icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ 6: Cận vệ của Bác Hồ

Năm 1958, ông Xoàn được bổ nhiệm làm cục phó Cục Cảnh vệ. Đến năm 1960, ông được Bộ Công an phân công làm cận vệ cho Bác Hồ kiêm trưởng Phòng Bảo vệ Phủ Chủ tịch, thay ông Phan Lê Ninh đi học nước ngoài.

Tôi hỏi, trong quá trình đi bảo vệ Bác Hồ, có sự cố nào xảy ra mà người cận vệ phải đối phó hay không. Ông nói có một sự cố rất hy hữu. Lần ấy, Bác đi thăm đoàn văn công Nam Bộ ở Cầu Giấy, Từ Liêm. Lúc ra xe thì bất thần có một thanh niên nhào ra xô anh cảnh vệ sang một bên và ôm chầm lấy Bác. Cảnh vệ bắt ngay và khám người anh ta không thấy có vũ khí, định giải anh ta đi thì Bác ngăn lại  hỏi thăm. Anh ta thật thà trả lời: “Thưa Bác, cháu tên là Suối, cán bộ vệ quốc đoàn tỉnh Bạc Liêu, hiện công tác ở trường Nguyễn Ái Quốc. Cháu nghe tin Bác đến, chờ mãi mà không cách nào đến gần được nên đành phải làm liều, mong Bác tha lỗi”. Kể đến đây, ông Xoàn bỗng đổi sang giọng khác:

- Đêm đó chúng tôi biết là Bác không ngủ được, hình ảnh và cử chỉ của anh cán bộ ấy khiến Bác cứ trằn trọc với miền Nam.

Trong những trang hồi ký của ông Xoàn về những ngày sống với Bác Hồ,  ông viết:

“Là một vị lãnh tụ, không dễ có ai quan tâm đến từng vùng đất, con người một cách cụ thể và sâu sắc như Bác. Những chuyến đi công tác về địa phương của Bác được tiến hành liên tục. Đi đến đâu Bác cũng đều chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo chương trình làm việc nhưng không hề báo trước. Người giải thích đơn giản: “Bác muốn đi để thấy cảnh người thật việc thật chứ đâu muốn đi để thấy cảnh được đón tiếp!”. Làm việc xong là Bác về ngay, chẳng bao giờ Bác nhận tiệc tùng chiêu đãi. Bác nói rằng đi công tác thì cốt lo cho xong việc, không nên làm phiền các địa phương. Chúng tôi thường hộ tống Bác với bảy người đi bằng hai ô tô. Có khi sáng sớm từ Hà Nội ra đi, làm việc ở Phúc Yên xong, thấy còn sớm, Bác bảo cho xe qua Vĩnh Phú, tranh thủ làm việc cho hết buổi sáng. Trưa, Bác thường bảo chúng tôi kiếm một ngọn đồi vắng, một ngôi chùa xa nào đó để nghỉ ngơi, chiều tiếp tục hành trình. Bác không ăn cơm tại nhà khách các tỉnh với lý do: Đất nước mình còn nghèo, dân còn khổ, chỉ bảy người đến mà để người ta phải giết bò, mổ lợn là phí phạm lắm.

Hồi tưởng lại những bữa cơm trưa của Người trên đường đi công tác, tôi vẫn còn thấy xúc động: Chỉ có cơm nắm cắt khoanh, cá khô đạm bạc, chúng tôi bày ra và Bác cháu cùng ăn như một gia đình, không hề có sự phân biệt. Ăn cơm xong, Bác thường chọn một gốc cây to, trải ni-lông, cuộn áo bông lên rễ cây nằm ngủ một giấc ngon lành chừng ba mươi phút rồi lại dậy đi tiếp. Rừng thông Phúc Yên, những ngọn đồi ở Ba Vì là những nơi Bác thường nghỉ ngơi trên đường đi công tác. Vì quá lo cho Bác nên có lần anh Vũ Kỳ chuẩn bị sẵn giường xếp, chăn chiên và gối bông, ăn trưa xong anh bày ra mời Bác nghỉ. Bác khen: “Chú Kỳ chu đáo thật. Buổi trưa mà được thế này thì còn gì bằng. Nhưng chỉ mỗi một bộ thôi à ?”. Anh Kỳ đáp:

“Thưa Bác, xe chật nên chúng cháu chỉ mang theo được một bộ, mời Bác nghỉ lưng cho khỏe”. Bác cười: “ Tốt, nhưng ai chu đáo, biết lo xa thì người đó được hưởng. Thôi, chú Kỳ lên đó nghỉ đi, Bác nằm ni-lông cũng quen rồi”. Bác nói vậy và trải tấm ni-lông ra nằm, năn nỉ thế nào Bác cũng không nghe. “Chừng nào lo được cho tất cả mọi người từ Nam ra Bắc thì Bác có chỗ của mình trong đó”. Bác nói vậy và kiên quyết bắt anh Kỳ phải lên giường xếp. Cuối cùng, không còn cách nào khác, anh Vũ Kỳ phải lên nằm. Trưa hôm ấy, anh em chúng tôi cứ trằn trọc, cứ im lặng nhìn nhau mà tuôn trào nước mắt.

Nhiều năm sống bên Bác, tôi không thể nào kể hết những kỷ niệm về Người.  Bác vĩ đại chính vì sự giản dị, chan hòa trong cách sống, trong quan hệ với mọi người. Tôi còn nhớ năm 1960, anh Nguyễn Văn Hiếu và nhà thơ Thanh Hải được đi trong đoàn đại biểu đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm Bác. Anh Hiếu tặng Bác một chiếc lọ hoa bằng vỏ đạn và nói: “Nhân dân miền Nam luôn luôn hướng về Bác”. Cùng tiếp đoàn hôm ấy còn có anh Phạm Văn Đồng và anh Xuân Thủy. Anh Thủy hỏi Bác: “Bác có quà gì tặng miền Nam không ạ ?”. Bác im lặng một lúc rồi đưa tay chỉ về phía trái tim: “Quà tặng miền Nam Bác chỉ có cái này”. Anh Hiếu và anh Thanh Hải xúc động đến không kìm được nước mắt.

Hồi ấy, hàng năm đến ngày 19-5, tại Phủ Chủ tịch, các cơ quan, đoàn thể, học sinh, sinh viên kéo đến mừng sinh nhật Bác như một ngày hội lớn. Bác không ngăn cấm, nhưng cũng không muốn điều ấy trở thành thông lệ, gây tốn kém và lãng phí thời gian. Vì vậy, những năm về sau, hễ gần đến sinh nhật của mình, Người lại xếp lịch đi công tác xa. Điều ấy tuy Bác không nói ra nhưng tôi với anh Vũ Kỳ hiểu được. Đến ngày 19-5-1965, cũng trong một chuyến đi công tác xa như thế, anh Vũ Kỳ bàn với tôi là bí mật tổ chức cho lực lượng công an vũ trang đến mừng sinh nhật Bác. Sáng tinh mơ, thấy công an vũ trang bồng súng xếp hàng đón Bác, Bác vừa tỏ ra ngạc nhiên vừa hỏi: “Ai bày ra vậy? Để làm gì ?”. Anh Vũ Kỳ thú thực, Bác nói nghiêm khắc: “Bác đã tránh Hà Nội, lên đây lại gặp chuyện này thật phiền phức”. Bác ra lệnh giải tán ngay, sau đó gọi anh em chúng tôi lại và ôn tồn nói: “Vì miền Nam, chúng ta gắng sức mỗi người làm việc bằng hai. Các chú đừng có hình thức, đừng bắt Bác phải trở thành một biệt lệ”.

(Còn tiếp)

Võ Đắc Danh

Kỳ tới: Gặp lại người xưa

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo