xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Kỷ lục buồn” của Bùi Xuân Phái

Bài và ảnh: HÒA BÌNH

Nếu thống kê đầy đủ có lẽ không họa sĩ nổi tiếng nào có tranh bị sao chép, làm giả nhiều bằng họa sĩ Bùi Xuân Phái

Họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai cố họa sĩ Bùi Xuân Phái - khẳng định cả 2 bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái mà ông Vũ Xuân Chung đang giữ đều không phải tranh thật. Đó là 2 trong vô số tác phẩm làm giả ký tên Bùi Xuân Phái, vi phạm bản quyền, không đếm hết hiện nay.

Tranh gốc một đằng, nhái một nẻo

Trong 17 bức tranh giả trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM có 2 bức của danh họa Bùi Xuân Phái được người chứng nhận và nhà sưu tập công bố với cái tên: “Thằng hề” và “Phố cổ Hà Nội”. Họa sĩ Bùi Thanh Phương, người lưu giữ và bảo vệ tài sản trí tuệ của cha mình, cho biết: ““Thằng hề” thực chất là bức tranh “Hậu trường sân khấu”, họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ anh lính dõng ngồi nghỉ đợi đến phiên mình ra diễn (căn cứ theo cái mũ lính dõng để trên bàn), những người chép tranh không chỉ tay nghề quá kém mà còn thiếu hiểu biết về lai lịch của từng bức tranh, do đó đặt cho tranh cái tên mới là “Thằng hề” là không chuẩn”.

Bức “Thằng hề” mà nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đang giữ thực chất được chép từ bức “Hậu trường sân khấu”
Bức “Thằng hề” mà nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đang giữ thực chất được chép từ bức “Hậu trường sân khấu”

Về bức “Phố cổ Hà Nội” mà nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đang giữ, họa sĩ Bùi Thanh Phương cho biết nó được chép theo bức “Phố Hàng Tre” của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Hà Nội có 36 phố phường trong khu phố cổ nhưng có thể nói là không nhiều góc phố có chất hội họa để Bùi Xuân Phái khai thác, nên góc phố được ông vẽ đi vẽ lại nhiều lần là điều không lạ nhưng ở mỗi bức, nhịp điệu, đường nét cùng sắc độ màu sắc và cảm xúc hoàn toàn khác nhau. “Tôi thấy bức tranh có tên “Phố cổ Hà Nội” mà ông Chung đang giữ sao chép cực kỳ thô vụng” - ông Phương nhận xét.

Bức “Phố cổ Hà Nội” thực chất bị chép ẩu lại từ “Phố Hàng Tre”
Bức “Phố cổ Hà Nội” thực chất bị chép ẩu lại từ “Phố Hàng Tre”

Nói thêm về bức “Hậu trường sân khấu”, họa sĩ Bùi Thanh Phương cho biết bức tranh gốc thuộc sở hữu của gia đình cố đạo diễn Trần Huyền Trân. “Ông Trân vốn là nhà thơ và là đạo diễn sân khấu, một trong những người bạn gần gũi với họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông Trân thời đó hay giúp họa sĩ Bùi Xuân Phái có thu nhập bằng cách mời trang trí cho các vở chèo nên được họa sĩ tặng một số tranh” - họa sĩ Bùi Thanh Phương kể. Theo ông Phương, bức “Hậu trường sân khấu” gốc có chất liệu bột màu, vẽ trên nguyên một trang báo. Thời đó vì không có tiền mua khung kính nên đạo diễn Trần Huyền Trân đã gấp bức tranh làm tư và cất vào tủ. Tôi xem bức này tại nhà ông Trần Huyền Trân đã hơn 20 năm nay nên vẫn còn ấn tượng về anh lính dõng đang ngủ gật và đặc biệt vẫn nhớ là nó có vết gập làm tư”.

Bức “Trước giờ biểu diễn II” của Bùi Xuân Phái, 1984 (sơn dầu; 59,5x80). Tác phẩm này nằm trong bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam chuyển giao Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1999
Bức “Trước giờ biểu diễn II” của Bùi Xuân Phái, 1984 (sơn dầu; 59,5x80). Tác phẩm này nằm trong bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam chuyển giao Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1999


Bức “Chèo” (sơn dầu, 19x28) bán năm 2015 tại nhà đấu giá Larasati - Singapore (chép lại bức “Trước giờ biểu diễn)

Bức “Chèo” (sơn dầu, 19x28) bán năm 2015 tại nhà đấu giá Larasati - Singapore (chép lại bức “Trước giờ biểu diễn)

Bị vi phạm triền miên

Chuyện tranh của danh họa Bùi Xuân Phái bị vi phạm tác quyền vẫn diễn ra suốt mấy chục năm qua, cả ở trong và ngoài nước, không thể đếm hết số lần vi phạm, đặc biệt là tranh phố của danh họa này được người nước ngoài yêu thích nên các chủ gallery tha hồ đặt hàng “thợ vẽ” nhân bản đủ thứ “phố Phái” mà họa sĩ chưa từng vẽ nhưng vẫn bán được giá cao và được mang ra nước ngoài.

Nhiều lần phát hiện những vụ bị sao chép nguyên bản theo đơn hàng của khách mua, gia đình cũng đành... nín nhịn vì đó là nhu cầu tự nhiên của người thích nghệ thuật. Theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, Bùi Xuân Phái vẽ chèo, vẽ phố, người làm giả cũng có thể vẽ chèo, vẽ phố, đó là đề tài, là motif có thể bắt chước nhưng nhại phong cách của cụ là không dễ.

“Từ lâu, việc chép tranh đã là một nghề và chẳng ai làm gì ảnh hưởng tới công việc của họ. Ngay cả tác phẩm của các danh họa Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng thế thôi, hễ có khách hàng đặt sao chép lại tác phẩm của bất kỳ họa sĩ nào cũng đều được các ông chủ cửa hiệu chép tranh đáp ứng ngay lập tức” - họa sĩ Bùi Thanh Phương buồn bã.

Nhưng không ít lần gia đình danh họa phát hiện những bức tranh giả vi phạm nặng nề và được rao bán với mức giá cao ngất ngưởng. Bằng cách lấy ý tưởng từ các tác phẩm khác nhau, những người làm gian đã “chế” thành tranh mới, mạo danh chữ ký họa sĩ. Chẳng hạn bức tranh giả có tên là “Chèo”, từng được sàn giao dịch Sotheby’s Hong Kong rao bán, họa sĩ Bùi Thanh Phương khẳng định là ghép nội dung 3 bức tranh riêng lẻ của danh họa Bùi Xuân Phái; bức “Ông Trần Thịnh và phố cổ” bị đổi tên thành “Những ngôi nhà”; các bức “Phác thảo”, “Phố”, “Cảnh phố” mà Sotheby’s Hong Kong đưa ra bán đấu giá cũng đều là tranh giả.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương cho biết mỗi năm, sàn đấu giá Sotheby’s Hong Kong rao bán tới hơn 10 bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái nhưng trước giờ chỉ có duy nhất bức “Mèo đỏ” là được danh họa thực hiện.

Có lần, một nhà sưu tập người Thái từng mang tới triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM bộ sưu tập có bức “Nông thôn” của Bùi Xuân Phái nhưng trong lúc đó, họa sĩ Bùi Thanh Phương đang mang bức tranh thật đi triển lãm ở Hàn Quốc. So sánh 2 bức tranh có một số điểm khác nhau về màu sắc, còn lại thì giống đến... 99%.

Năm 2015, nhà đấu giá Larasati (Singapore) bán bức “Chèo” (sơn dầu 19x28) của họa sĩ Bùi Xuân Phái nhưng bức này được họa sĩ Bùi Thanh Phương xác định là đã sao chép bức “Trước giờ biểu diễn” của danh họa. Còn bức “Trước giờ biểu diễn” giả khác lại được Sotheby’s Hong Kong bán với mức giá “khủng”, lên tới hơn 124.000 USD trong khi bản thật đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cần lên tiếng mạnh mẽ

Từ nhiều năm nay, không chỉ thị trường tranh chép, tranh nhái trong nước hỗn loạn mà tranh giả vi phạm tác quyền của các danh họa Việt Nam thường xuyên được các hãng đấu giá lớn trên thế giới chứng nhận bừa bãi, nâng giá ngất trời, thu lợi nhuận mỗi năm vài chục triệu USD mà người trong nước không ai được hưởng lợi hay biết thông tin gì từ những vụ đấu giá đầy tai tiếng. Ngoại trừ một số “thợ vẽ” trong nước nhận được chút tiền cho những bức tranh sao chép khi bán cho người nước ngoài để sau đó đưa vào đường dây hợp thức hóa tranh giả thành tranh thật, bán đấu giá và thu lợi lớn.

Năm 2008, quá bức xúc khi phát hiện sự việc Sotheby’s Hong Kong rao bán 5 bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, trong đó tới 4 bức là giả, họa sĩ Bùi Thanh Phương đã gửi thư tới Sotheby’s Hong Kong lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ rằng nếu cần, ông sẽ kiện ra tòa án Pháp để làm rõ trắng đen. “Vụ việc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” bị sao chép cẩu thả và kém cỏi khiến nhiều người cho rằng nếu 17 bức tranh (được gán cho các danh họa) đó là thật thì đã không đến lượt ông Chung, một người có lẽ là lần đầu bước chân vào nghề sưu tập, không hề có chút kiến thức, không hiểu biết gì về tác giả, tác phẩm hội họa. Trường hợp thứ hai, ông Chung biết nhưng vẫn muốn công chúng thừa nhận đó là tranh thật” - họa sĩ Bùi Thanh Phương phân tích.

Theo ông Phương, dù thế nào thì việc cảnh báo và tố cáo những “kịch bản”, những chiêu trò mà giới buôn tranh hay sử dụng để lưu hành và tiêu thụ đồ giả rồi gán tên cho các danh họa đã quá cố là hữu ích và cần thiết cho đời sống văn nghệ. Rất cần có những hiệp hội của người yêu nghệ thuật ra đời, nơi có thể trao đổi thông tin để tránh được những vụ lừa gạt trong môi trường nghệ thuật.

Sao chép hay “ăn cắp”?

Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005 ghi rõ sao chép các tác phẩm của những tác giả mất trước năm 1956 như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Victor Tardieu… thì không phải xin phép và không phải trả tiền nhưng ghi rõ nguồn gốc xuất xứ là tranh sao chép. Sao chép tác phẩm của Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Điềm Phùng Thị… còn được bảo hộ bởi Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các tác phẩm của các họa sĩ còn sống để bán hoặc làm sản phẩm phái sinh đương nhiên phải có sự cho phép bằng văn bản của chủ sở hữu bản quyền và phải trả tiền (điều 25, 26, 27 và 28 Luật Sở hữu trí tuệ). Các vi phạm sẽ bị xử lý cả về mặt dân sự lẫn hình sự. Luật cũng phân định rõ đạo tranh thực chất là một hành động ăn cắp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo