Rồi dứa dại, cỏ tranh, gai xấu hổ… Và chỉ vài đôi ba tháng mọi thứ đâu vào đấy, um tùm, ngột ngạt phủ khắp các ngôi mộ. Đứa con trai út ngồi lại bên ngôi mộ ở góc phía Nam, một ngôi mộ nhỏ bé so với các ngôi mộ khác, đưa mắt nhìn tôi như dò hỏi. “Mộ cô út đấy con à” - tôi nói. “Sao có vẻ khác hơn so với các ngôi mộ còn lại hả ba?” - thằng bé hỏi. Tôi ừ à. Rồi kể, vì tôi hiểu con trai của mình cần phải biết ít nhiều về thời của cha mẹ nó đã sống, đã trải qua. Đó là những ký ức nhói lòng về một thời tuổi trẻ vô cùng khốn khó của mấy anh em chúng tôi.
Tôi cố nhớ, bất kỳ lúc nào có thể, rằng tôi đã cảm nhận sự có mặt của mình trên đời từ lúc nào nhưng không thể nào nhớ ra nổi. Trong vùng ký ức nhạt nhòa chạy đôn đáo cùng cuộc mưu sinh khắc nghiệt có bao giờ trồi lên một góc cạnh nào đó để nhớ về một tuổi thơ êm đềm đâu. Có thể chính là lúc con Bé, em tôi, lên 2 tuổi cùng với cơn bệnh động kinh ngày thêm dồn dập, cha mẹ sấp ngửa đồng khô đồng cạn bỏ 2 đứa bê bết đất cát, đói cơm khát uống quanh năm. Nhiều lúc đâm thảng thốt, rằng ba mẹ sinh ra bọn tôi để làm gì? Tôi suốt ngày oằn vai kẹp con Bé bên nách quần đùi áo rách lê lết đầu làng cuối xóm gạ cùng mấy trò chơi nghèo nàn. Có bữa cả bọn còn chơi trò chơi vợ chồng (té ra cái trò chơi đầu đời tôi còn nhớ được là trò vợ chồng) với những lá dừa, dái mít cùng hạt keo bông bí, bông bầu làm tiệc cưới bên nách mộ thành hoàng bạc màu cỏ dại thì con Bé lại lên cơn. Nó lên cơn đúng hồi hai họ ò í e rước dâu trăm phần hoành tráng. Thấy con Bé miệng sùi bọt mép, chân tay giãy đành đạch, cả hai họ bốn bề nội ngoại hoảng hồn chạy tán loạn, bỏ một mình tôi cùng con Bé bên ngôi mộ hoang liêu đến kinh người. Tôi vừa lắc lắc hai vai con em vừa khóc ngất. Nó vẫn im lặng với trò chơi đưa dâu đâu tận phía thiên đường. Tôi xốc nó lên chạy dọc bờ sông réo ba mẹ. Ba mẹ tôi đang làm đồng phía bên kia sông, lọt thỏm giữa những ngôi mộ chen cùng ruộng lúa nên dễ gì nghe thấy. Tôi tất tả chạy lên rồi chạy xuống, bóng dáng ba mẹ vẫn mịt mù. Rồi, chẳng nhớ ba mẹ chạy về lúc nào, đã cứu chữa con Bé ra làm sao nữa. Chỉ biết rằng phen ấy con Bé thoát khỏi tử thần. Tôi kịp lớn thêm một chút trong nỗi ngậm ngùi. Bởi cuộc vợ chồng mới vừa kịp dựng nên đã hớt hãi cùng cơn động kinh của đứa em tội nghiệp. Tội nghiệp như con Bé thì sinh ra để làm gì? Còn tôi? Hay chỉ là sinh ra để chứng kiến nỗi đau của con Bé cho trọn vẹn?
Làng là những ngôi nhà tranh lụp xụp chạy dọc theo bờ sông. Vài ngôi nhà lợp ngói khiêm tốn xen kẽ như điểm nhấn bên những ngọn tre phất phơ. Hơn mười năm là đủ để làm nên cuộc nhân duyên giữa ba mẹ tôi. Nhà nội đầu xóm. Nhà ngoại cuối xóm. Không hiểu mẹ tôi có kịp chuẩn bị cho công cuộc làm con đầu dâu trưởng hay không mà ngay bữa giỗ đầu tiên ở nhà chồng đã để gà vuột chạy khắp làng trên xóm dưới sau mấy nhát dao cắt cổ cứ mãi không thành? Hình như dấu ấn cuộc đời làm dâu của mẹ chỉ có vậy. Sau đó là đầu tắt mặt tối với “giang san nhà chồng”. Hơn năm sau thì tôi ra đời. Có vẻ như tôi cũng giống chú gà sút tay số phận mà xổ ra giữa đất trời vậy nên có vẻ chông chênh, ngớ ngẩn lạc nhịp thế nào ấy. Bởi thế, đến cả cuộc học hành cũng chắp vá dở dở ương ương. Trường học ở phía bên kia sông nên chuyện học hành phụ thuộc hoàn toàn vào con nước và vào... con Bé. Con chữ vì vậy cũng cứ phập phù.
... Một đêm cuối năm, súng nổ ran đâu phía nhà ngoại. Người ta nói giải phóng về và cả xóm hốt hoảng chạy lên bờ đê đầu làng núp đạn. Mẹ tôi bảo giống hệt như năm Việt Minh đi cướp chính quyền! Sáng ra mới hay tin giải phóng đã về tới quê ngoại với súng ống lỉnh kỉnh. Rồi thằng Hồng ghé tai tôi thì thào rằng toàn súng giả làm bằng bẹ dừa nước (!). Tôi rụt vai lè lưỡi lắc đầu, hay thật súng bằng bẹ dừa mà cũng giải phóng được. Mà giải phóng là gì ta? Tiếp theo là những ngày tháng bình lặng một cách khó hiểu. Rồi chúng tôi được lệnh nghỉ học. Được ở nhà chơi suốt ngày thì còn gì bằng. Nhưng không đi học thì sẽ làm gì? Không thằng nào biết, chỉ thấy sướng. Và, tôi lại cùng con Bé cả ngày lê lết đầu làng cuối xóm.
Té ra chiến tranh không hề đơn giản như mấy cây súng làm bằng bẹ dừa mà kinh khủng hơn nhiều. Đã bắt đầu có người chết. Chết hẳn, chết không sống lại được chứ không phải chết giả như con Bé. Khi tàu bay đến rải bom khắp xóm và tàu bay địch rơi bên đám sắn kề bãi sông bên kia thì mọi người bắt đầu bỏ chạy khỏi xóm. Lần lượt nhà này đến nhà khác, không ai rủ ai. Còn lại nhà nào nhà nấy đào hầm trú ẩn. Ba tôi bảo trú là trú đạn thôi chứ còn bom thì sao? Nhưng có còn cách nào đâu. Người ta chạy đi chạy về tránh bom, tránh đạn. Bởi còn cái ăn nữa, có ai chạy trốn khỏi cái ăn được đâu. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Ngày nào cũng có người chết. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ mãi, giữa đạn bom ác liệt như thế, chúng tôi sinh ra để làm gì? Con Bé ra đi trong một ngày bình thường không ai nhớ nổi bởi chiến tranh quá sức ác liệt. Nó chết vì vỡ ruột thừa chứ không phải căn bệnh động kinh đầy ám ảnh. Chỉ nhớ con Bé được đem đi chôn vội giữa đêm tối. Thôi thì dù sao nó cũng đỡ phải chịu đựng sự sợ hãi như những người còn sống. Nó đi làm thiên thần tận đâu trên trời xanh, không kịp chơi trò vợ chồng như mấy đứa trẻ cùng xóm sau này. Nó ra đi để lại câu hỏi không ai chịu đáp, rằng tại sao cứ phải sinh ra nó làm gì?
Tất cả lặng lẽ rời khu nghĩa trang, bỏ lại sau lưng những câu hỏi tan theo ngọn gió trễ tràng.
Bình luận (0)