Sau hai năm chóng chọi với căn bệnh tai biến mạch máu não, NS Long Hải đã ra đi ở tuổi 68, để lại nhiều thương tiếc cho đồng nghiệp và gia đình.
NS Long Hải gắn bó với đoàn kịch nói Kim Cương từ sau 1975. Ông là người phụ trách ngoại vụ cho đoàn, sau đó từng bước tiếp cận với nghề diễn viên thông qua những vai phụ. “Chịu cực khổ, gian nan để phấn đấu bước vào nghề diễn viên chuyên nghiệp, Long Hải chưa bao giờ nản chí, vẫn một lòng nuôi giữ niềm khát khao mãnh liệt làm nghệ thuật, dù chỉ là một diễn viên tay ngang” – NSND Kim Cương nói về ông.
Khán giả yêu kịch nói Kim Cương không thể nào quên nhân vật Mãi có nốt ruồi “to đùng” trên má, cùng nét hài duyên dáng trong “Vực thẳm chiều cao”. Và, không thể quên các nhân vật: anh Be trong vở “Trà Hoa Nữ”, anh Bố trong vở “Sắc hoa màu nhớ”, Hương quản Xị trong vở “Lá sầu riêng” hay bệnh nhân tâm thần trong vở “Bông hồng cài áo”…
Đối với NSƯT Minh Hạnh, chị nhớ mãi những ký ức đẹp về NS Long Hải: “Mỗi ngày 4 giờ sáng anh thức dậy chạy đến các công ty, xí nghiệp nuôi gia cầm hoặc thủy sản để xin mua hàng giá rẻ, mua những nhu yếu phẩm giá đặc biệt, đem về cho các diễn viên trong đoàn. Thời kỳ bao cấp rất khó khăn, nhưng với tập thể diễn viên của đoàn kịch nói Kim Cương, nhu yếu phẩm và thịt cá tươi sống đều đầy đủ, không thiếu thốn nhờ lòng nhiệt tình, không toan tính, vụ lợi của anh” – NSƯT Minh Hạnh nói.
Đến dự tang lễ, họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu đã khóc. “Tôi mất một chủ nhiệm phim hiền lành, tốt bụng, luôn nghĩ đến hiệu quả công việc. Đoàn phim đưa tiền để đi lo ngoại vụ, dư một đồng cũng trả lại. Nhà sản xuất đòi tăng lương cho anh, từ 4 triệu đồng lên 8 triệu đồng/phim, anh khó chịu nói, làm vậy anh em trong đoàn nói tôi chỉ làm chủ nhiệm mà lương cao, ngại lắm. Nhà sản xuất bảo anh đáng được hưởng số tiền đó vì công việc của anh làm rất hiệu quả. Lúc đó anh mới chịu nhận tiền. Chưa ai tốt bụng như Long Hải, sống hết lòng với anh chị em trong đoàn làm phim, cực nhọc đến mấy cũng không than, miễn sao phim đóng máy đúng tiến độ, tiền nong không phát sinh, là anh đã an tâm vì làm đúng trách nhiệm. Những bộ phim có vốn ít, khi mời anh làm chủ nhiệm, anh đi chọn bối cảnh bằng xe gắn máy, xa đến đâu anh cũng tự đi, để đỡ chi phí tốn kém cho đoàn” – họa sĩ Lê Trường Tiếu tâm sự.
Nhắc đến những vai diễn phụ để đời trên sân khấu kịch nói Kim Cương. Vai Mãi trong vở kịch “Vực thẳm chiều cao” là nhân vật khán giả nhớ đến Long Hải. “Diễn vai này tuy là vai phụ nhưng không có ai thế nổi Long Hải. Một lần anh bệnh, một diễn viên khác được bố trí thay anh, khán giả phản ứng quá. Nghe tin, anh xin chị hai Kim Cương ngày mai vẫn cho anh diễn. Dù bệnh anh vẫn đến rạp, ra sân khấu diễn rất hăng, vào hậu trường thì nằm co ro một góc, anh chị em ai cũng thương và quý tính nết hiền lành, chịu khó của NS Long Hải” – NS Mỹ Chi bộc bạch.
Đối với gia đình, NS Long Hải là người cha hết sức yêu thương con. Đối với vợ – chị Kim Phụng – ngoại vụ của đoàn Kim Cương, anh là người chồng lý tưởng. “Chỉ còn vài tuần nữa con dâu tôi sanh. Anh ấy mừng lắm khi biết mình sắp được làm ông nội. Cứ hỏi con trai tôi về sức khỏe của con dâu, khuyên nhủ phải ăn uống đủ dinh dưỡng để lo cho con khi cháu nội chào đời. Biết sẽ có cháu gái sau khi con tôi đưa vợ đi siêu âm, anh ấy vui mừng và nôn nóng được nhìn thấy cháu bé. Vậy mà nay anh đã ra đi, mãi mãi không biết mặt cháu nội của mình” – Bà Kim Phụng khóc.
Tất cả những nhân viên đoàn phim thuộc nhiều hãng phim ở miền Nam, những diễn viên điện ảnh, phim truyền hình và nghệ sĩ sân khấu kịch nói, cải lương đều đến thắp hương tiễn đưa NS Long Hải. Nhiều người đã bật khóc khi nhìn thấy di ảnh của ông, một người nghệ sĩ sống nhân hậu, yêu nghề.
NSƯT Lê Cung Bắc thương tiếc NS Long Hải
Bình luận (0)