà nói đó là bà xin phần cơm thừa của chủ.

Căn nhà của tôi hồi ấy chỉ là căn chòi lá rách nát, vách phên tơi tả. Những đêm mưa, cả nhà thức dậy, xúm nhau ngồi co cụm lại một góc, hoặc lấy lá chầm che lên nóc mùng mà ngủ.

Có hôm ở nhà một mình buồn quá, tôi lội lang thang đến nhà ông chủ Tuấn, nơi chị Hai tôi ở đợ. Chị ôm tôi vào lòng, hôn hít, vuốt ve, bắt chí cho tôi một lúc, rồi bỗng

dưng chị bảo: “Thôi em về đi, và từ rày về sau đừng đến đây chơi nữa!”. Tôi hỏi vì sao, chị nói: “Chị sợ người ta nghĩ em đến đây xin xỏ, hoặc nghi ngờ chị ăn cắp đồ đạc lòn đút cho em”. Nghe lời chị, tôi ra về, lúc ngoái lại, tôi thấy chị nhìn theo mà rơi hai hàng nước mắt.

Ở xứ tôi có thầy giáo Thường, ở rể cho gia đình ông Hương quản Diệu. Là một người giàu có thuộc bậc trung lưu nhưng thầy Thường luôn gần gũi và chia sẻ với người nghèo, không phân biệt đối xử. Một hôm thầy ghé nhà nói với mẹ tôi: “ Thằng Xoàn đã tám tuổi rồi, chị phải cho nó đi học, có khó khăn gì thì em lo giúp. Nó mà dốt nát thì mai mốt lớn lên cũng đi ở đợ như mấy chị nó thôi”. Mẹ tôi mừng muốn rơi nước mắt. Bà nói rằng đây là cơ hội ngàn vàng thực hiện lời trăng trối của ba tôi. Trước khi lìa đời, ba dặn mẹ rằng không để cho tôi đi ở đợ mà phải cho tôi đi học để biết chữ, để khỏi bị người ta ăn hiếp. Từ đó tôi luôn  nhận được sự quan tâm đặc biệt của thầy Thường. Cứ mỗi buổi tan trường, tôi với thầy cùng về chung con đường chừng hơn cây số. Đó là khoảng thời gian mà thầy truyền bá cho tôi những điều bổ ích, giải thích cho tôi về những chuyện mê tín dị đoan, những điều thuộc về nhân-nghĩa-lễ-trí-tín, vì sao trên đời này lại có kẻ áp bức và người bị áp bức, v.v...

Vào ngày rằm và ngày ba mươi hàng tháng, mẹ tôi đi chùa thắp nhang niệm Phật và thỉnh kinh về bảo tôi đọc cho bà nghe vì bà không biết chữ. Nhờ đó mà tôi thuộc rất nhiều kinh,  biết trân trọng những điều cần phải tránh, những điều cần phải làm để lấy đức cho bản thân và người thân.

Năm 13 tuổi, tôi ra Cà Mau thi tiểu học. Trước ngày tôi đi thi, cả nhà tỏ ra lo lắng khác thường. Chị Hai tôi đến nhà ông chủ Tuấn xin ứng trước mấy cắc bạc tiền công, mẹ tôi đi mượn chiếc xuồng chèo, nhưng mọi người vẫn còn lo vì tôi chưa có quần áo vải để mặc đi thi. Hồi ấy cả nhà tôi mặc đồ bố tời do chị Hai tôi dệt. Mẹ tôi ngồi chống tay lên cằm mà rơi nước mắt. Cuối cùng, chị Hai tôi đánh liều đi mượn bộ bà ba đen bằng vải của anh Thủ, con trai ông chủ Tuấn cũng là bạn học với tôi.

Sáng sớm hôm sau, chị Hai chèo xuồng đưa tôi ra Cà Mau. Vừa bước lên chợ, chị móc túi lấy đồng xu ra mua cho tôi hai củ khoai lang luộc, tôi để nguyên vỏ mà ăn ngấu nghiến. Chị Hai nhìn tôi với ánh nhìn ái ngại, xót xa”.     

(Còn tiếp)

Võ Đắc Danh

Kỳ 2: Giấc mơ kép hát

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo